Giữ mặt nạ truyền thống

09/09/2015 05:47 GMT+7

'Nếu cạnh tranh về giá cả, mặt nạ truyền thống Việt sẽ không thể thắng nổi mặt nạ nhựa Trung Quốc với giá bèo. Chỉ có cách cạnh tranh bằng văn hóa', nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền nói.

“Nếu cạnh tranh về giá cả, mặt nạ truyền thống Việt sẽ không thể thắng nổi mặt nạ nhựa Trung Quốc với giá bèo. Chỉ có cách cạnh tranh bằng văn hóa”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền nói.

Nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền với một mẫu mặt nạ hình con lợn truyền thống cho trẻ em - Ảnh: Hiền Đỗ
Tình nguyện viên nhí vẽ thử mặt nạ; Mặt nạ người nhện làm theo kiểu truyền thống ̣(ảnh dưới) - Ảnh: Hiền Đỗ
Những ngày này, nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền và nhóm sinh viên của chị rất bận rộn. Hàng dài danh sách đăng ký tham dự ngày làm mặt nạ ở Bảo tàng Mỹ thuật (Hà Nội). Dự án “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu” được đưa ra để cân bằng lại tương quan mặt nạ truyền thống và mặt nạ nhựa Trung Quốc. Nó cũng nằm trong bối cảnh chung là đồ chơi “made in China” đang tràn ngập thị trường trong các dịp lễ tết.
Không chỉ đơn giản là mặt nạ
Một triển lãm mặt nạ cũng sẽ được tổ chức cùng ngày 13.9 tại Laca Lý Quốc Sư, Hà Nội. Trong đó, các họa sĩ sẽ triển lãm và bán đấu giá các mặt nạ mình vẽ. Tiền thu được sẽ được dùng để góp quỹ từ thiện cho các học sinh tiểu học Suối Bau, Phù Yên, Sơn La.

Chị Trang Thanh Hiền cho biết, mặt nạ không chỉ đơn giản là mặt nạ. Nó chính là một hiện vật được dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng. Mỗi nghi lễ khác nhau lại sử dụng một loại mặt nạ khác nhau. Mặt nạ trung thu truyền thống VN cũng không nằm ngoài quy luật đó.
“Mặt nạ trung thu VN truyền thống mang dấu ấn nông nghiệp rất rõ rệt”, chị Hiền phân tích. “Ví dụ như mặt nạ Ông Địa là nhân vật thần đất. Hình rồng trong múa rồng tượng trưng cho nước. Rồi những cái đèn hình quả cầu tượng trưng cho mặt trời. Dân gian làm những điều đó để mời gọi các thế lực thiên nhiên vào những hoạt động diễn xướng đó, thể hiện mong muốn mùa màng bội thu, cho thuận hòa mưa nắng. Sau Trung thu sẽ vào vụ gặt. Văn hóa của mình là như thế”.
Cũng theo chị Hiền, mặt nạ trung thu Trung Quốc truyền thống lại thể hiện tích về Hậu Nghệ, người bắn cung nỏ giỏi, bắn rơi mặt trời. “Đó là truyền thuyết của người dân du mục. Nó không hợp với Trung thu VN”, chị nói.
Tuy nhiên, theo chị Hiền, văn hóa Việt cũng không hẳn là đóng khung. Nghiên cứu mặt nạ truyền thống của người Việt cũng cho thấy những lớp chồng xếp văn hóa. “Hồi những năm 1980, khán giả rất thích phim hoạt hình Hãy đợi đấy thì trong mặt nạ trung thu của trẻ con có mặt nạ con thỏ và con sói. Khi văn hóa Nga đậm nét thì có mặt nạ búp bê Nga nữa”, chị Hiền nói.
Khơi lại tình yêu với mặt nạ truyền thống
Khảo sát hiện trạng mặt nạ nhựa Trung Quốc tràn lan trên thị trường nhiều năm qua, bà Hiền cho biết, chúng đánh mạnh vào thị hiếu tiêu dùng. “Thứ nhất nó đánh vào thẩm mỹ thích người nhện, siêu nhân, hoạt hình của trẻ thành phố. Thứ nữa, nó quá rẻ”, chị Hiền nói.
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho rằng: “Người nhện bước ra từ hoạt hình, người dơi hay siêu nhân cũng vậy. Mẫu mặt nạ truyền thống giấy bồi của mình nên bổ sung những mẫu như thế”.
Theo chị Trang Thanh Hiền, văn hóa truyền thống không thể cạnh tranh với văn hóa đương đại được sản xuất hàng loạt được. Đặc biệt là khi một chiếc mặt nạ ở làng nghề thấp nhất cũng phải 30.000 đồng, gấp 10 lần giá mặt nạ nhựa.
Vì thế, chị Hiền cùng bạn bè tổ chức cho trẻ học làm mặt nạ, để cả phụ huynh và học sinh hiểu văn hóa. Sau đó, khi yêu mến rồi họ sẽ bỏ tiền mua mặt nạ truyền thống, nghề cổ truyền sẽ được giữ. “Thực ra, chúng tôi hướng tới hoạt động giáo dục nhiều hơn. Nếu có một chương trình nói chuyện văn hóa về mặt nạ, khơi lên lòng yêu nước của cả phụ huynh và học sinh thì văn hóa truyền thống của mình sẽ được bảo tồn”, chị nói.
Trong hoạt động vào ngày 13.9 tại Bảo tàng Mỹ thuật, sẽ có góc để tình nguyện viên biểu diễn bồi mặt nạ giấy truyền thống. Các bé có thể nhìn và tham gia. Bên cạnh đó, sẽ có phôi bồi sẵn để các em tô vẽ như tô tượng. Sau buổi sáng làm mặt nạ, buổi chiều sẽ có nói chuyện văn hóa về mặt nạ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.