Giữ hồn sông núi: Thánh thót cung đàn tâm-prảy

15/07/2014 09:56 GMT+7

Sau nhiều năm thất truyền, giờ đây cộng đồng người Pa Hy bản Hạ Long, xã Phong Mỹ (H.Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) lại được nghe thanh âm của tiếng đàn cổ tâm-prảy do bà Hồ Thị Hương (56 tuổi) dày công sưu tầm, phục dựng.

Sau nhiều năm thất truyền, giờ đây cộng đồng người Pa Hy bản Hạ Long, xã Phong Mỹ (H.Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) lại được nghe thanh âm của tiếng đàn cổ tâm-prảy do bà Hồ Thị Hương (56 tuổi) dày công sưu tầm, phục dựng.

 Bà Hồ Thị Hương và cây đàn tâm-prảy
Bà Hồ Thị Hương và cây đàn tâm-prảy, nhạc cụ truyền thồng người Pa Hy - Ảnh: Tuyết Khoa

Gọi bạn tình

Bản Hạ Long là nơi đồng bào Pa Hy tập trung đông nhất tỉnh Thừa Thiên-Huế. Già Hồ Lai vừa chỉ đường cho chúng tôi vừa nói: “Trong bản có nhiều người tên Hương nhưng để phân biệt người ta gọi bà Hồ Thị Hương là bà Hương đánh đàn. Bởi tiếng đàn tâm-prảy của bà ấy nổi tiếng khắp vùng”. Cây đàn được bà Hương cất giữ cẩn thận trong tủ. Mỗi khi có lễ hội, khách khứa hay rảnh rỗi, bà lại lấy đàn ra đánh. Cây đàn đơn sơ, bình dị thánh thót ngân lên những nhịp điệu mê hoặc đến lạ lùng, vang vọng khắp bản làng, gợi nhớ về một thời xa vắng.

Được chế tác tương đối đơn giản, đàn tâm-prảy gồm có 5 phím, 2 dây và 2 chốt chỉnh dây. Thùng đàn nhỏ có lỗ thông hơi. Đàn được làm từ gỗ chò. Vì gỗ này tương đối nhẹ, đó là nhân tố tạo âm hay cho đàn. Bề ngoài, tâm-prảy cực kỳ mộc mạc bởi màu gỗ tự nhiên, không sơn quét cùng với vết đẽo có phần thô sơ không mài dũa. Chính cái nguyên sơ ấy gây chú ý cho người nghe lần đầu bởi sự thô kệch bên ngoài nhưng thanh âm trong trẻo phát ra từ tâm-prảy. Người Pa Hy ví tiếng đàn tâm-prảy như giai điệu của núi rừng, của bản làng. Bà Hương kể, thời khói bom lửa đạn, khi ấy bà chừng tuổi trăng tròn, cùng các chị đi tải đạn cho bộ đội trên Trường Sơn. Bao đêm, bà và mấy chị đánh đàn tâm-prảy để ấm lòng chiến sĩ, động viên đồng đội và cho chính mình. Đối với cộng đồng người Pa Hy, tiếng đàn tâm-prảy không chỉ là nhạc cụ quan trọng trong lễ hội, giải trí mà còn là tiếng lòng của nam nữ yêu nhau, lời tự tình những lúc vui buồn… Nó trở thành “người bạn” không thể thiếu của trai gái Pa Hy ngày xưa.

Đàn tâm-prảy cũng giống như khúc hát giao duyên, đối đáp của đồng bào Kinh. Trai gái Pa Hy thường mượn tiếng đàn tâm-prảy để bày tỏ tình cảm của mình trong nhưng đêm trăng thanh gió mát bên dòng suối con khe. Tiếng lòng được thể hiện qua cung đàn tâm-prảy đơn sơ, giản dị nhưng không kém phần tinh tế. Không ít đôi nên duyên vợ chồng nhờ phải lòng nhau từ tiếng đàn. “Thời trẻ, tôi cũng mê chồng tôi bởi tiếng đàn tâm-prảy của ông ấy. Ngày xưa là thế nhưng nay khắp bản làng còn mấy ai biết đánh đàn tâm-prảy...”, bà Hương than thở.

Thất truyền?

Theo bà Hương, đàn tâm-prảy là nhạc cụ truyền thống cha ông truyền lại. Ngày xưa, trai gái Pa Hy ai cũng biết đánh. Đánh đàn tâm-prảy khá đơn giản chỉ cần yêu tiếng đàn thì sẽ đánh hay, đánh giỏi. Gần 30 năm qua, tiếng đàn tâm-prảy không còn ngân vang, chỉ còn trong ký ức của những người ở thế hệ như bà. Day dứt sợ tiếng đàn tâm-prảy thất truyền. Mây năm gần đây, bà Hương cùng chồng và một số người già làm lại đàn tâm-prảy đánh vào dịp lễ tết, lễ hội để bản làng cùng nghe. Vốn là người làm đàn giỏi một thời, nay ông Trần Ngọc Thêm, chồng bà Hương lại mày mò làm lại những cây đàn tâm-prảy mới cho vợ và cùng vợ nhớ lại những giai điệu ngày xưa để phục vụ bà con Pa Hy trong làng trong xã. “Bây chừ, lớp trẻ rất ít chơi đàn tâm-prảy như chúng tôi ngày xưa. Tiếng đàn cổ giờ chỉ có mấy người già trong bản biết. Buồn lắm. Con cái chúng tôi bây giờ cũng chẳng đứa nào biết đánh. Mà nó không thích thì làm sao mình ép được”, ông Thêm tâm sự.

Năm 2013, tiếng đàn tâm-prảy của bà Hương lần đầu đến với “Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ 10” được mọi người quan tâm, thích thú. “Bữa chừ mình chỉ đánh cho mình nghe và trong làng trong bản nghe. Thật vui khi tiếng đàn Pa Hy đến với mọi người. Và càng vui hơn khi mọi người đón nhận nó”, bà Hương chia sẻ.

Chia tay chúng tôi, bà Hương nhịp nhàng đánh đàn tâm-prảy, giai điệu ngân vang giữa bản làng làm lay động lòng người. Tiếng đàn như réo rắc nỗi niềm lo sợ tiếng đàn cổ tâm-prảy một ngày nào đó sẽ... thất truyền!

Tuyết Khoa

>> Những truyền nhân cuối cùng - Kỳ 7: Còn ai nhớ tiếng đàn Bơ-răng, Bơ-ró ?
>> Ngón nghề tài hoa - Kỳ 4: Nhạc sĩ khiếm thị giữ tiếng đàn bầu
>> Tiếng đàn măng-đô-lin trên phố
>> Và khi tiếng đàn ống vang lên...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.