Hát bội là một loại hình nghệ thuật truyền thống nổi tiếng ở Quảng Nam và gắn với GS Hoàng Châu Ký (1921 - 2008), người được xem là bậc thầy của bộ môn nghệ thuật này với nhiều công trình nghiên cứu, bảo tồn và truyền bá nhiều nơi trong nước.
Khi GS Hoàng Châu Ký qua đời đã di nguyện lại gia đình dành tặng toàn bộ số tiền phúng điếu của ông để thành lập Quỹ Hoàng Châu Ký hỗ trợ cho TP.Hội An trong việc khôi phục, bảo tồn bộ môn nghệ thuật này từ trong những người trẻ. Lớp Truyền vai hát bội được thực hiện theo di nguyện của GS Hoàng Châu Ký.
|
Lớp Truyền vai hát bội này do thầy là vợ chồng nghệ nhân Lê Phú Hải và Hồ Thị Hoa đảm nhiệm, trò là những cháu từ 11 - 17 tuổi thuộc khối phố Nam Diêu, P.Thanh Hà - vùng đất mà nghệ thuật hát bội vẫn còn lưu giữ.
|
Cứ đúng 20 giờ mỗi thứ bảy hằng tuần, sân nhà cổ số 106 Bạch Đằng, TP.Hội An trở thành sân khấu lộ thiên để thầy, trò lớp Truyền vai hát bội (nghệ thuật tuồng) biểu diễn những trích đoạn tuồng cổ.
|
Họ là những người đam mê nghệ thuật hát bội. Bởi, nghệ nhân Lê Phú Hải là bộ đội thương binh sức khỏe kém hay nghệ nhân Hồ Thị Hoa hằng ngày tất bật trong công việc phơi bánh phở hoặc diễn viên Ánh Hồng bận rộn công việc phụ bán hàng, còn các cháu đều là học sinh với nhiều bài vở nhưng tuần 3 buổi tối vẫn đều đặn đi tập hát bội (tuồng).
|
Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An, cho biết: “Sở dĩ Hội An gọi đây là lớp Truyền vai hát bội vì xem đây như một trong những nhiệm vụ giữ lửa cho một bộ môn nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền. Những thành viên trong lớp là số ít người đi tiên phong của TP.Hội An giữ gìn ngọn lửa tuồng cổ ấy thăng hoa”.
|
“Không ngờ các cháu tuổi còn nhỏ mà nắm vững kỹ năng của hát bội, từ vũ đạo, nhấn nhá điệu bộ, biết luyến láy từng câu tuồng... xem, nghe dạt dào cảm xúc”, khán giả Huỳnh Văn Chí (Đà Nẵng), chia sẻ.
Bình luận (0)