Giọng nói

26/07/2020 06:37 GMT+7

Con gái đi học về phụng phịu bảo: Con đi học bị bạn chọc là giọng nói kỳ kỳ. Tôi hỏi lại: Kỳ sao con? Bé kể bạn ghẹo con nói sai chính tả “ngồi” nói là “ngầu”, “ổi” kêu là “ẩu”, “nội” kêu là “nậu”. Tôi cười nghĩ “lịch sử lặp lại”.

Hồi đó tôi cũng như con không hình dung ra giọng nói mình khác biệt vì suốt những năm tiểu học, tôi học trường làng có những người bạn trong xóm cùng giọng nói cho đến khi chuyển ra trường huyện cách nhà gần năm cây số. Bên cạnh những bỡ ngỡ trường mới, bạn bè mới còn có sự ngượng ngùng mắc cỡ vì tụi bạn ghẹo mỗi khi tôi đi ngang: “Bà nậu ngầu đi con lấy ẩu cho bà nậu ăn...”.
Tôi bắt đầu nhận ra sự khác biệt giọng nói của bản thân mình, xóm làng mình. Lạ quá, cùng một huyện ở Tây Ninh mà xã nơi mình ở lại có những từ phát âm khác các vùng lân cận. Chiều đó về nhà tôi thủ thỉ cùng nội. Nội kể hồi xưa lắm rồi, lúc đó nội còn chưa ra đời, thời đó ông cố con còn nhỏ xíu, ông bà sơ của con cùng người làng chạy giặc vào đây. Gia tài không có gì mà nếu có cũng đâu kịp đem theo gì. Đòn gánh trên vai một đầu là lương thực, thực phẩm để ăn qua ngày, một đầu là những đứa trẻ đặt trong thúng nhắm phương Nam mà đi. Hết đi đường bộ rồi đi đường sông. Vào đến đất Gia Định xưa rồi lại xuống Tân An ngược dòng sông Quang Hóa (tên của Vàm Cỏ Đông thời khai khẩn đất) về phía thượng nguồn. Đi rồi dừng, dừng rồi lại đi như những đoàn người du mục cho đến một hôm đoàn người dừng lại bên một triền sông thấy đất đai trù phú vậy là quyết định ở lại lập làng chọn làm quê mới.
“Quê mình ở đâu nậu”, tôi hỏi. “Ở xa lắm con ơi! Nậu cũng chưa từng được về, cố hương nậu chỉ biết qua lời ông cố kể, ông cố lại nghe ông sơ kể, rầu giờ nậu kể con nghe”. Quê mình ở Bình Định. Một vùng đất có biển, có đầm, có núi non trùng điệp... Nội cũng nghe kể vậy thôi. Còn từ nhỏ tới giờ nội chưa đi đâu ra khỏi vùng đất này.
Tôi nhớ mình đã nhìn vào bản đồ Việt Nam treo trên tường thư viện trường hồi đó, mừng rỡ reo lên khi thấy một chấm đen sát ngoài mé biển tên Bình Định. Phải rồi bà nội nói Bình Định có biển, không như Tây Ninh chỉ có sông, hồ muốn ra biển phải ngồi xe đi gần hai trăm cây số. Rồi tôi mơ có ngày sẽ về lại xứ sở dẫu bà nội nói là chẳng còn ai thân thích ngoài đó.
Tôi vào đại học, phát hiện giọng nói mình có phần giống những bạn đến từ Bình Định, Phú Yên mà người ta hay gọi “xứ nẫu”. Giống những âm “ôi” thành “âu”, những từ quen thuộc như “cá tràu” thay vì “cá lóc” hay dùng trong phương ngữ Nam bộ nhưng âm sắc cũng đã khác nhiều. Giữa Sài Gòn hoa lệ, tôi thấy giọng mình quê quê, tôi đã cố bẻ đi để giọng tôi trở nên quen thuộc như giọng bao người miền Đông Nam bộ. Rồi có đợt về thăm nhà khi tôi trò chuyện bằng âm sắc khác, nội tinh ý nhận ra. Nội trách:“Con nói gì kỳ vậy”. Tôi ngượng ngùng chỉnh lại giọng quen thuộc của xóm làng mình. Chỉ khi nói đúng giọng quen thuộc từ những ngày bập bẹ những tiếng nói đầu tiên, tôi mới thấy mình thật sự thuộc về làng mạc đó, cộng đồng dân cư đó. Giọng nói đặc trưng đó cũng là dấu hiệu để người trong huyện, trong tỉnh nơi tôi sinh ra và lớn lên nhận ra: À! Anh/chị đến từ Gò Chùa/Phước Trạch phải không? Nghe giọng là nhận ra liền.
Rồi tôi lập gia đình, con gái lớn lên lại theo giọng ba mà gọi bà nậu, trái ẩu, và trả lời mỗi khi được hỏi con học bài chưa, rằng là con học bài rầu... Tôi kể cho con gái nghe những câu chuyện của ngày xa xưa từ thời ông sơ rời làng quê vào đây sinh sống. Kỷ vật mang theo chẳng có gì mà nếu có theo dòng thời gian đầy biến động chắc cũng không còn tồn tại. Thứ duy nhất còn giữ lại từ thời ông bà truyền qua nhiều đời chính là giọng con đang nói. Con hãy giữ lấy nó để người xung quanh biết con đến từ đâu, gốc gác nguồn cội thế nào.
Rồi tôi chỉ vào chấm đen trên bản đồ nơi khúc ruột miền Trung nghiêng về mé biển: Đây, Bình Định quê mình! Một ngày nào đó ba con mình sẽ đi đến đó, thăm biển, thăm đầm, thăm núi, ăn những món ăn quê hương mà ông bà mình lâu ngày vào đây dần mai một, để con nghe giọng người quê mình còn nguyên bản mà thương hơn giọng nói ông bà để lại đã phai lạt ít nhiều dù các thế hệ ở vùng quê mới đã hết lòng nâng niu gìn giữ nó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.