Tiếng hát của nữ ca sĩ Thanh Huyền đã vang lên trên Đài tiếng nói VN trong suốt các thập niên 1960 - 1990. Bà được ví như ngôi sao trên sóng phát thanh thế kỷ trước.
Nghệ sĩ Thanh Huyền thời trẻ và khi bước sang tuổi 74 - Ảnh: tư liệu - Ngọc An |
Khi truyền hình chưa phát triển, công chúng thường biết đến giọng hát của các nghệ sĩ qua sóng phát thanh. Nhiều nghệ sĩ đã gắn tên tuổi với những ca khúc phát trên đài tiếng nói, trong đó có thể kể đến thế hệ những nghệ sĩ đầu tiên như Thanh Huyền, Mạnh Hà, Thúy Hà, Thúy Lan...
Giữa những giọng ca ấy, Thanh Huyền được nhớ đến bởi giọng hát vừa trong, vừa cao, mà đầy ngọt ngào, sâu lắng. Thanh Huyền đã thu âm hàng trăm ca khúc tại Đài tiếng nói VN. Bà nổi tiếng với Bèo dạt mây trôi, Xe chỉ luồn kim, Người ở đừng về, Khi thành phố lên đèn, Mẹ yêu con, Bài ca hy vọng, Lời ca dâng Bác, Trông cây lại nhớ đến Người...
Người con gái làng hoa
Nghệ sĩ Thanh Huyền đã bước sang tuổi 74, nhưng dường như thời gian chẳng thể làm phôi pha đi vẻ đẹp dịu dàng của người con gái Hà Nội. Bà sinh ra và lớn lên ở làng hoa Ngọc Hà trong gia đình giàu có nức tiếng. Ông nội bà là chủ rạp hát trên đường Kim Mã.
Bà được thừa hưởng nét đẹp và giọng hát ngọt ngào, mượt mà từ người mẹ vốn là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Nhưng không phải mẹ mà chính bố là người đã hướng bà đến với con đường âm nhạc sau này. “Cứ mỗi lần có khách đến chơi, cụ lại gọi tôi lúc đó mới có 6 - 7 tuổi ra hát cho mọi người nghe”, bà kể. Đó là những năm 1940 - 1950. “Tôi hát những bài tiền chiến mà mọi người hay truyền tai nhau chứ khi đó đã làm gì có đài để nghe”, nghệ sĩ Thanh Huyền nhớ lại. Sau này, bố đưa bà đến tận ông thầy Đặng Hồng ở đường Cửa Nam để học ký xướng âm, thanh nhạc. Đến khi Hà Nội được giải phóng (1954), tham gia đội đồng ca Ấu Trĩ Viên của thành phố, đội Sơn Ca của đài phát thanh, bà bắt đầu hát những ca khúc cách mạng.
Nổi tiếng trên sóng phát thanh, nhưng nghệ sĩ Thanh Huyền lại không công tác tại Đài tiếng nói VN như nhiều người nhầm tưởng mà thuộc lứa thế hệ đầu tiên của Nhà hát Ca múa nhạc VN. Bà là thế hệ học sinh thứ 2 của Trường âm nhạc VN (sau đổi tên là Nhạc viện Hà Nội, còn bây giờ là Học viện Âm nhạc quốc gia VN). “Nói là trường nhưng đó chỉ là một cái hội trường được lợp bằng lá ở làng Láng được người dân cho làm nhờ. Học nhạc thì phải tự chép tay chứ làm gì có giáo trình, sách vở đầy đủ như bây giờ”, Thanh Huyền nhớ lại. Bà được nghệ sĩ Thúy Huyền, nghệ sĩ Mai Khanh..., cũng là thế hệ học sinh đầu tiên của trường dìu dắt. Tiếng hát Thanh Huyền rất đặc biệt bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật hát dân ca và kỹ thuật thanh nhạc cổ điển của phương Tây.
Văn công thời chiến
Vào thời kỳ đó, nhiệm vụ của những người nghệ sĩ như bà là biểu diễn phục vụ Đảng, Nhà nước: biểu diễn cho các vị nguyên thủ quốc gia, giao lưu văn hóa tại nước ngoài, vào chiến trường ác liệt để biểu diễn cho các chiến sĩ.
Bà kể: Một lần vừa đi lưu diễn tại Nga, Cuba, Trung Quốc trở về, đoàn văn công của bà nhận lệnh vào Nghệ An. Đoàn di chuyển bằng xe đạp suốt dọc từ Hà Nội vào Nghệ An cả ngày lẫn đêm trong khoảng thời gian Mỹ bắn phá miền Trung ác liệt. Đến tối, đoàn của bà dừng lại ở các trận địa biểu diễn cho bộ đội nghe, hôm sau lại tiếp tục lên đường.
Cuộc sống văn công thời ấy đâu chỉ gian khổ mà còn đối mặt với cả nguy hiểm chẳng khác gì chiến sĩ ngoài mặt trận. Bà nhớ có lần tới biểu diễn cho đơn vị vừa bắn rơi máy bay Mỹ để động viên tinh thần chiến sĩ. Chương trình kéo dài tới tận đêm, nên các văn công được mời nghỉ lại. Nhà có việc nên bà xin phép được về trước. “Đến sáng hôm sau tôi nhận được tin báo máy bay Mỹ ném bom trúng ngay đơn vị đó”, bà nhắc lại giọng nghèn nghẹn. Do đặc thù công việc, nên các văn công được nhận chế độ ưu tiên đặc biệt. Bà kể công chức nhà nước mỗi tháng được cấp 3 lạng thịt, nhưng riêng văn công là 3 cân thịt.
Cuộc sống bình lặng
So với những nghệ sĩ cùng thế hệ, cuộc sống của nghệ sĩ Thanh Huyền khá bình lặng. Bà kết hôn cùng đạo diễn - NSND Thanh An. Cuộc sống của họ đầm ấm, hạnh phúc với hai người con, một trai một gái. Con trai bà hiện sống và làm việc tại nước ngoài, còn người con gái cũng đang theo nghiệp ca hát giống mẹ.
Nghệ sĩ Thanh Huyền kể, hiện tại mỗi tháng bà nhận được 2,5 triệu đồng, tiền chế độ nhà nước dành cho NSND (bà là một trong 4 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND trong đợt đầu tiên vào năm 1984 - PV), cùng với tiền lương hưu, nên cuộc sống vật chất của bà khá đầy đủ. “Nhưng tôi thấy buồn và cô đơn lắm”, giọng bà trầm lại. Ngôi nhà nhỏ vắng bóng đạo diễn Thanh An đã 5 năm nay, chỉ còn lại mình bà. Đến giờ, bà vẫn chưa quen với sự ra đi của ông...
Bình luận (0)