Giữ hồn đại ngàn: Bậc thầy điêu khắc gỗ Pa Kôh

01/11/2022 07:13 GMT+7

Sở hữu đôi tay điêu luyện cùng kiến thức sâu sắc về nghệ thuật điêu khắc gỗ của đồng bào Pa Kôh, nhiều năm qua ông Cu Đài (51 tuổi, trú thôn Ta Ay, xã Trung Sơn, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế) đã âm thầm truyền dạy cho hàng chục học viên.

Kể sử thi trên những thớ gỗ

Xem 4 bức phù điêu bằng gỗ về cuộc đời anh hùng lực lượng vũ trang A Vầu đặt tại nhà trưng bày văn hóa các dân tộc A Lưới, nhiều người xúc động trước những nét chạm khắc vừa mộc mạc vừa chân thực. Người tạc nên tác phẩm có thể lột tả hết cuộc đời bi tráng của anh hùng A Vầu không ai khác ngoài ông Cu Đài. Nhân viên trông coi nhà trưng bày cho biết, ngoài 4 bức phù điêu, ông Cu Đài còn đóng góp thêm nhiều tác phẩm như tượng nhà mồ, tượng người mẹ giã gạo, quan tài… “Đến A Lưới, hỏi về nghệ thuật điêu khắc gỗ của người Pa Kôh, ông Cu Đài không trả lời thì không ai dám nói đâu!”, một nhân viên tiết lộ.

Nghệ sĩ điêu khắc gỗ Cu Đài

Sau nhiều lần hẹn vì ông bận đi vẽ nhà mồ cho người quen, tôi may mắn được ông tiếp chuyện vào một buổi sáng sớm. Nghe có người hỏi về bức phù điêu, ông Cu Đài kể: “Năm 2018, ngành văn hóa huyện đặt tôi tạc một bức phù điêu kể về sự hy sinh của anh hùng A Vầu và sự chiến đấu anh dũng của quân dân A Lưới trong chiến tranh. Thú thật, lúc đó tôi áp lực lắm vì câu chuyện về người anh hùng không thể tạc bừa được. Vậy là tôi tìm tài liệu để đọc rồi nhờ người ta kể về thân thế A Vầu. Khoảng 1 tháng như thế thì thấm… Tôi chỉ mất 4 ngày chạm khắc thì xong 4 bức phù điêu kể về tuổi thơ của A Vầu lớn lên trong sự yêu thương của bản làng. Khi biết đánh giặc thì vót chông bẫy địch và rồi A Vầu bị bắt, bị địch giết chết bằng chông. Lũ làng phẫn nộ, đứng lên đấu tranh cho đến ngày độc lập…”.

Để khắc những nét thô mộc giúp người xem dễ hiểu và nhận diện được ngay những giá trị nghệ thuật truyền thống người Pa Kôh trên mỗi bức phù điêu, Cu Đài đã phải rèn giũa kỹ năng 40 năm qua. Ông bảo, khắc phù điêu khó nhất là kể cho được câu chuyện nhưng so với tượng gỗ tròn thì nó vẫn dễ hơn. Trong cuộc đời sáng tác của mình, ông đã tạc nên không biết bao bức tượng liên quan đến đời sống, văn hóa, lịch sử… của đồng bào mình. Thế nhưng, ông nhớ nhất là bức tượng về người vợ ở vùng cao mòn mỏi chờ chồng khi chiến tranh đã kết thúc. “Chuyện cũng cách đây 20 năm rồi. Nhớ nhất, bởi đó là lần đầu tiên tôi tham gia trại sáng tác điêu khắc dân gian. Bức tượng cao đến 2,2 m”, ông Cu Đài kể.

Bức điêu khắc về cuộc đời anh hùng A Vầu do ông Cu Đài thực hiện

HOÀNG SƠN

Bảo tồn nghệ thuật nhà mồ

Cũng tại không gian trưng bày văn hóa các dân tộc A Lưới, người xem bắt gặp một tác phẩm điêu khắc khác của ông Cu Đài. Vẫn là phong cách hạn chế gia công gọt giũa, mô hình quan tài độc mộc sẽ khiến những ai đứng trước nó phải trầm trồ về nghệ thuật khắc gỗ độc đáo của người Pa Kôh.

Chính bởi từ lúc 9 tuổi theo cha đi khắp các bản làng tạc quan tài cho người ta mà ông đã tích lũy được vốn kiến thức phong phú về nghệ thuật nhà mồ. Ông trở thành bậc thầy trong thiết kế và vẽ nhà mồ theo mô típ xưa. Không chỉ ở A Lưới mà người dân ở các huyện vùng cao Quảng Trị thường nhờ ông làm tượng nhà mồ. Nhiều người khuyên ông nên đặt biển để theo hẳn nghề này.

Gìn giữ họa tiết truyền thống

Ông Cu Đài cho biết, khi dạy các học trò, ông luôn yêu cầu phải biết ý nghĩa các họa tiết, hoa văn được chạm khắc hoặc vẽ trên nhà mồ. Theo ông, đời sống hiện đại cùng sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ đã khiến nhiều nhà mồ hiện nay bị biến dạng. “Chẳng hạn, trong văn hóa chúng tôi không có hình tượng con rắn và càng không điêu khắc con rồng lên nhà mồ. Con rồng là con vật hung dữ và gây nên nỗi sợ hãi…”, ông Cu Đài nói.

Từ nhiều năm trước, ông đã nhận ra nguy cơ mai một nghệ thuật điêu khắc và trang trí nhà mồ truyền thống. Tình trạng bê tông hóa đã “giết chết” phong cách trang trí. Trăn trở những nét hoa văn tinh túy, như họa tiết trên zèng (thổ cẩm), cây dương xỉ, lá rau dớn… rồi nay mai sẽ không còn được thấy trên nhà mồ nữa, ông bắt tay vào cuộc gìn giữ.

Với con dao, cây rìu và vài ba cây đục, nghe ở đâu có người mời tạc tượng, sáng tác thi thố hay được nhà người chết mời trang trí nhà mồ… là ông vội vã gác việc nhà lên đường. Nhờ ông mà tại xã Trung Sơn đã có 3 nhà mồ đúng phong cách xưa dựng ngay bên tuyến quốc lộ để mọi người có thể nhìn thấy và làm theo… Thấy trai làng mê tượng là ông sẵn lòng bày vẽ, thấy ai có năng khiếu là ông động viên học mà chẳng lấy đồng tiền công nào. “Điều vui nhất là cách đây 5 năm, ngành văn hóa huyện tổ chức lớp học điêu khắc gỗ và mời tôi đứng lớp trong vòng 1 tháng. 30 học viên từ thanh niên cho đến ông già 60 tuổi cũng gọi tôi bằng thầy”, ông Cu Đài kể.

Vậy là từ chỗ có nguy cơ thất truyền nghệ thuật điêu khắc gỗ, trang trí nhà mồ, ở A Lưới giờ đây đã có một lớp nghệ sĩ điêu khắc ở trong dân.

(còn tiếp)

Giữ hồn đại ngàn

“Cây đại thụ” âm nhạc người Tà Ôi

Già làng của… già làng

Người thầy đầu tiên

'Cha đẻ' nhà dài duy nhất A Lưới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.