Giữ hồn đại ngàn: Già làng của… già làng

29/10/2022 06:40 GMT+7

Những người làm công tác văn hóa tại H.A Lưới (Thừa Thiên-Huế) thường nói vui rằng Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Hạnh (trú thôn A Niêng Lê Triêng, xã Trung Sơn) là già làng của… già làng. Bởi có thời gian ở Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô ( Hà Nội ), già được các già làng thuộc dân tộc khác tín nhiệm làm Trưởng bản Đoàn kết cộng đồng.

Về hưu và thực hiện ước mơ

Đến A Lưới để tìm hiểu về văn hóa người Pa Kôh, chắc chắn nhiều người sẽ được giới thiệu đến gặp Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Hạnh, người được mệnh danh là “kho tàng văn hóa sống” của đồng bào Pa Kôh. Dù đã ở tuổi 75 nhưng mỗi lần có ai hỏi đến đời sống văn hóa của đồng bào mình, già Hạnh lại say sưa nói hàng giờ đồng hồ mà không biết mệt. Nhờ thành thạo tiếng Kinh và cách nói chuyện dí dỏm, già có thể vừa giải đáp chi li những thắc mắc vừa lấy ví dụ, dẫn dắt những câu chuyện từ cổ chí kim rất sinh động.

“5 nhiệm kỳ làm Bí thư Đảng ủy xã Hồng Trung cũ (nay là xã Trung Sơn), bố may mắn được tiếp xúc nhiều cụ già, người am hiểu văn hóa bản địa rồi tự mình mày mò nghiên cứu, hệ thống những câu chuyện. Nhưng khi còn đương chức, bận bịu công tác nên dù yêu văn hóa đến mấy cũng không đủ thời gian. Chính vì vậy, sau khi về hưu vào năm 2010, bố dốc sức để sưu tầm, truyền bá các giá trị truyền thống đến người dân, nhất là thế hệ trẻ”, già Hạnh chia sẻ. Là già nói vậy, chứ trong thời gian già làm bí thư, công tác văn nghệ quần chúng của xã phát triển rất mạnh. Già đã cho xây dựng các CLB, đội văn nghệ tại 5 thôn. Trong các dịp lễ hội, 5 đội lại tưng bừng thi thố và chọn ra đội đi thi cấp huyện, tỉnh…

Dù tuổi đã cao nhưng già Hồ Văn Hạnh vẫn luôn nỗ lực gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống người Pa Kôh

HOÀNG SƠN

Càng tìm hiểu sâu, già Hồ Văn Hạnh nhận thấy các giá trị bản sắc của đồng bào Pa Kôh có nguy cơ bị mai một. Những phần việc lớn trong các lễ hội, người này quên người kia sẽ nhớ nhưng những làn điệu dân ca bằng tiếng đồng bào hát sao cho đúng nghĩa, những bước nhảy làm sao cho chuẩn, hát lý làm sao cho sâu sắc… thì không phải ai cũng biết, cũng thuộc. Thế là, ngày ngày già Hạnh cất công tìm đến những người già để hỏi chuyện, ghi chép. Những nghi thức trong các lễ hội lớn như aza koonh (mừng lúa mới), arieu ping (lễ cải táng), arieu car (lễ hội chung các dân tộc)… được già Hạnh lưu giữ cẩn thận. Những làn điệu cha chấp, ba bói, ca lơi… được già nghiên cứu kỹ lưỡng để không bị mất tính nguyên gốc.

“Về hưu, bố có thời gian rảnh rỗi hơn các anh đang đương chức nên chú tâm đến công tác nghiên cứu rồi góp ý cho lãnh đạo địa phương có phương án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương cũng là cách để xây dựng tinh thần đoàn kết các dân tộc, góp phần xây dựng làng bản, quê hương tươi đẹp…”, già Hạnh trải lòng.

Mang chuông đi đánh xứ người

Nhưng nếu chỉ sưu tầm, bảo tồn mang tính “hàn lâm” sẽ không khiến giới trẻ hứng thú. Theo già, để lôi kéo thanh niên đến với văn hóa truyền thống của đồng bào Pa Kôh thì thực hành, trình diễn nghệ thuật mới là cách tốt nhất. Từ ngày về hưu, già Hạnh lại có thêm nhiều thời gian để dùi mài ngón đàn abel (đàn nhị), thổi tâng coih (tù và), khèn bè, đánh cồng chiêng… Thuở trẻ, nhịp điệu sôi nổi bao nhiêu thì lúc về già, tiếng đàn, bài sáo… lại càng lắng đọng, càng hút hồn người nghe bấy nhiêu. Chính vì sự đa năng đó mà khi chọn người làm trưởng nhóm nghệ nhân cộng đồng Tà Ôi, Pa Kôh đại diện cho Thừa Thiên-Huế đến Làng văn hóa - du lịch các dân tộc VN, già Hạnh được chọn đầu tiên.

Già Hạnh kể cuối năm 2016, khi được làm trưởng nhóm nghệ nhân, già có chút ngần ngại vì tuổi đã cao, lo mình sẽ không kham nổi. Nhưng qua phân tích các tiêu chí, như hiểu biết về bản sắc các dân tộc, có khả năng giới thiệu nét đặc sắc về văn hóa, có khả năng trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống, vũ điệu dân gian…, già gật đầu nhận lời. Ở đó, già Hạnh đã nỗ lực tái hiện, trình diễn các nghi lễ truyền thống, nghệ thuật đặc sắc… Nhóm nghệ nhân Tà Ôi - Pa Kôh nhận được sự tán thưởng, thích thú của cả các nhóm là đồng bào dân tộc thiểu số khác trên cả nước cũng như các vị lãnh đạo của T.Ư, du khách.

Hồi mới ra làng, già cùng nhóm nghệ nhân gặp nhiều bỡ ngỡ lắm. Nhưng rồi nhờ bản tính quảng giao, thích chia sẻ những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào mình, già Hạnh nhanh chóng kết thân với những già làng, người có uy tín của các nhóm dân tộc khác cùng ở trong làng. “Bố được người ta tín nhiệm bầu làm Trưởng bản Đoàn kết cộng đồng. Vai trò này nặng nề lắm, nhất là khi có ai đó cần phỏng vấn, bố lại được cử ra để trao đổi. Cũng may nhờ chút kỹ năng nói năng nên những câu chuyện, nét văn hóa đặc sắc của làng được bố truyền tải đầy đủ”, già Hạnh chia sẻ.

Cuối năm 2018, già Hồ Văn Hạnh rời làng trở về quê hương A Lưới để lo việc riêng của gia đình. Với những kinh nghiệm tích lũy được sau 2 năm, già đã vận động những người uy tín ở các bản làng tiếp tục duy trì đội văn nghệ. Trước nỗi lo những điệu ca cổ mai một, những nhạc cụ truyền thống không ai nhớ để chơi, già Hạnh đã tổ chức 2 lớp học với 14 người tham gia. “Trở về sau 2 năm, bố nói với lớp trẻ gìn giữ bản sắc văn hóa chính là gìn giữ gốc gác của dân tộc mình. Muốn bảo tồn văn hóa trước hết là phải truyền dạy. Già trẻ phải cùng xúm nhau lại, tập hợp lực lượng để kêu gọi lớp trẻ tham gia các lớp học. Dù biết các cháu không hứng thú lắm nhưng được bao nhiêu hay bấy nhiêu, mưa dầm thấm lâu mà…”, già Hạnh thổ lộ. (còn tiếp)

Giữ hồn đại ngàn

“Cây đại thụ” âm nhạc người Tà Ôi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.