Giữ chữ ta ở xứ người

20/02/2015 03:00 GMT+7

(TN Xuân) Gia đình vài đời sinh ra và lớn lên trên đất Thái, bản thân cũng chưa từng đặt chân về quê hương, nhưng họ - những người con gốc Việt - vẫn miệt mài gieo từng con chữ để con cháu đừng quên cội nguồn.

(TN Xuân) Gia đình vài đời sinh ra và lớn lên trên đất Thái, bản thân cũng chưa từng đặt chân về quê hương, nhưng họ - những người con gốc Việt - vẫn miệt mài gieo từng con chữ để con cháu đừng quên cội nguồn.

 Chùa Một Cột Việt Nam tại tỉnh Khon Kaen - Ảnh: Nguyễn Tập
 Chùa Một Cột Việt Nam tại tỉnh Khon Kaen - Ảnh: Nguyễn Tập
“Ơi lý chàng ơi, em thương mà em gởi...” - bài Chim trắng mồ côi qua giọng ca Cẩm Ly vang lên mùi mẫn từ dàn karaoke của một tiệm ăn bên đường làm tôi khựng lại. Tôi đang ở Khon Kaen - một tỉnh nhỏ vùng đông bắc Thái Lan. Tiệm ăn đó là nhà ông Vũ Hữu Bình, 57 tuổi, nguyên hội trưởng đầu tiên của Hội Tôi yêu tiếng nước tôi.
Hội Tôi yêu tiếng nước tôi rất tuyệt vời. Họ sẵn sàng bỏ công ăn việc làm, hao tốn tiền bạc, công sức để dạy tiếng Việt miễn phí. Mới đây, Sở Giáo dục tỉnh Khon Kaen có đến Lãnh sự quán Việt Nam “tầm sư học tiếng Việt”, nhờ hội dạy cho 200 giáo viên tiểu học để họ dạy lại cho học trò
Ông Nguyễn Hữu Định,
Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Khon Kaen, Thái Lan
“Cuối năm 2010, một lần ngồi lai rai với nhau, chúng tôi bỗng nhận ra con em mình ngày càng mù chữ Việt. Lo quá, nên bàn nhau dạy tiếng Việt cho bọn nhỏ. Hội ra đời chỉ với lý do đơn giản như thế”, ông Bình kể.
Dạy miễn phí, sách vở cấp không
Thành viên của Hội mỗi người một nghề: sửa đồng hồ, bán quán ăn, làm giò chả... Tuy sinh ra tại Thái nhưng tất cả đều mang tên Việt và nói tiếng Việt.
Đi dạy không công, chi phí mua sách vở thì hùn tiền lại. Ông Văn, Trưởng làng Nỏn Khu, mở lớp dạy chữ Việt cho dân trong làng. Lớp đầu tiên khoảng 30 người, học trò từ đứa nhỏ thò lò mũi xanh đến ông bà già lụm khụm. Học không đóng tiền, sách vở cũng được phát miễn phí, mọi thứ đều có thầy Văn lo hết...
Còn “thầy” Lê Văn Sợt, 55 tuổi, có nghề chính là sửa đồng hồ với thâm niên hơn 30 năm. Ai muốn học chữ Việt ông nhận dạy hết, thậm chí còn sẵn sàng đến nhà dạy miễn phí. “Cả gia đình tôi có bao giờ xa Việt Nam đâu. Ngày xưa bố mẹ tôi nuôi bộ đội Việt Nam ở Lào. Còn bây giờ tôi dạy tiếng Việt ở Thái”, ông nói.
Chuyện về nhóm người Thái dạy tiếng Việt rất hay và... không mất tiền dần dần đồn ra xa. Các gia đình gốc Việt tìm đến gửi con đi học. Nhà nào bận thì xin sách về tự dạy con. Trường đại học Khon Kaen mời anh em đi dạy tiếng Việt cho sinh viên Thái, cơ quan tỉnh mời đến dạy tiếng Việt cho nhân viên của mình. Đài truyền hình Thái Lan nghe tiếng cũng tìm đến quay phim...
“Khon Kaen có khoảng 300 hộ gia đình gốc Việt, hầu hết đã định cư tại Thái vài chục năm. Tuy chỉ dưới 10 thành viên nhưng nhiệt huyết bảo tồn và truyền bá tiếng Việt của Hội Tôi yêu tiếng nước tôi rất tuyệt vời. Họ sẵn sàng bỏ công ăn việc làm, hao tốn tiền bạc, công sức để dạy tiếng Việt miễn phí. Mới đây, Sở Giáo dục tỉnh Khon Kaen có đến Lãnh sự quán Việt Nam “tầm sư học tiếng Việt”, nhờ hội dạy cho 200 giáo viên tiểu học để họ dạy lại cho học trò”, ông Nguyễn Hữu Định, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Khon Kaen, cho biết.
Thầy Lê Văn Sợt, sinh tại Thái Lan, thường lấy từ điển tiếng Việt ra tự học khi tiệm vắng khách - Ảnh: Nguyễn Tập
Thầy Lê Văn Sợt, sinh tại Thái Lan, thường lấy từ điển tiếng Việt ra tự học khi tiệm vắng khách
- Ảnh: Nguyễn Tập
Trong hội, ông Lâm Quang Quế, 64 tuổi, là một trong những người giỏi tiếng Việt nhất, dù chưa bao giờ đặt chân về Việt Nam. “Hồi xưa có lúc quan hệ Thái - Việt chưa tốt, người Việt còn bị kỳ thị nên không dám nói chuyện bằng tiếng Việt với nhau. Muốn học chữ Việt phải trốn chui trốn nhủi vì sợ bị cảnh sát bắt. Bây giờ được công khai, phải dạy thiệt nhiều cho bõ nư”, ông nói.
Tình hoài hương
Năm 2008, từ sự đóng góp của bà con Việt kiều và hỗ trợ của chính quyền tỉnh, ngôi chùa Một Cột Việt Nam đã được xây lên tại tỉnh Khon Kaen với kinh phí khoảng 2 triệu baht (1,4 tỉ đồng).
Hội Tôi yêu tiếng nước tôi thành lập đầu năm 2011, đến nay dạy được khoảng 300 người. Nội quy chỉ có 4 điều: anh em Việt kiều gặp nhau phải nói chuyện bằng tiếng Việt; gia đình nào có đám tang phải thông báo cho cộng đồng người Việt biết để chia buồn; dạy con nói tiếng Việt mỗi ngày một câu; và mở trường dạy học tiếng Việt.
Mùa Tết Nguyên đán Việt Nam đến, anh em trong hội hùn tiền lại nấu 200 chiếc bánh chưng và mua gần 300 kg cam rồi đến từng nhà bà con gốc Việt để... tặng và “dụ”: “Tết này người Việt mình cùng nhau ra chùa Một Cột cúng giao thừa, đón năm mới như ở quê nhà nhé”.
Thấy anh em quá nhiệt tình, đêm giao thừa, sáng mùng một Tết Nguyên đán, khá đông bà con gốc Việt đã quần tụ tại chùa Một Cột, có người còn xúng xính áo dài cổ truyền để mừng năm mới. Hôm đó, hội còn nấu một nồi cháo thật to “để đồng bào mình ăn cho ấm bụng”.
“Bố mẹ tôi sang Thái cách đây cũng gần một thế kỷ. Ngày đó, ông bà luôn ao ước hồi hương Việt Nam nên bắt các con đi học tiếng Việt, không cho học trường Thái. Tội nghiệp bố tôi, cả đời làm việc đầu tắt mặt tối để nuôi gia đình, khi ngoảnh lại thì đã gần đất xa trời, ước nguyện được về Việt Nam trước khi nhắm mắt vẫn không thực hiện được. Chúng tôi đều tâm niệm mang trong mình dòng máu Việt phải biết viết và đọc tiếng Việt. Như vợ tôi mất cách đây 5 năm, dù sinh ở Thái nhưng bia mộ vẫn ghi tên bằng tiếng Việt: Lê Thị An”, ông Bình kể, trong đôi mắt của người đàn ông gần 60 tuổi, một giọt nước mắt chực chờ lăn xuống...
Đến Khon Kaen bây giờ, bạn vẫn sẽ thấy ông già Sợt ngồi sửa đồng hồ gần chợ, khi vắng khách lại hấp háy mở cuốn từ điển tiếng Việt. Ông già Quế vẫn chăm chỉ vài tuần một lần lụi cụi lên Lãnh sự quán Việt Nam khệ nệ ôm đống báo chí tiếng Việt về đọc.
Thật lạ, mọi người trong hội đều sinh ra ở Thái, có người cha mẹ cũng sinh ở Thái, và hầu hết đều chưa từng đặt chân về Việt Nam. Quê hương trong họ có chăng chỉ là những câu chuyện tản mạn qua ký ức mờ nhạt của cha mẹ, của ông bà mình. Vậy mà nói chuyện với họ, tôi cảm nhận được một tình yêu nước nồng nàn đến ngạc nhiên.
Ông già Sợt đang sửa đồng hồ quay qua nói với tôi giọng chắc nịch: “Mặc kệ công việc, tôi quyết định rồi, năm sau tôi sẽ về Việt Nam”. 
Học trò một nửa là con em người Việt, một nửa là người Thái. Con em Việt đi học để giữ tiếng ông bà. Người Thái đi học vì thấy tiếng Việt cần thiết để mở rộng cơ hội giao thương với người Việt Nam. Mới đây, Tổng lãnh sự Việt Nam có tổ chức văn nghệ giao lưu. Kết thúc chương trình, nhiều người “té ngửa” khi biết những tà áo dài thướt tha múa hát những bài nhạc Việt Nam ban nãy đều là người Thái, và tất cả đều là học trò của thầy Bình, thầy Sợt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.