Giữ hồn dân tộc: Sắc màu cao nguyên đá

11/03/2012 03:58 GMT+7

Những ngày cuối tháng hai tôi có dịp lên Hà Giang… Trên con đường chạy giữa bạt ngàn màu xám núi đá thi thoảng lại thấy một vài phụ nữ người Mông trong bộ trang phục nhiều màu sắc hài hòa, điểm thêm cho khung cảnh nơi đây bớt phần hoang vắng.

Những ngày cuối tháng hai tôi có dịp lên Hà Giang… Trên con đường chạy giữa bạt ngàn màu xám núi đá thi thoảng lại thấy một vài phụ nữ người Mông trong bộ trang phục nhiều màu sắc hài hòa, điểm thêm cho khung cảnh nơi đây bớt phần hoang vắng.

Có thể nhận thấy trang phục đàn ông người Mông hầu như không thay đổi, từ trẻ em đến cụ già vẫn một kiểu quần áo màu đen gài hàng nút vải, trong khi đó khăn váy áo của phụ nữ thì nhiều màu sắc.

Vào ngày chợ phiên ở Lũng Cú, Sà Phìn hay Đồng Văn, các cô gái Mông đã chọn lựa khăn, áo, váy, thắt lưng, giày…và “phối màu” với nhau rất đẹp. Họ có thể thoải mái lựa chọn mua hàng may sẵn với chất liệu vải mềm mỏng hay bóng bẩy, in màu và nhiều họa tiết hoa văn, dập đường xếp ly… được bán la liệt ở chợ, ở các cửa hàng ven đường hay trong thị trấn.

Đa số phụ nữ bây giờ có váy áo bộ mặc bộ thay, chất liệu vải mỏng nhẹ hơn vải lanh dệt nhuộm thủ công nên việc giặt giũ cũng dễ dàng hơn. Trong những gia đình người Mông ở Lũng Cú, Đồng Văn mà tôi có dịp ghé, hầu như ít còn khung cửi gỗ dệt vải lanh, cũng hiếm thấy cảnh người mẹ, người bà ngồi đưa thoi dệt vải, các cô gái chuốt chỉ thêu váy áo... Chị em không còn mất quá nhiều công sức cho việc dệt may váy áo, thời gian để dành cho công việc khác. Sự thay đổi này mang lại nhiều thuận lợi cho người phụ nữ.

Có điều, là hàng hóa từ nơi khác sản xuất nên tuy phong phú nhưng trang phục phụ nữ Mông bây giờ không còn vẻ độc đáo riêng của màu sắc, hoa văn từng bộ váy áo mà trước đây họ đã kỳ công dệt may cho chính mình. Chắc không lâu nữa không ai còn thấy được sự độc đáo của trang trí hoa văn trên váy áo người Mông khác biệt với dân tộc khác như thế nào, vì cách thức dệt may thêu truyền thống của người Mông đang bị mai một…

Trang phục dân tộc - nhất là trang phục phụ nữ - được coi là loại hình di sản văn hóa phi vật thể, vì thể hiện nét độc đáo riêng của thẩm mỹ, phù hợp sinh hoạt từng tộc người qua kiểu dáng và trang trí màu sắc hoa văn.

Nghề dệt may, thêu và cách thức làm ra các bộ trang phục truyền thống của các dân tộc thường do người bà, người mẹ truyền dạy cho con gái từ khi còn nhỏ… cứ thế mà được lưu giữ lâu dài qua nhiều thế hệ. Khi hoàn cảnh sống thay đổi làm cho chủ nhân văn hóa ấy không còn nhu cầu hay không có điều kiện để lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau thì cũng là lúc cần đến vai trò của chính quyền.

Bằng những phương thức “vật thể hóa” di sản văn hóa phi vật thể như chụp hình, quay phim quá trình làm ra sản phẩm, sưu tầm hiện vật kỹ thuật về nghề thủ công dệt nhuộm thêu, sưu tầm các kiểu trang phục và cách thức sử dụng trang phục hằng ngày và lễ hội, và phục dựng trong trưng bày bảo tàng - đặc biệt là xây dựng bảo tàng ngay tại cộng đồng..., nhà nước “can thiệp” để giúp cộng đồng bảo tồn văn hóa truyền thống của chính họ.

Hiện nay, nhiều quốc gia đã duy trì và phát triển những làng nghề “du lịch bền vững”: trình diễn nghề và sản xuất những sản phẩm thủ công (như dệt may thêu trang phục dân tộc), tuy nhiên, sản phẩm phải giữ được sự độc đáo riêng của từng nơi, có vậy mới hấp dẫn và thu hút được du khách trong, ngoài nước. Khi người dân sống được bằng nghề của mình, tức là di sản văn hóa “nuôi” được cộng đồng thì cộng đồng mới duy trì và gìn giữ văn hóa, trước là cho chính mình và sau là cho đất nước.

Cuộc sống nơi vùng cao đang thay đổi nhanh chóng, sự “tồn tại hay không tồn tại” của di sản văn hóa phi vật thể nơi đây là câu hỏi đặt ra mà câu trả lời không chỉ đến từ chủ nhân của những di sản văn hóa ấy.

Nguyễn Thị Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.