Vừa rồi, ban quản lý dự án chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường & xã hội do Liên minh châu u tài trợ, gọi tắt là dự án EU, vừa tiến hành khảo sát 3.000 du khách, cả nội địa và quốc tế tại 5 trọng điểm Hội An, Đà Nẵng, Huế, Hạ Long, Sa Pa. Kết quả khảo sát cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam lần đầu chiếm hơn 90% nhưng chỉ 6% quay lại.
>> Khách đến VN một lần không màng trở lại
|
Số liệu vừa công bố, lập tức dư luận xôn xao. Phía phản bác, đa phần là lãnh đạo thì cho là phiến diện, thiếu tin cậy, bởi theo Tổng cục Thống kê, số khách quốc tế đến Việt Nam (có lẽ bao gồm rất nhiều quan chức ngoại giao và doanh nhân nước ngoài, ra vào Việt Nam như cơm bữa) lần đầu là hơn 70%; số quay lại là 20,1%. Bên đồng tình, gồm hầu hết các nhà quản lý lữ hành và du khách thì cho là chính xác, thậm chí sự thật còn tệ hơn.
Chớ vội nổi nóng vì Việt Nam không phải là nước duy nhất khách chỉ tới một lần cho biết mà còn có Brunei, Ấn Độ, Đông Timor, Nepal, Somalia và nhiều nước khác. Cùng cảnh ngộ Việt Nam là các nước đang có chiến tranh, kém phát triển (chứ không phải nghèo), an ninh xã hội yếu kém hoặc không có gì để chơi. Brunei, giàu có nhưng ít khách quay lại vì chán. Ấn Độ là cường quốc nhưng nhà vệ sinh rất bẩn, môi trường ô nhiễm nên cũng vậy. Ngược lại, mấy nước nghèo như Butan, Lào… lại rất đông khách quốc tế. Từng người dân Việt, hãy tự vấn xem, dù tràn đầy lòng yêu nước nhưng chưa chắc đã muốn quay lại những danh thắng quê mình. Không ai, cả du khách quốc tế và nội địa, chịu bỏ tiền để chuốc lấy sự bực dọc.
Làm sao để giữ khách ở chơi lâu hơn và ra về là muốn quay lại? Câu hỏi vừa dễ vừa khó. Dễ, nếu biết lắng nghe, chịu hợp lực và quyết tâm làm. Khó, nếu chỉ hô hào suông, thiếu biện pháp cụ thể, đùn đẩy và sợ trách nhiệm. Giữ và kéo khách lại hoặc đuổi khách đi chung qui cũng đều do chủ. Với du khách, vui thì ở thêm, nhớ thì quay lại. Nếu buồn, chán và sợ hãi thì bỏ về nửa chừng, ra về không hẹn ngày tái ngộ. Đã đi chơi, ai cũng muốn thoải mái, được trải nghiệm, có thêm nhiều “ngày đàng, sàng khôn”. Chẳng ai muốn chuốc sự khó chịu, bị lừa gạt, thậm chí trấn lột, cướp giật.
Xét về hiệu quả, du lịch Việt Nam chỉ xếp trên Indonesia và Myanmar, thua xa Lào và Campuchia, dù họ nghèo hơn mình. Hàn Quốc giàu hơn Malaysia và Thái Lan nhưng du lịch thì còn kém xa hai nước này. Thái Lan hút khách không chỉ nhờ sex tour và shopping mà còn bởi những nụ cười, dù an ninh chính trị lộn xộn vẫn xếp thứ hai ở khu vực Đông Nam Á về lượng khách du lịch. Theo tạp chí Economist, tỉ lệ du khách quay lại Thái Lan gấp 9 lần Việt Nam. Malaysia, quốc gia Hồi giáo, cấm tiệt sex tour, rượu bia bán rất hạn chế nhưng bao năm nay vẫn giữ vững vị trí quán quân du lịch khu vực Đông Nam Á. Singapore chỉ bằng 1/3 Sài Gòn, thiên nhiên chẳng có gì; rượu, bia, thuốc lá là xa xỉ, toàn phải mua chợ đen nhưng du khách quốc tế gần gấp đôi Việt Nam. Muốn giữ và kéo khách quay lại, du lịch Việt Nam chỉ cần học ba người bạn láng giềng này là đủ.
Không thể nói người Việt tham lam và xấu xí hơn người nước khác. Khác nhau là do giáo dục, quản lý và hệ thống pháp luật chặt chẽ, rõ ràng hơn nên người dân có ý thức hơn. Muốn khách tới nhà thì phải quảng bá bằng mọi hình thức, nhưng hiệu quả nhất là nâng chất lượng dịch vụ. Khách không chê Việt Nam nghèo mà chê ở dơ, vụ lợi, tham lam, thiếu tôn trọng khách...
Những nguyên nhân làm du khách rút ngắn chương trình và ra về không hẹn ngày tái ngộ hầu như ai cũng biết, nhưng nói chẳng ai nghe. Muốn khách quay lại, chưa cần những dự án hàng ngàn tỉ đang tranh cãi, chỉ cần mỗi người có ý thức và biết tiết kiệm hơn một chút. Cần nhất là những nhà vệ sinh sạch sẽ. Có du khách là phải có nhà vệ sinh. Đây là nhu cầu thiết yếu nhất, là “điểm đón du khách đầu tiên” nên phải chăm chút kỹ. Cần thêm nhiều nụ cười và tấm lòng cởi mở của nhân viên cửa khẩu, vì đó là bộ mặt đất nước. Người Việt thân thiện, hay cười nhưng viên chức thì rất khó gần và rất ưa “hành khách”.
Khách nào dám quay lại một đất nước đầy dẫy ăn xin, người bán hàng rong quấy nhiễu? Khách nào dám ở lâu vì cướp giật lộng hành, con nghiện ngang nhiên đe dọa và dịch vụ công khai chặt chém? Nếu người Việt yêu nước và có lòng tự trọng, sẽ không thấy rác rưởi tràn lan, không có việc tự đầu độc nhau và “ướp xác” từ lúc còn sống bởi vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Không thể phát triển du lịch nếu điện đóm chập chờn, giao thông thì tạp nham và hỗn loạn.
Nếu được hỏi “Đâu là thế mạnh nhất của du lịch Việt Nam?” thì câu trả lời sẽ nhiều hơn cả trăm hoa đua nở. Rất nhiều ngộ nhận huyễn hoặc, kiểu ếch ngồi đáy giếng. Philip Kotler từng thật lòng khuyên Việt Nam nên “xây dựng thành bếp ăn của thế giới” và ẩm thực chính là thế mạnh nhất của du lịch Việt Nam, bên cạnh tài nguyên đa dạng. Tại sao chưa có tự điển “1.000 món ngon Việt Nam”, “100 món ngon phải ăn trước lúc chết”?… Món ngon nằm trong dân chứ không phải trong các nhà hàng pha tạp.
Cả những người khó tính nhất cũng thừa nhận “nhà” Việt Nam đẹp và dễ thương hơn nhiều nhà khác. Khách chỉ phiền là con cháu chủ nhà, chẳng biết vô tình hay cố ý đang làm khác những gì chủ nhà mong muốn. Du lịch Việt Nam như một cô gái quê đẹp vừa lên tỉnh. Có lúc mộc mạc đến tội nghiệp vì ra đường quên rửa mặt. Nhưng lắm lúc được các nhà đầu tư “trang điểm” lòe loẹt đến dở hơi. Làm sao giữ được nét chân quê, thanh lịch, biết làm đẹp nhẹ nhàng mà hấp dẫn; hiện đại nhưng đằm thắm đáng yêu. Việc này chỉ có chủ nhà - người Việt Nam, mới quyết định được...
Nguyễn Vũ Mộc Thiêng*
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân tại TP.HCM
>> Kinh doanh du lịch kiểu... đuổi khách
>> Rừng du lịch sinh thái bị tàn phá
>> Khách du lịch chán do ngành du lịch... yếu đều
>> Clip: Nhiều người tiếc nuối khi Khu du lịch Đại Nam sắp đóng cửa
>> Du lịch trên dòng kênh đầy… rác?
>> Du lịch vùng lũ
Bình luận (0)