55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024)

Giữ đạo đức cách mạng vững vàng

(Học viện Chính trị khu vực II)
03/09/2024 07:00 GMT+7

Là người sáng lập Đảng, rèn luyện Đảng, Hồ Chí Minh dự liệu được mặt trái của quyền lực là sự tha hóa, biến chất của đạo đức con người. Vì vậy, trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc - có giá trị như Cương lĩnh xây dựng đất nước thời hậu chiến và chỉ ra ngay điều kiện tiên quyết "việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng".

Trọng trách của Đảng với dân, với nước

Việt Nam những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, xã hội chìm trong đêm tối nô lệ bởi chính sách cai trị, nô dịch của thực dân Pháp. Trước yêu cầu đòi hỏi khách quan của xã hội Việt Nam, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước với mục đích rõ ràng: tìm con đường cứu nước, cứu dân.

Giữ đạo đức cách mạng vững vàng- Ảnh 1.

Nhân dân xã Kim Liên, H.Nam Đàn (Nghệ An) đón Bác về thăm, năm 1957

Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh

Để đạt được mục đích đó, Người đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thành lập Đảng, chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, với sứ mệnh lịch sử: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trước hết phải có Đảng cách mạng, với trọng trách là người cầm lái, người dẫn đường đưa cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh để đến bến bờ thắng lợi. Vì dự liệu được những khó khăn, thách thức, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý xây dựng hệ thống phẩm chất đạo đức của người cách mạng; đặc biệt, trong điều kiện Đảng trở thành đảng cầm quyền thì vấn đề đạo đức càng quan trọng. Bởi, "Đức là gốc", là nguồn nuôi dưỡng con người trưởng thành, biết phải trái, đúng sai, vững vàng trước những cám dỗ của "viên đạn bọc đường".

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tức là ngay ngày đầu lập nước, Hồ Chí Minh đã yêu cầu người cách mạng trong giai đoạn có chính quyền phải tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức để phòng, tránh chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ. Trong các bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và gửi các cấp giai đoạn này, Người nhắc nhở và yêu cầu cán bộ, đảng viên luôn phải "ghi sâu những chữ công bình, chính trực, vào lòng" để phòng, tránh "trái phép", "cậy thế", "hủ hóa", "tư túng", "chia rẽ", "kiêu ngạo".

Là người sáng lập Đảng, rèn luyện Đảng, Hồ Chí Minh dự liệu được mặt trái của quyền lực là sự tha hóa, biến chất của đạo đức con người. Vì vậy, trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc - có giá trị như Cương lĩnh xây dựng đất nước thời hậu chiến và chỉ ra ngay điều kiện tiên quyết "việc cần phải làm trước tiên chỉnh đốn lại Đảng" (1). Chỉnh đốn lại Đảng nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, để Đảng đủ sức mạnh ngang tầm với nhiệm vụ mới, nhất là bước sang giai đoạn lãnh đạo Nhà nước xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong Di chúc, "TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG" (2), Hồ Chí Minh không nhấn mạnh đến quyền lực của Đảng, mà nhấn mạnh đến trọng trách của Đảng với dân, với nước. Người căn dặn: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân" (3). Trong một đoạn văn ngắn, ba lần Người nhấn mạnh chữ PHẢI, thì đó là mệnh lệnh cuộc sống; bốn lần nhấn mạnh chữ THẬT và THẬT SỰ để nhấn mạnh yêu cầu về đạo đức trung thực của mỗi đảng viên, cán bộ. Đảng muốn giữ vững được vị trí, vai trò lãnh đạo, cầm quyền, thì bản thân mỗi đảng viên phải nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, là tấm gương đạo đức sáng ngời, đủ sức hấp dẫn để thu phục, thuyết phục và chinh phục nhân dân đi theo cách mạng. Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức cách mạng, coi đó là nguồn động lực chủ yếu thúc đẩy hành động đúng đắn và tạo nên ý chí kiên cường để hoàn thành sứ mệnh.

Theo Người, sự nghiệp cách mạng, với mục tiêu cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới, là một hành trình đầy gian nan, phức tạp và lâu dài. Để thành công, ngoài năng lực vượt trội, người cách mạng cần phải có đạo đức cách mạng vững vàng. Chính đạo đức tạo nên lòng trung thành tuyệt đối, ý chí chiến đấu bất khuất và tinh thần sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cao cả.

Quy định số 144, kim chỉ nam xây dựng Đảng ngày càng trong sạch

Trong công cuộc Đổi mới đất nước hiện nay, với những phức tạp của thực tiễn, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144 ngày 9.5.2024. Quy định là sự chắt lọc tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, là sự cụ thể hóa phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Quy định số 144 đã xây dựng một hệ thống chuẩn mực đạo đức cách mạng toàn diện và sâu sắc, bao gồm 5 điều với 19 nội dung cụ thể, nhằm định hướng và nâng cao phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn cách mạng mới. Không chỉ đơn thuần là những mệnh lệnh cần tuân thủ, các quy định này còn là thước đo để đánh giá toàn diện bản lĩnh, phẩm chất và năng lực của mỗi cán bộ, đảng viên. Từ sự kiên định về lý tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần đổi mới sáng tạo, đến lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, tinh thần trách nhiệm cao, sự đoàn kết, gương mẫu, liêm chính, tất cả đều được thể hiện rõ nét trong hệ thống chuẩn mực này.

Đặc biệt, Quy định số 144 không chỉ dừng lại ở việc đưa ra các tiêu chuẩn đạo đức, mà còn đề cao việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng thường xuyên, liên tục và lâu dài. Đây là yêu cầu cấp thiết đối với mọi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ vừa có đức, vừa có tài, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quy định số 144 thực sự là một kim chỉ nam quan trọng, góp phần định hình và phát triển văn hóa đạo đức trong Đảng, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mới.

Trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đồng thời tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, việc thực thi Quy định số 144 càng trở nên cấp thiết. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người nắm giữ trọng trách trong các cơ quan công quyền, cần phải thể hiện sự nghiêm khắc với bản thân trong quá trình tu dưỡng và phấn đấu; phải luôn ý thức về việc "giữ mình", tự kiểm soát quyền lực được giao, không ngừng tự soi, tự sửa để hoàn thiện bản thân. Sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ là điều không thể thiếu, để xứng đáng là những người lãnh đạo vừa có tâm, vừa có tầm, đồng thời là những "người đầy tớ" trung thành của nhân dân, theo đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việc thực thi Quy định số 144 không chỉ là trách nhiệm đạo đức mà còn là yêu cầu chính trị cấp bách. Bằng việc nêu cao tinh thần tự giác, gương mẫu và luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng một hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, tin tưởng chắc chắn rằng, việc nghiêm túc thực hiện những chuẩn mực đạo đức cách mạng theo Quy định số 144 không chỉ tạo ra bước chuyển biến mới, tích cực cả về nguyên tắc và hành động trong công tác chuyển biến mới, tích cực cả về nguyên tắc và hành động trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, mà còn thiết thực bác bỏ luận điệu phản động cho rằng "đạo đức cách mạng không có thật", "chỉ là những câu khẩu hiệu cửa miệng…" mà các thế lực thù địch và phần tử xấu tung lên mạng xã hội.

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t15, tr.616

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t15, tr.616

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, t15, tr.621-622

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.