Bởi bác sĩ giỏi còn mong muốn nhiều thứ hơn cả thu nhập cao, đó là cần có máy móc hiện đại và môi trường, chính sách làm việc chuyên nghiệp để chuyên tâm thực hành y khoa và cứu người, được thăng hoa trong sự nghiệp bằng sự đóng góp các cải tiến mới về kỹ thuật chuyên môn.
Học chuyên ngành "lạ", tưởng đâu không đất dụng võ, may mắn "gặp" được nơi "đất lành chim đậu''
Năm 1997, sau khi được đào tạo chuyên sâu về Y học hạt nhân và bệnh tuyến giáp tại Pháp, bác sĩ Nguyễn Văn Tế nóng lòng góp sức phát triển ngành y học hạt nhân nước nhà. Tuy vậy, do tình trạng bệnh viện thiếu máy móc, bác sĩ Tế cho biết anh không có điều kiện áp dụng kiến thức đã học vào công việc.
Năm 2003 khi hay tin Bệnh viện FV tuyển dụng chuyên gia về lĩnh vực y học hạt nhân, bác sĩ Tế đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội này.
Khỏi phải nói, bác sĩ Tế mừng thế nào khi đến thăm Bệnh viện FV. "Đó là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc máy xạ hình hai đầu cắt lớp hiện đại lúc bấy giờ. Những trang thiết bị phục vụ cho khoa y học hạt nhân tại FV cũng rất đầy đủ. Tôi cảm thấy rất sung sướng!".
Cái "sướng" của người bác sĩ là có phương tiện đầy đủ để hành nghề và có cơ hội áp dụng kiến thức đã được học vào môi trường làm việc. Cũng tại FV, bác sĩ Tế có cơ hội học hỏi từ những chuyên gia hàng đầu châu Âu, được cử đi Pháp nâng cao tay nghề, được ban lãnh đạo tin tưởng thông qua đề xuất của anh trong việc áp dụng quy trình điều trị tiên tiến của thế giới. Tại Khoa Y học hạt nhân do bác sĩ Tế đảm trách, kỹ thuật xạ hình được áp dụng rộng rãi để chẩn đoán bệnh mạch vành, các rối loạn tuyến giáp trạng, chẩn đoán xác định hoặc loại trừ bệnh tắc mạch phổi, đánh giá hình thái và chức năng thận, tìm khối u tuyến thượng thận cũng như các vị trí di căn, tìm các di căn ung thư vào xương…
Trường hợp tương tự là bác sĩ Võ Kim Điền, một trong những bác sĩ gắn bó cùng FV suốt 20 năm qua. Từng đi Pháp tu nghiệp về xạ trị năm 1995, nhưng khi quay về Việt Nam làm việc, theo lời bác sĩ Điền, tình hình thiếu máy móc xạ trị nên anh cũng không có cơ hội thực hành những gì đã học. "Khi biết Bệnh viện FV được trang bị máy móc xạ trị rất đồng bộ hiện đại, tôi nghĩ: mình sang FV sẽ giúp được nhiều người bệnh", bác sĩ Điền hồi tưởng.
Là một trong những bác sĩ đầu tiên thiết lập Trung tâm điều trị ung thư Hy Vọng, bác sĩ Điền góp phần không nhỏ vào sự phát triển của khoa.
Cơ hội phát triển bản thân trong môi trường chuẩn y khoa
Câu chuyện của bác sĩ Phan Văn Thái lại thú vị ở một góc cạnh khác. Cách đây 20 năm, anh là bác sĩ nội trú tại Đại học Y dược Huế. Ngày đầu tiên anh đến nộp hồ sơ thì Bệnh viện FV vẫn còn là công trình bề bộn, con đường Nguyễn Văn Linh rất vắng người. Nhưng khi tiếp xúc với đội ngũ y bác sĩ người Pháp chuyên nghiệp và nhiệt tình, bệnh viện với trang thiết bị hiện đại, bác sĩ Thái nhanh chóng có được niềm tin về một tương lai phát triển mạnh mẽ của FV. Tại đây, thời gian đầu, anh được học hỏi và cùng làm việc với các chuyên gia phẫu thuật người Pháp để phát triển kỹ năng chuyên môn.
Đúng như kỳ vọng của bác sĩ Thái, FV sau 20 năm đã trở thành nơi phát triển sự nghiệp cho những bác sĩ muốn dành toàn bộ tâm huyết cho việc cứu chữa bệnh nhân như anh. Bác sĩ Thái hiện là Trưởng khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện FV, đồng thời là chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật trong lĩnh vực ngoại tổng quát và tiêu hóa với thế mạnh về phẫu thuật tuyến giáp, gan, mật, tụy, dạ dày, đại tràng. Anh cũng nổi tiếng là người dám dấn thân, không từ chối những ca "9 chết 1 sống".
Theo anh, môi trường của FV tạo điều kiện cho bác sĩ toàn tâm toàn ý vào việc điều trị cho bệnh nhân, từ đó phát triển được tay nghề.
Những chia sẻ của bác sĩ Thái, bác sĩ Tế hay bác sĩ Điền là vài trong số rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng của đội ngũ y bác sĩ tại FV.
Bình luận (0)