Sau giải phóng, Vĩnh Châu được trả về lại Sóc Trăng trở thành một huyện miền biển khá phát triển của vùng nam sông Hậu. Cư dân Vĩnh Châu chủ yếu là bà con người Việt gốc Khmer Nam bộ.
Cửa Trần Đề đưa nước ra biển Đông ngàn năm qua đã bồi lắng lên thành vùng đất Vĩnh Châu màu mỡ, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản. Tuy nhiên cũng như nhiều vùng đất duyên hải khác của miền tây Nam bộ trong thời biến đổi khí hậu này, biển không ngừng xâm thực vào đất liền, xâm hại nhà cửa ruộng vườn người dân và làm thay đổi địa hình, địa lý tự nhiên.
tin liên quan
Vì sao trong thiên tai, người Nhật vẫn xếp hàng bình thản như vậy?Cuối tháng 11 vừa qua, ở các tỉnh phía đông Nhật Bản đã xảy ra trận động đất lớn kèm theo cảnh báo sóng thần, nơi mà 5 năm trước đã xảy ra thảm hoạ kép lịch sử. Dù đang ở trong tình cảnh khẩn cấp thì họ vẫn bình tĩnh đi lánh nạn chứ không hề chen chúc xô đẩy.
Vì vậy, người nông dân hiện đang có một cuộc chiến đấu “mềm” thuận với tự nhiên để giữ lại đất, giữ lại nguồn sống và đời sống cho mình. Xã Vĩnh Hải (H.Vĩnh Châu) nổi bật lên tên tuổi một người nông dân chiến đấu giữ đất như vậy.
Tên ông là Thạch Soal, người Việt gốc Khmer, một lão nông tri điền có kiến thức văn hóa và có mưu trí trong việc giữ đất, giữ làng. Xem qua màn ảnh ti vi, ông Soal thấy nhiều nơi rừng phòng hộ bị sóng biển xâm thực, nhiều bà con mất đất, mất nhà, mất sinh kế làm ăn và mất cả đời sống.
Ông lấy làm lạ là nhiều người cứ lên án sóng biển, lên án thủy triều mà không chịu hành động để giữ rừng, giữ đất. Vậy là trong khả năng của mình, dù xã Vĩnh Hải chưa bị sóng biển và thủy triều xâm thực sâu, ông Soal đã tự động góp tay cùng ngành kiểm lâm giữ rừng phòng hộ.
Rừng phòng hộ ven biển thường mọc các loài cây tự nhiên như mắm, giá, sú, vẹt, tràm, đước, bần; cây nào cũng giá trị. Ông Soal nhắc nhở, động viên bà con Khmer trong xã không được chặt phá cây cối, giữ cho rừng trầm thủy nguyên vẹn.
Ông lập một tổ giữ rừng, kêu gọi mọi người sẵn sàng làm tai mắt cho chính quyền và ngành kiểm lâm phát hiện những kẻ phá rừng trầm thủy. Tiến thêm bước nữa, ông nhắc nhở bà con nên trồng thêm cây rừng trên các bãi bồi, phù sa lắng đến đâu thì trồng cây lên đến đó để tạo ra thế hệ rừng trầm thủy mới.
Hưởng ứng việc làm của Thạch Soal, toàn bộ bà con Khmer quyết giữ rừng giữ đất để tự bảo vệ cuộc sống của xã mình. Trong những tấm gương sáng đó, có tấm gương của chàng thanh niên Thạch Buôl Thol luôn đi đầu trong công việc giữ rừng, trồng cây.
Anh Thol tự hào nói thủy triều và sóng biển gây ra xói lở ở đâu chứ trong xã Vĩnh Hải của anh thì chưa bao giờ có xói lở. Hằng ngày, anh vẫn vào rừng móc cua, bắt ốc len, lưới cá. Rừng càng ngày càng xanh tươi, các loài thủy sản về đây phát triển càng nhiều, cuộc sống bà con trong xã nhờ vậy mà vẫn no đủ.
Trong nhiều năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã giao quyền tự chủ rừng trầm thủy cho nhân dân. Người dân đã trồng được 1.800 ha rừng, chủ yếu vẫn là cây đước và cây mắm. Lực lượng đoàn viên thanh niên các huyện, xã ven biển nhận công tác đi đầu trong việc trồng rừng sinh thái, chống xói lở đất đai.
Nhờ vậy, dù đứng chân trên cửa Trần Đề - cửa biển lớn của miền tây Nam bộ dễ bị tác động bởi tình trạng biến đổi khí hậu, bà con vẫn an tâm xây dựng cuộc sống. Riêng với H.Vĩnh Châu, tôm cá đầy đủ, nghề nuôi tôm phát triển, nghề trồng lúa và hành tỏi vẫn vững vàng, lại có khu công nghiệp mới hình thành; đời sống người dân như vậy là rất an tâm.
Sông Vàm Nao - một nhánh sông lớn của đầu nguồn sông Hậu, chảy qua H.Chợ Mới (An Giang) nay đã trở thành địa danh “nóng” hàng đầu trên các phương tiện truyền thông báo chí. Qua màn ảnh ti vi và các clip phát trên mạng của các báo, người ta đã chứng kiến hình ảnh hàng chục ngôi nhà xinh đẹp của bà con xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới) đồng loạt rơi xuống sông.
Tính toán sơ bộ của tỉnh An Giang cho biết hố khu sạt lở sâu trên 42 m, rộng khoảng 500 m, khu vực sạt lở có thể mất đến 4,5 ha. Những hộ đủ ăn đủ mặc, thậm chí có hộ khá và giàu, chỉ cần một vài phút hoành hành của dòng sông đã trở thành tay trắng. Ngay đến con đường tráng nhựa Mỹ Hội Đông cũng bị dòng sông nuốt mất hơn một nửa, trở thành con đường bất khiển dụng.
Thiên nhiên đang trả thù chúng ta. Thủ phạm được chỉ rõ ra trong thảm họa ở Vàm Nao là tình trạng hút cát do bọn sa tặc đem lại. Những giấy phép ký bừa bãi cho việc khai thác cát “phục vụ xây dựng” đã khiến lượng phù sa dưới lòng sông bị cạn kiệt cộng với tình hình lưu lượng sông Mê Kông đổ về không đủ do bị nhiều quốc gia trên thượng nguồn chặn dòng dẫn đến thiếu phù sa bồi lấp là tác nhân gây ra thảm họa này. Thật bất công khi người ta cho các “con cá mập” hút cát thoải mái nhanh chóng trở thành những siêu tỉ phú rồi để lại hậu quả xót xa cho nhân dân và chính quyền H.Chợ Mới mất nhà, mất đất.
Xã và huyện đang ra sức cứu trợ những hộ mất nhà, mất đất. Chùa Liên Hoa mở rộng cửa cho bà con tá túc, mời bà con ăn cơm chay. Chính phủ chỉ đạo chính quyền tỉnh An Giang ra sức khắc phục hậu quả, lo cho bà con có nơi ăn chốn ở.
Sông Vàm Nao - con sông hiền hòa của hệ thống sông Hậu, nổi tiếng với loài cá thiên nhiên quý giá là cá bông lau nay đã trở thành đáng sợ. Liệu những tên đại sa tặc phá hủy sông Vàm Nao sau này có thể bị đưa ra xét xử và có đền bù được những tổn thất lớn lao mà người dân và chính quyền H.Chợ Mới hôm nay phải chịu?
Chúng tôi đưa ra hai câu chuyện - một ở H.Vĩnh Châu cuối nguồn sông Hậu và một ở H.Chợ Mới đầu nguồn sông Hậu, một tích cực trồng rừng trầm thủy giữ đất và một tích cực... khai thác cát gây ra thảm họa mất đất hủy hoại đời sống con người, để bạn đọc nhận định và phán xét.
Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn không hình dung ra được lý do nào các chính quyền địa phương tạo điều kiện dễ dãi cho bọn sa tặc khai thác cát một cách bừa bãi khiến tai họa đổ ập xuống đầu người dân, mất đất mất nhà chỉ để làm giàu cho sa tặc? Hai ngành tài nguyên môi trường và nông nghiệp nông thôn “quản lý nhà nước” thế nào mà bọn đầu nậu sa tặc vẫn hoành hành trên khắp các đường sông cả nước tàn hủy đời sống và môi trường sống của con người?
Nói đến chống biến đổi khí hậu thì ai cũng nói được, vì nó là thiên tai chung của toàn thế giới, đất nước ta có chịu ảnh hưởng một phần thì đó cũng chỉ là lý do khách quan. Còn việc bao che cho bọn sa tặc, bán đứng nguồn tài nguyên cát mới chính là nhân tai.
Nhân tai là lý do chủ quan, đất nước ta có hệ thống pháp quyền trong tay, phải trị được chứ?
Bình luận (0)