Mốc 555 xa xôi Bảo Lạc
Từ TP.HCM, chúng tôi bay ra Nội Bài (Hà Nội) và theo xe giường nằm lên TP.Cao Bằng (Cao Bằng), thêm nửa ngày vật vã trên xe khách, rồi cũng đến được Đồn biên phòng Cốc Pàng (Bộ đội biên phòng Cao Bằng) xa xôi khó khăn nhất tỉnh, nằm giáp với H.Mèo Vạc (Hà Giang). Đầu giờ chiều, chúng tôi chạy xe máy hơn 1 giờ đồng hồ theo đường đồi núi trơn trượt, lầy lội sau mưa vào xóm Nà Mìa để lên mốc 555 tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Mốc giới số 555 là mốc đơn loại trung, làm bằng đá hoa cương, cắm ngày 12.10.2006, đặt ở giữa đường mòn phía nam sống núi, tại vị trí có độ cao mặt đất là 928,43 m. Thượng tá Lý Ngọc Danh, Chính trị viên Đồn biên phòng Cốc Pàng, cho biết: Ở điểm mốc phân giới, phía Việt Nam là xóm Nà Mìa, xã Cốc Pàng, H.Bảo Lạc, Cao Bằng; phía Trung Quốc là xóm Bản Cáu, thôn Sa Sàng, hương Bách Tỉnh, H.Nà Po, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Đồn Cốc Pàng là đơn vị duy nhất của tỉnh quản lý 2 xã của 2 huyện (xã Đức Hạnh, H.Bảo Lâm và xã Cốc Pàng, H.Bảo Lạc) với 22,064 km đường biên giới và số cột mốc rất nhiều: 67 cột mốc (46 mốc chính, 21 mốc phụ).
Mốc 666 địa đầu Hà Quảng
Đồn biên phòng cửa khẩu Sóc Giang quản lý bảo vệ đoạn biên giới dài 20,203 km với 55 cột mốc (41 mốc chính, 14 mốc phụ), trong đó có mốc giới số 666 thu hút rất nhiều người mong một lần được đến chụp hình lưu niệm.
Buổi sáng một ngày giữa tháng 12.2023, chúng tôi đi cùng thượng tá Ngôn Ngọc Vân, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Sóc Giang (Bộ đội Biên phòng Cao Bằng), đi kiểm tra dọc tuyến, từ mốc 671 xuôi về mốc 665. Quăng quật dọc đoạn đường lởm chởm đá hộc từ đường tỉnh 203 qua các địa danh Lũng Pươi, Địa Long, Nà Sác của xã Sóc Hà, H.Hà Quảng… rốt cục, phải dừng xe bán tải chuyên dụng của đồn, đi bộ dọc đường mòn tuần tra, để ghé kiểm tra các mốc và đoạn đường biên.
Mốc giới số 666 là mốc đơn loại nhỏ, làm bằng bê tông cao 1,2 m, đặt trên sống núi có độ cao mặt đất là 908,96 m và cắm ngày 15.12.2004. Cạnh mốc, phía bên đất Trung Quốc là hàng rào bảo vệ làm bằng dây thép gai và khung sắt sơn xanh, có một cửa sắt được khóa kỹ. Xung quanh mốc, có nhiều vỏ chai lọ, giấy bọc kẹo bánh in chữ Trung Quốc.
"Mốc này có số đẹp 666, người dân Trung Quốc cho rằng đây là số của tài lộc, thịnh vượng và công danh, nhất là với người kinh doanh buôn bán, nên họ thường ra chụp hình lưu niệm bên mốc", thượng tá Vân kể và chỉ đỉnh cột thép bên phía Trung Quốc, lắp cả cụm mấy chiếc camera, nói thêm: "Khu vực mốc 670 phía bên kia là ranh giới giữa hai huyện Nà Po và Tịnh Tây của tỉnh Quảng Tây, nên người dân, doanh nghiệp của cả hai huyện tìm đến"…
Sau khi dọn các loại vỏ chai, giấy kẹo bánh in chữ Trung Quốc xung quanh khu vực mốc 666, cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Sóc Giang thực hiện nghi thức chào, kiểm tra cột mốc rất cẩn thận và kỹ lưỡng. "Càng những chỗ đặc biệt, mình càng phải tăng cường tuần tra kiểm soát", thượng tá Vân khẳng định.
Mốc 777 cửa suối ngầm
Mốc 777 do Đồn biên phòng Ngọc Chung quản lý bảo vệ, thuộc địa phận thôn Nà Hâu, xã Phong Nặm, H.Trùng Khánh. Từ TT.Trùng Khánh (H.Trùng Khánh), chúng tôi đi theo đường bê tông liên thôn, dọc nhánh của sông Quây Sơn qua thác Thoong Sào đang dần nổi tiếng trên mạng xã hội. Từ tổ công tác biên phòng mốc 777 của Đồn biên phòng Ngọc Chung, thiếu tá Nguyễn Văn Trung và binh nhất Ngọc Văn Sáng dẫn chúng tôi vượt qua thung lũng cỏ xanh, leo ngược núi đất lên thăm cột mốc 777.
Mốc giới 777 là mốc đơn loại trung, làm bằng đá hoa cương, cắm ngày 9.10.2008 tại khe núi, phía bắc cửa ra của suối ngầm. Mốc 777 cao 2,74 m, do phía Trung Quốc xây dựng ở độ cao mặt đất là 577,16 m.
"Mùa mưa lũ, nước dâng lên có khi mấp mé đế mốc 777. Có thời điểm, bên kia biên giới lũ lụt, xác gia súc gia cầm chết, trôi sang bên đất ta lên đến vài chục con. Lúc ấy, dù nước dâng tận đầu, chúng tôi vẫn phải bám ngọn cây lên kiểm tra tình hình, báo cáo cấp trên có ý kiến với bên bạn", thiếu tá Nguyễn Văn Trung kể.
Mốc 888 sống núi Hạ Lang
Từ TP.Cao Bằng ngược lên H.Hạ Lang, bây giờ đường sá đã thoáng rộng hơn chục năm về trước rất nhiều. Hơn 70 km đường nhựa, xe khách chỉ chạy gần 2 tiếng đồng hồ. Thêm 10 km để vào Đồn biên phòng Quang Long và 2 km ra xóm Kỳ Lạc, đi bộ chừng 15 phút là chạm tay vào mốc giới số 888 đặt trên sống núi Lũng Lạc, xã Quang Long.
Thiếu úy Đàm Đạt Thành, Đội trưởng vũ trang Đồn biên phòng Quang Long (Bộ đội biên phòng Cao Bằng), dẫn đội hình tuần tra đến khu vực mốc 888, sau khi triển khai bộ đội phát quang, quét dọn cột mốc, đã tập trung đội hình thực hiện nghi thức chào và giới thiệu mốc 888.
Giọng của người sĩ quan trẻ vang vọng giữa những tầng núi đá: "Mốc 888 tuyến biên giới VN - Trung Quốc là mốc đơn loại trung, làm bằng đá hoa cương, được cắm ngày 25.7.2006. Mốc cao 1,5 m, đặt trên điểm có độ cao mặt đất là 403,27 m. Trong quá trình công tác, các đồng chí phải nâng cao tinh thần khắc phục khó khăn gian khổ, kiên quyết bảo vệ đường biên cột mốc!". Lời đáp "Rõ!" của cả đội tuần tra rành rọt, trầm hùng cứ ngân vang trên những tầng núi đá xa xôi Hạ Lang.
(còn tiếp)
Bình luận (0)