“Cồng chiêng Tây nguyên sẽ “chết” nếu không còn được bảo tồn trong đời sống của người Tây nguyên và theo đó không gian văn hóa cồng chiêng cũng sẽ phai nhạt rồi biến mất”, TS Nguyễn Thị Thu Trang, Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) chia sẻ. Văn hóa cồng chiêng gắn với di sản không gian văn hóa cồng chiêng mà UNESCO ghi danh đang đối mặt với câu chuyện phai nhạt như vậy. TS Thu Trang đã viết điều này trong cuốn sách mới ra mắt của mình có tên Bảo tàng sinh thái dạng thức bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (NXB Khoa học xã hội).
Lễ hội cồng chiêng đường phố ở Buôn Ma Thuột |
Đ.N.T |
Bên cạnh đó, TS Thu Trang cũng thấy được những cách ứng biến thông minh để di sản trở nên tươi xanh. Chẳng hạn, tỉnh Đắk Nông đã phục dựng một số lễ hội truyền thống của đồng bào, chủ yếu là của người M’nông như lễ ăn cơm mới, cúng lúa mới, lễ ăn trâu, lễ cúng sức khỏe. Những lễ hội này chính là môi trường diễn xướng của cồng chiêng. “Việc phục dựng lễ hội đã tái tạo không gian để các nghệ nhân nói riêng và chủ thể di sản cồng chiêng tiếp tục sử dụng những nhạc cụ gắn với đời sống văn hóa tâm linh của họ”, TS Thu Trang viết trong cuốn sách.
Một ví dụ khác được TS Thu Trang phân tích là làng cổ Phước Tích (tỉnh Thừa Thiên-Huế). Tư liệu của TS Thu Trang phỏng vấn một người dân - ông Hồ Văn Tế - cho thấy đời sống hiện nay đã khác. Theo đó, ngôi nhà rường của ông Tế được Tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ đầu tư làm homestay. Nhà được sửa sang, có khu vệ sinh sạch sẽ. “Chúng tôi đón nhiều lượt khách nước ngoài và VN ở lại ăn ngủ nên nhà vừa đông vừa vui vừa có thêm thu nhập. Các lò gốm đỏ lửa trở lại để sản xuất vừa phục vụ nhu cầu du khách tham quan trải nghiệm làm gốm theo phương pháp truyền thống của Phước Tích”, ông Tế nói.
Bìa sách |
Trong cuốn sách, TS Thu Trang chia sẻ rằng việc đưa cuộc sống vào bảo tàng là rất khó khăn. Vì thế, bảo tàng hóa di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống cộng đồng sẽ giải quyết được việc giới thiệu di sản. Bà Trang cũng so sánh giữa bảo tàng truyền thống và bảo tàng sinh thái. Bảo tàng truyền thống có các bộ sưu tập, giám tuyển chuyên môn, khách tham quan đến xem trưng bày tại bảo tàng. Bảo tàng sinh thái lại có bảo tàng trung tâm, có khu dân cư, các điểm đến vệ tinh, khách tham quan có thể tiếp xúc thật với các giá trị di sản. Có những mô hình đã thành công trên thế giới được TS Thu Trang giới thiệu trong cuốn sách này.
Về cuốn sách Bảo tàng sinh thái dạng thức bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, PGS-TS Đặng Văn Bài cho rằng ở đó có thể thấy cái nhìn hiện đại về việc giữ di sản tươi xanh. “Mô hình bảo tàng sinh thái là phương thức hữu hiệu để biến di sản văn hóa từ dạng tài nguyên văn hóa thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp không khói của VN”, ông Bài nói.
Bình luận (0)