Giữ hồn đại ngàn: Vợ Pa Kôh, chồng Cơ Tu thầm lặng 'giữ lửa'

02/11/2022 06:33 GMT+7

Chung sống dưới một mái nhà, làm cùng một đơn vị, nhiều năm qua đôi vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Ta Dư Tư và Areel Đời (Phòng VH-TT H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế) chuyên tâm nghiên cứu, thầm lặng “giữ lửa” văn hóa truyền thống.

Viết lời bài hát bằng tiếng Pakôh

Bà Ta Dư Tư (Phó trưởng phòng VH-TT H.A Lưới) được biết đến là người có duyên khi dàn dựng các tiết mục nghệ thuật đi dự thi. Từ thi huyện cho đến cấp tỉnh, cứ tiết mục nào vào tay bà Tư thì y như rằng sẽ được giải cao. “Cuộc đời làm công tác văn hóa, tôi cũng may mắn được nhiều huy chương vàng, bạc… tại các cuộc thi nghệ thuật truyền thống các cấp. Đó là niềm khích lệ giúp tôi luôn cố gắng đào sâu nghiên cứu dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số chung sống trên dãy Trường Sơn”, bà Tư chia sẻ.

Là một người con Pa Kôh, bà Tư đã chủ động xin phép cấp trên chuyên nghiên cứu về đồng bào mình. Từ nhiều năm qua, bà lặng lẽ vào các bản làng hẻo lánh để tìm gặp người già học hỏi các làn điệu dân ca, ghi chép cẩn thận trước nguy cơ bị mai một. Gắn bó với công tác văn hóa đã lâu, bà cũng là người góp công lớn vào việc gìn giữ trang phục truyền thống. Để có được quy định chung mỗi cán bộ có ít nhất 1 bộ trang phục truyền thống và mặc vào các ngày thứ hai và thứ sáu hằng tuần, Phòng VH-TT đã nỗ lực nghiên cứu và tham mưu lãnh đạo huyện. Bà Tư cũng bỏ nhiều thời gian nghiên cứu, phục dựng nhiều lễ hội truyền thống, như A riêu Car (lễ hội chung của các dân tộc anh em ở A Lưới), lễ cưới truyền thống, hội đi sim…

Vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Ta Dư Tư và Areel Đời cùng chung niềm đam mê nghiên cứu, truyền bá các giá trị văn hóa truyền thống

HOÀNG SƠN

“Mong muốn giữ lại cho đời sau thành bản sách những thông tin, kiến thức bổ ích, 20 năm qua tôi đã sưu tầm, thu âm, ghi chép về nội dung, ý nghĩa của từng loại di sản”, bà Tư kể. Với từng đó thời gian, bà Tư cho ra đời hàng loạt cuốn sách nghiên cứu có giá trị về đồng bào Pa Kôh, như: xuất bản Truyện cổ Pa Kôh (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - Hội Văn nghệ dân gian VN, 2011); sưu tầm, ghi chép hàng trăm bài đồng dao, câu đố, ca dao… của người Pa Kôh; sưu tầm, nghiên cứu, tập hát 18 thể loại dân ca các dân tộc Pa Kôh, Cơ Tu, Tà Ôi; sưu tầm và biên soạn tập tục đi sim, nghệ thuật làm đẹp cổ xưa của người Pa Kôh…

“Vui nhất là công trình nghiên cứu và chuyển dịch từ lời Việt sang lời Pa Kôh 20 ca khúc về Đảng, Bác Hồ, về quê hương A Lưới được bà con đồng tình hưởng ứng. Bởi đồng bào mình, nhất là những người già, không phải ai cũng hiểu hết tiếng Kinh. Khi hát bằng tiếng của dân tộc mình, đông đảo người Pa Kôh đều cảm nhận được cái hay, cái đẹp của ca khúc cách mạng nên họ rất vui rồi truyền nhau hát…”, bà Tư chia sẻ. Với nhiều đóng góp xuất sắc, năm 2015 bà Tư được công nhận Nghệ nhân Ưu tú.

Thầy của những nghệ sĩ trẻ

Ông Areel Đời (chuyên viên Phòng VH-TT H.A Lưới) kể lại câu chuyện ông đã đồng hành với vợ - bà Ta Dư Tư, trên những chặng đường gian nan khi mới vào nghề. Để được công nhận Nghệ nhân Ưu tú vào năm 2019, ông Đời cũng đã có nhiều đóng góp cho ngành văn hóa H.A Lưới. Nếu vợ đào sâu nghiên cứu văn hóa Pa Kôh thì chồng lại chuyên nghiên cứu văn hóa Cơ Tu dân tộc mình. Nếu bà Tư thành công trong lĩnh vực nghiên cứu, sưu tầm thì ông Đời lại khẳng định mình trong trình diễn dân gian. Ông là thầy của rất nhiều thanh niên cũng như những nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ tại A Lưới.

“Năm 1984, tôi vào công tác tại Đội Văn hóa thông tin của huyện. Hồi đó, mỗi năm chỉ trừ 3 tháng cuối năm là ở nhà vì mưa gió, còn lại chúng tôi lúc nào cũng có mặt trong các bản làng để biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con. Càng đi sâu vào các bản, thấy được sự trông ngóng của người dân khi có đoàn về, tôi càng thêm nhiều động lực để theo đuổi đam mê”, ông Đời chia sẻ. Mong muốn mang lại những tiết mục ấn tượng cho người xem, ông Đời đã không ngừng học hỏi các nghệ nhân lớn tuổi. Dần dà, ông trở thành cây văn nghệ chủ lực của ngành văn hóa H.A Lưới.

Yêu vợ mình, ông cũng yêu văn hóa Pa Kôh và cả văn hóa Tà Ôi. Ông say mê tìm hiểu, sưu tầm và nhuần nhuyễn các làn điệu dân ca, như cha chấp, lâr lơi, xiềng, thun, tâng ơi, têr a venh… Ông cũng am hiểu và có thể đứng lớp truyền dạy các vũ điệu cổ, như pa dưn a da (mừng năm mới), pa dưn ku ru (cúng thầy mo), chật ti rỉa (đâm trâu), taanh ân nai (dệt dèng)… Là người trực tiếp trình diễn những làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống, nhiều năm gắn bó với sân khấu, ông Đời đoạt nhiều huy chương vàng, bạc ở các cuộc thi và nhận được nhiều bằng khen của các cấp.

Trong các lớp học nhạc cụ truyền thống của các dân tộc tại A Lưới gần như không thể thiếu ông Đời. Bởi ngoài biểu diễn thành thục các nhạc cụ (khèn bè, trống, các loại đàn, sáo…), ông còn có khả năng sư phạm nên mỗi lần có lớp về âm nhạc là ông lại đứng lớp. Ngoài giờ làm việc, ông có đam mê sưu tầm nhạc cụ, dụng cụ sinh hoạt, lao động xưa. Bởi thế mà căn nhà sàn truyền thống của vợ chồng ông Đời không khác gì một bảo tàng văn hóa các dân tộc thu nhỏ.

“Vợ chồng tôi may mắn gặp nhau ở niềm đam mê bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Từ trẻ đã bảo ban, nắn nót cho nhau trong từng điệu múa, câu ca. Về già, chúng tôi tâm niệm phải cùng nhau truyền được ngọn lửa đam mê cho thế hệ trẻ. Làm được vậy là vui lắm rồi…”, bà Ta Dư Tư trải lòng.

Giữ hồn đại ngàn

“Cây đại thụ” âm nhạc người Tà Ôi

Già làng của… già làng

Người thầy đầu tiên

'Cha đẻ' nhà dài duy nhất A Lưới

Bậc thầy điêu khắc gỗ Pa Kôh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.