Giữ gìn sách giáo khoa dành tặng học sinh lớp sau

30/08/2022 09:00 GMT+7

Đó là khuyến cáo từ các tác giả biên soạn sách giáo khoa của chương trình phổ thông mới.

Khuyến cáo này nằm cuối trang 2, trước Lời nói đầu của sách. Thông điệp này rất hữu ích đối với học sinh (HS) khi sử dụng sách. Hạn chế việc các em bôi bẩn, vẽ, viết vào sách; hoặc làm cho giấy nhàu nát, rách. Đây là việc làm rất đáng hoan nghênh trong bối cảnh giá sách giáo khoa mới khá cao, nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn không thể mua sách.

Giữ gìn sách giáo khoa dành tặng học sinh lớp sau

Nhà trường và phụ huynh cần làm gì để khuyến cáo trên đạt hiệu quả?

Hiện nay, đa số giáo viên dạy tiểu học và THCS đều rất lưu ý về điều này. Hai đứa con tôi, một cháu đang học tiểu học, một cháu học THCS tại Q.Tân Bình TP.HCM, cho biết đầu mỗi năm học, các cô chủ nhiệm sinh hoạt rất kỹ việc sử dụng sách, HS chỉ được sử dụng bút chì khi cần ghi chú vào sách; không dùng bút mực, bút bi. Vì dùng bút chì có thể tẩy đi và còn sử dụng cho các năm sau được. Tuy nhiên, cháu cũng thừa nhận có GV không quan tâm điều này. Vì vậy sách của nhiều bạn sau một học kỳ là bỏ đi vì rất bẩn, viết chi chít bút mực vào trong ấy.

Thực tế có nhiều HS sử dụng sách giáo khoa cũ. Điều này đáng hoan nghênh vì HS có ý thức tiết kiệm. Nhưng chỉ tiếc là nhiều bài học bị ghi chú dày đặc bằng bút bi, các câu hỏi luyện tập thì đã ghi sẵn lời giải của năm trước. Cho nên việc sử dụng sách giáo khoa cũ trong trường hợp này không hiệu quả khi học tập.

Sách ngữ văn 10 và khuyến cáo của các tác giả về việc sử dụng sách

ngọc tuấn

Từ những thực tế trên cho chúng ta thấy rằng, đã đến lúc cần phải giáo dục HS kỹ năng sử dụng sách giáo khoa. Không chỉ bằng biện pháp nhắc nhở mà nhà trường cần có giải pháp cụ thể. Như kiểm tra định kỳ việc sử dụng, tuyên dương HS bảo quản tốt sách giáo khoa. Nên có khẩu hiệu liên quan đến sách, sử dụng sách (treo ở thư viện, phòng học chẳng hạn). Cuối mỗi năm học nên có hoạt động quyên góp sách giáo khoa cũ để HS tham gia. Làm “ngân hàng” sách cũ cho nhà trường để cho HS có hoàn cảnh khó khăn có thể mượn học.

Bộ GD-ĐT đang có chủ trương xây dựng thư viện sách giáo khoa tại nhà trường để cho HS mượn đầu mỗi năm học. Tuy nhiên, giải quyết được điều này đòi hỏi một nguồn tài chính không nhỏ cho từng trường trong khi đó, lượng sách cũ HS dùng xong là rất lớn. Nếu có cách huy động HS đóng góp, sẽ giải quyết bài toán gánh nặng sách giáo khoa cho phụ huynh vào đầu mỗi năm học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.