Giữ nếp nhà, xây nếp người để lan tỏa văn hóa dân tộc

10/12/2023 07:26 GMT+7

Ngày 8.12, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Hội đồng lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật TP.HCM tổ chức Hội nghị tập huấn công tác lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật năm 2023 tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng).

Chương trình dành cho các đơn vị thuộc sở, ban, ngành liên quan, các trường đại học có chuyên ngành văn hóa - nghệ thuật trên địa bàn TP, Ban Tuyên giáo các quận ủy, huyện ủy và Thành ủy TP.Thủ Đức (TP.HCM).

Các đại biểu tham gia hội nghịẢnh: Đ.T

Các đại biểu tham gia hội nghị

Đ.T

Tham dự hội nghị có PGS-TS, nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật T.Ư; ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa, văn nghệ, Ban Tuyên giáo T.Ư; ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật TP.HCM; kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học, nghệ thuật TP.HCM, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật TP.HCM; cùng đại diện các ban, ngành, cơ quan báo đài…

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Thọ Truyền nhận định: "Hội đồng lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật TP.HCM đã phối hợp cùng các cơ quan báo, đài thực hiện nhiều bài viết, tham luận về văn học - nghệ thuật. Tuy nhiên vẫn còn thiếu một số bài viết nhận định, đánh giá những quan điểm sai lệch về văn hóa - nghệ thuật. Hy vọng qua buổi tập huấn này mọi người có thêm cơ sở dữ liệu, từ đó tham gia tích cực hơn vào việc đánh giá, quảng bá, định hướng đúng những vấn đề liên quan đến văn học - nghệ thuật".

Ông Nguyễn Thế Kỷ đưa ý kiến về khái niệm "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" là một bộ phận trong không gian văn hóa TP.HCM, cần xây dựng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" trong văn học - nghệ thuật của các cơ quan, đơn vị và văn nghệ sĩ ở TP mang tên Bác, phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, phát triển văn học - nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.

"Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không nhất thiết phải là những tượng đài hoành tráng, công trình hiện đại mà chính là di sản văn hóa của Người với TP, là những gì đẹp đẽ, giản dị, cụ thể có ý nghĩa từ Bác Hồ mà ta có thể học tập, làm theo để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc", ông Kỷ bày tỏ.

Ông Nguyễn Minh Nhựt nhấn mạnh đến khái niệm thế nào là văn hóa và văn hóa VN. "Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một cách ngắn gọn rằng: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi", ông nói.

Văn hóa VN là thành quả hàng ngàn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường trong dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc VN, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa VN đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh VN.

Ông Nhựt khẳng định cần xây dựng Hệ giá trị con người VN gồm 8 giá trị: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo; Hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; Hệ giá trị văn hóa gồm: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; Hệ giá trị quốc gia gồm 9 giá trị: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

"Chúng ta có vài chục triệu gia đình văn hóa nhưng chưa đề cao văn hóa gia đình là mấu chốt. Cần giữ nếp nhà, xây nếp người để lan tỏa nền văn hóa tốt đẹp của dân tộc", ông Nhựt khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.