Giữ 'hồn cốt' cho Sài Gòn

15/06/2019 06:26 GMT+7

Sáng 14.6, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Đô thị (HĐND TP.HCM) phối hợp với Sở VH-TT và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo Bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô th ị trên địa bàn TP.HCM, ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết trong việc gìn giữ “hồn cốt” cho Sài Gòn.

Hiện TP.HCM đang phải đối mặt nhiều vấn đề nan giải của một đô thị lớn trong việc vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn di sản - cảnh quan kiến trúc và khai thác các giá trị văn hóa.

Trông người, ngẫm đến ta

TP.HCM cần được nhìn nhận như một “đô thị di sản” vì có một hệ thống công trình kiến trúc nhiều loại có giá trị nhiều mặt. Tính hệ thống và toàn diện là yếu tố quan trọng để xây dựng chiến lược bảo tồn di sản đô thị
TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM
Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến (Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM) mang đến hội thảo sự bức xúc khi có nhiều kiến trúc và cảnh quan từng là biểu tượng của Sài Gòn - TP.HCM đã biến dạng hoặc mất đi: công viên Chi Lăng và tòa nhà Sở Học chính Nam kỳ, khu thương xá và căn hộ Ê đen, công viên Lam Sơn và hàng cây cổ thụ xung quanh Nhà hát lớn TP, thương xá Tax, tượng đài Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành, hàng cổ thụ đại lộ Tôn Đức Thắng...; hay một số công trình lớn từng bị đe dọa phá bỏ: dinh Thượng Thơ, khu nhà thờ và tu viện Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, khu biệt thự Hui Bon Hoa (góc Lý Thái Tổ - Hùng Vương)...
Ông Phúc Tiến chia sẻ: “Nhìn ra xung quanh thử xem? Singapore khi thấy tốc độ xây dựng làm nhiều kiến trúc xưa bị phá bỏ, khiến lượng du khách giảm sút thì chính phủ đề ngay biện pháp khẩn cấp cứu giữ di sản: Luật bảo tồn các biểu tượng lịch sử quy định rõ thế nào là các biểu tượng của Singapore, chế độ giữ gìn và phạt nặng việc xâm hại di tích; Luật quy hoạch chính thức đưa các khu vực bảo tồn vào quy hoạch đất đai và xây dựng, hướng dẫn cách thức xây - sửa lại các khu vực bảo tồn. Nhà nước trùng tu các dinh thự và công trình xưa đẹp, chuyển đổi công năng để vừa giữ kiến trúc lịch sử, vừa sinh lợi kinh tế. Hội đồng di sản quốc gia cho làm hàng loạt bia tưởng niệm ở các tòa nhà góc phố giới thiệu các địa điểm từng tồn tại trong quá khứ mà nay có thể biến đổi ít nhiều”. Ông Phúc Tiến nói tiếp: “Úc còn có nguyên Bộ Môi trường phụ trách công tác di sản, họ coi di sản là một phần tất yếu của môi trường sống. Tuyệt đối không được xây, sửa nhà nếu dẫn đến khả năng xâm phạm các di tích kiến trúc là công trình cổ hay đã được xếp hạng. Còn ở Pháp, từ năm 1819 đã có ngân sách riêng cho tượng đài lịch sử. Năm 2004, Chính phủ Pháp ban hành bộ quy phạm di sản. Nhờ vậy mà các đô thị di sản được UNESCO công nhận như Paris, Lyon và nhiều bảo tàng, di tích khác đã giúp kinh đô ánh sáng thu hút hàng chục triệu khách tham quan mỗi năm...”.
Trong khi đó, luật Di sản văn hóa của VN vẫn còn rất nhiều bất cập, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn: “Cơ sở pháp lý về bảo tồn di sản còn thiếu sót khá nhiều. Việc quản lý chủ yếu dựa vào luật mà luật này chỉ tập trung vào lĩnh vực bảo tồn di tích, xem nhẹ việc xây dựng pháp lý cho các giải pháp cải tạo di sản, dẫn đến hệ lụy là nhiều công trình có giá trị, vì chưa kịp hoặc chưa được xếp hạng di tích thì không được bảo vệ, có nguy cơ bị phá bỏ để làm dự án”.

Đưa vào kế hoạch giám sát 2019

Tính đến năm 2019, TP.HCM có 172 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia, 114 di tích cấp TP. Tuy nhiên, hiện TP vẫn chưa ban hành được quy định phân cấp quản lý di tích và danh lam thắng cảnh. Việc lập hồ sơ đề nghị xếp hạng còn chậm, nhiều di tích xuống cấp đang không có kinh phí trùng tu. KTS Khương Văn Mười đề nghị: “Đối với kiến trúc tư nhân do gặp khó khăn về tài chính thì nên lựa chọn những công trình tiêu biểu các thời kỳ: về kiến trúc, giá trị lịch sử, ký ức, hòa bình… để giữ lại, không nhất thiết giữ nguyên bản mà có thể xây dựng bằng chất liệu mới, kiến trúc không thay đổi mà chỉ giữ một phần mặt tiền giá trị, giữ lại không gian diễn ra các sinh hoạt cộng đồng, khu người Hoa...”. Còn TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, cho rằng: “TP.HCM cần được nhìn nhận như một “đô thị di sản” vì có một hệ thống công trình kiến trúc nhiều loại có giá trị nhiều mặt. Tính hệ thống và toàn diện là yếu tố quan trọng để xây dựng chiến lược bảo tồn di sản đô thị”.
“Nên có chính sách khoanh vùng như những đô thị lớn trên thế giới”, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết và hiến kế thêm: “Khu lõi bảo tồn lịch sử có thể được xác định theo ranh giới hai phường Bến Nghé và Bến Thành (Q.1). Các công trình cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới trong khu vực này phải tuân thủ các quy định chi tiết: khống chế mật độ, chiều cao, kiến trúc, màu sắc, vật liệu. Người dân còn được ưu đãi về thuế cũng như lợi ích tài chính khi khu vực lõi trở nên năng động về du lịch và thương mại như Paris, Thượng Hải hay Montréal”.
Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Đức Hải nêu 3 giải pháp cần thực hiện ngay sau hội thảo là: phải xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị; phải có chiến lược quy hoạch tổng thể bằng chương trình hành động cụ thể và quan trọng nhất phải đào tạo nguồn nhân lực làm di sản bài bản. Đặc biệt, nội dung bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM còn được đưa vào chương trình giám sát năm 2019 của HĐND và sẽ có báo cáo cụ thể với các đại biểu tại hội nghị tổ chức vào tháng 10, 11 tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.