Đưa mộc bản "hồi hương”
Mộc bản là ván gỗ có thể được nghệ nhân khắc tranh trên đó (những dòng tranh dân gian như Kim Hoàng, Đông Hồ, Hàng Trống, tranh làng Sình xưa đều được in từ mộc bản), hay những bản khắc chữ Hán Nôm in kinh Phật, sách, tài liệu…
Hiện tại, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa có khoảng 100 mộc bản và 1.000 bức tranh dân gian.
Chị đã lặn lội khắp nơi, từ Bắc tới Nam, kể cả sang Pháp để tìm mộc bản hay tranh dân gian Việt, những tác phẩm nghệ thuật được tạo nên từ đôi bàn tay của những nghệ nhân Việt Nam đang lưu lạc. Đáng tiếc là trong chuyến đi sang Pháp, chị không có cơ duyên tìm được mộc bản, hay tranh dân gian Việt đang còn lưu lạc.
Mọi việc tưởng như không có hy vọng thì bất ngờ vừa qua, một nhà sưu tập người Việt đang sinh sống tại Pháp đã phát hiện tấm mộc bản khắc chữ Liệt thánh chân kinh - Thành Thái - Bính Ngọ xuân (1906). Mộc bản (kích thước 50 x 10 x 1,5 cm) có minh văn rõ ràng với hình khắc nhiều vị thần trong tín ngưỡng dân gian. “Khi biết được, tôi quyết định liên lạc ngay với nhà sưu tập để có thể đưa tấm mộc bản đặc biệt này hồi hương. Tấm mộc bản này đã từ Pháp được đưa về Việt Nam”, nhà sưu tập Thu Hòa nói.
Chị không muốn bỏ qua cơ hội quý giá nào để giữ lại “tài sản” quốc gia.
|
Sáng tạo tranh dân gian mới
Cùng với những trăn trở về việc mộc bản đang trước nguy cơ lụi tàn, nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa còn nghĩ tới “kho” tranh dân gian mà các cụ để lại cũng dần thất truyền. Chị hì hụi tìm cách khôi phục lại. Nhưng như vậy vẫn còn chưa đủ để tranh dân gian có thể “sống” khi nhu cầu, đòi hỏi của người chơi nhiều hơn, chị lại tìm cách nghiên cứu sáng tạo mẫu tranh dân gian mới.
Những mẫu tranh mới luôn có tính đối, chẳng hạn có âm - có dương, có đôi có cặp thể hiện sự đủ đầy, có thơ để cấu trúc tranh thêm chặt chẽ. Đó cũng là cách nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa giữ lại cách chơi tranh đối, tranh có thơ của người Việt.
“Quan niệm chơi tranh dịp tết của người thời nay không khác so với người thời xưa là mấy”, chị bảo. Người chơi vẫn chọn tranh theo những mong muốn, điều cầu chúc trong năm mới như cầu công thành danh toại (tranh công, tranh cá), đỗ đạt (tranh Cá chép vượt vũ môn), may mắn, tài lộc (tranh Phúc - Lộc - Thọ)... Tuy nhiên, đó chủ yếu là quan niệm của người miền Bắc, còn người miền Nam có sự khác biệt đôi chút khi mua tranh về để trấn trạch, mong những may mắn, và xua những điều xui rủi không cho vào nhà.
“Từ quan niệm chơi tranh cho đến chất liệu tranh dân gian của mình rất đa dạng. Không chỉ có tranh giấy như vẫn thấy mà còn có cả tranh tôn, tranh kính, tranh vải... Tranh dân gian có ở cả 3 miền đất nước”, nhà sưu tập cho hay. Chị nói, trước kia, việc làm tranh dân gian chỉ rộn rịp vào dịp tết, nhưng để người làm tranh bây giờ “sống” được thì tranh cần được ứng dụng vào đời sống hằng ngày, chẳng hạn đưa lên giấy gói quà, hay áo dài…
Theo nhiều cách khác nhau, chị muốn giữ gìn những vàng son của cha ông...
Bình luận (0)