Theo thống kê của Tổng công ty điện lực miền Nam (EVN SPC), sự cố mất điện do thời tiết trong 9 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn 21 tỉnh thành phía Nam giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, những cơn mưa to kèm giông lốc cũng đã gây ra tổng cộng 53 vụ sự cố về điện trên địa bàn. Từ đó gây ra những thiệt hại do mất điện là không nhỏ và cả những khó khăn cho sinh hoạt của người dân.
Những sự cố do mưa bão
Nhiều người dân ở các phường Đông Xuyên, Mỹ Hòa, Mỹ Phước, Mỹ Quý và Mỹ Thạnh thuộc TP.Long Xuyên (An Giang) vẫn còn sợ khi nhớ về trận giông lốc hồi giữa tháng 6 năm nay làm tốc mái tôn 200 căn nhà; cây ngã đổ vào đường dây trung hạ áp làm 2 cột điện bị gãy, khiến điện mất nhiều giờ, giao thông tê liệt. Chỉ trong ngày này, địa bàn tỉnh An Giang đã có đến 630 nhà dân, trường học bị hư hại do giông lốc. Riêng đối với ngành điện tỉnh An Giang, 2 sự cố trên được đánh giá là gây thiệt hại nặng nề nhất từ đầu năm 2016 đến nay khi làm mất khoảng 40.000 kWh điện, thiệt hại gần 100 triệu đồng chi phí khắc phục. Tương tự, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, những trận lốc xoáy lớn làm gãy đổ 12 trụ điện đường dây 110 kV tuyến Cà Mau - Giá Rai.
Còn tại H.Đức Hòa (Long An), lốc xoáy làm gãy 2 trụ, nghiêng 5 trụ điện trung thế, hư hỏng lưới điện trung áp gây mất điện tại 2 thị trấn là Hiệp Hòa và Hậu Nghĩa. Nghiêm trọng hơn, trên địa bàn TP.Tân An (Long An), nơi tập trung đông dân cư sinh sống, sản xuất kinh doanh, mỗi lần có lốc xoáy lớn đều có cây đổ ngã vào lưới điện làm mất điện trên diện rộng. “Chính vì sự nguy hiểm trên, từ đầu năm chúng tôi xem nhiệm vụ đảm bảo an toàn điện là quan trọng, thậm chí đã lập Ban chỉ huy phòng chống thiên tai”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó giám đốc Công ty Điện lực Long An, cho biết. Mới đây nhất vào chiều tối 9.10, tại H.Bác Ái (Ninh Thuận), lũ quét làm đổ 2 trụ điện 22 kV gây ra mất điện cho 470 hộ dân tại 3 thôn miền núi thuộc xã Phước Bình. Thống kê ở các địa phương phía Nam cho thấy nguyên nhân trực tiếp trong mưa bão gây ra sự cố điện thường do cây xanh ngã đổ vào lưới điện, tiếp đến là do mái tôn từ nhà dân bay vướng vào lưới điện. Và sau nữa là các bảng quảng cáo khi có gió lốc mạnh bị ngã đổ vào đường dây điện.
Phải đảm bảo an toàn
Ông Hồ Quang Ái, Phó tổng giám đốc EVN SPC, cho biết để khắc phục những thiệt hại do mưa bão, ngay từ đầu năm EVN SPC đã chỉ đạo 21 đơn vị thành viên thực hiện công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai. Trước tiên là củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và lực lượng xung kích. Tiếp theo là lập phương án và diễn tập kịch bản phòng chống thiên tai chi tiết, cụ thể theo phù hợp đặc điểm của từng đơn vị. Chuẩn bị nhân lực, phương tiện, dụng cụ, vật tư, nguồn điện dự phòng kịp thời ứng phó khi có sự cố. “Ngoài xây dựng lực lượng xung kích ứng trực mỗi khi thời tiết có mưa bão; đẩy mạnh tuyên truyền về điện trong nhân dân để chằng néo nhà cửa để không gãy đổ vào lưới điện”, ông Ái nói.
Cũng theo ông Ái, trước và trong mùa mưa bão, EVN SPC cũng đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc xử lý ngay đối với các vị trí có nguy cơ gây ra sự cố và tai nạn cho người dân. Kiểm tra và nâng cao độ võng đối với các vị trí đường dây vượt sông, vượt đường giao thông, đường dây đi qua vùng lũ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Thường xuyên phát quang và dọn dẹp hành lang lưới điện. Vận động người dân sinh sống dọc theo lưới điện chặt tỉa cây xanh, chằng néo mái tôn, di dời ăng ten tivi có nguy cơ gãy đổ để đảm bảo an toàn lưới điện. “EVN SPC luôn xác định, để đối phó với mưa bão, còn cần sự chung tay của người dân bởi đảm bảo an toàn lưới điện cũng chính là đảm bảo an ninh năng lượng cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân”, ông Ái cho biết thêm.
Bình luận (0)