Giữ di sản đô thị Nam bộ

19/10/2019 08:00 GMT+7

Sáng 18.10, tại TP.HCM, hội thảo khoa học “Di sản đô thị ở TP.HCM và Nam bộ trong quá trình hiện đại hóa: Bảo tồn để phát triển bền vững” đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết với di sản của vùng đất Nam bộ.

Hội thảo do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Bảo tàng TP và Trung tâm bảo tồn - phát huy giá trị di tích - lịch sử - văn hóa (Sở VH-TT TP.HCM) đồng tổ chức.

Nét độc đáo của di sản đô thị Nam bộ

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, điểm độc đáo nhất của Nam bộ mang đặc trưng của “đô thị sông nước”, trong đó TP.HCM khởi thủy là vùng Bến Nghé, Bến Thành - hình thành từ khi khai phá mở mang đất Đồng Nai (thế kỷ 17 - 18) nên đã là bến cảng, thương cảng trước khi trở thành trung tâm hành chính của dinh Phiên Trấn, nên trong đô thị không chỉ có thành quách, pháo đài mà còn có bến - chợ.
“Người Pháp làm đô thị tính toán kỹ lắm. Ở miền Tây cứ ngựa chạy mệt (khoảng 80 km, nhiều nhất cũng 90 km) là có ngay một đô thị khác để nghỉ ngơi, còn ngay trung tâm Sài Gòn từ cứ 800 - 1.000 m là xây dựng một công trình kiến trúc, tương hỗ nhau tạo thành khu cảnh quan rất đẹp”, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) nhận xét.
Ông Nguyễn Thanh Lợi (Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM) mang đến hội thảo câu chuyện lý thú về nhà vuông. Đây là thiết chế quan trọng của làng xã xưa ở Nam bộ, có chức năng hành chính và tín ngưỡng. Nhà vuông thờ Tiên sư, thể hiện truyền thống hướng về cội nguồn, tuy nhiên quá trình đô thị hóa ở TP.HCM đã tác động rất mạnh đến thiết chế văn hóa này, làm cho nhiều di sản biến mất hoặc bị “tổn thương”.
TS Trịnh Công Lý (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Sóc Trăng) thông tin về di sản kiến trúc đình chùa ở Sóc Trăng: “Kiến trúc đình chùa Kinh, Khmer, Hoa còn khá nhiều với 92 chùa và 38 salatel Khmer, 73 đình và 71 chùa người Kinh, 51 chùa Ông Bổn hoặc Phước Đức cổ Miếu và 18 miếu Bà Thiên Hậu. Chùa Tắc Gồng có cách nay trên 700 năm, được sửa chữa xây dựng lại nhiều lần, nhưng vẫn giữ những nét kiến trúc cổ Khmer ở một số công trình: sala, chánh điện cũ và mới. Khá nhiều đình, chùa hình thành cách nay khoảng 150 năm đến 100 năm, riêng chùa Khmer cách nay vài trăm năm có khá nhiều”.
Giữ di sản đô thị Nam bộ1

Một đoạn tường thành cổ Biên Hòa bị nhà dân xâm hại

Bảo tồn di sản gắn với khai thác du lịch

Tác động của thời gian, mưa nắng và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở các vùng đô thị đã làm xuống cấp, thậm chí xóa sổ nhiều di sản đô thị. Vùng Nam bộ chỉ còn sót lại duy nhất thành cổ Biên Hòa, mà phần sót lại này (1,1 ha) cũng chỉ là một phần của ngôi thành rộng lớn (18 ha) được xây dựng thời nhà Nguyễn. Tháng 11.2013, thành đã được Bộ VH-TT-DL công nhận và xếp hạng là di tích cấp quốc gia và được tổng trùng tu từ năm 2014 - 2018, đến nay về cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên hiện vẫn còn những đoạn tường thành bị nhà dân bên ngoài xâm hại.
Nhà sử học Lê Hoàng Quốc bức xúc về sự biến mất của nhiều di sản tại TP.HCM: “Nhiều hệ thống thành lũy thời Nguyễn gần như chỉ còn lại một số vết tích mờ nhạt hay qua các hiện vật khảo cổ. Đồn Thuận Kiều, đồn Cá Trê chỉ còn lại những rãnh nước nhỏ là dấu vết của vài đoạn hào cũ. Đồn Nhà Bè hiện là một tòa nhà phục vụ cho cơ quan hành chính, kiến trúc đồn cũng đã biến dạng. Pháo đài Bình Thới thành công viên sau UBND Q.11, còn pháo đài Hạnh Thông Tây nằm trong khu vực sân bay rất khó tiếp cận”.
Nếu chỉ bảo tồn mà không chú ý tới khai thác sẽ lãng phí. Tuy nhiên nếu chỉ khai thác mà không bảo tồn sẽ gây hủy hoại di tích. Một số ý kiến đề nghị khi thực hiện các dự án trùng tu, tôn tạo các di tích, ngành văn hóa cần tranh thủ ý kiến các chuyên gia, đặt ra mục tiêu kép là không chỉ bảo tồn, chuyển giao các giá trị văn hóa nguyên gốc cho các thế hệ tương lai, mà còn phải tôn tạo thích ứng với nhu cầu xây dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Nhà sử học Lê Hoàng Quốc cho rằng, mô hình phát huy giá trị các di tích công sự, pháo đài trên đảo Corregidor (Philippines) là một trong những thành công đối với ngành du lịch của nước bạn mà ta phải học hỏi. Hiện nay, Corregidor là một trong những điểm tham quan thu hút khách du lịch của thành phố Manila với tour khám phá lịch sử các trận địa pháo.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Nguyệt (Bảo tàng Lịch sử TP.HCM) khẳng định: “Trong nhiều giải pháp bảo tồn di sản thì việc sử dụng sức mạnh cộng đồng, nguồn lực tư nhân đang mang lại hiệu quả thiết thực. Những gì thuộc về di sản hay liên quan tới di sản đều có thể tạo ra chuỗi giá trị kinh tế - văn hóa - thương hiệu nếu như biết tôn trọng, bảo tồn và đặt đúng vị trí, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ 4.0”. Bà Nguyệt lấy ví dụ như biệt thự Phương Nam (Q.3, TP.HCM) sau khi việc trùng tu hoàn tất, chủ sở hữu dự định xây dựng nơi đây thành một bảo tàng phong cách sống Nam bộ thời Pháp, giúp di sản kiến trúc đô thị này không mất đi mà còn được bảo tồn và phát huy giá trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.