Rừng nát thì nhà tan…
Chiều muộn, ánh sáng chỉ còn le lói ở đường chân trời, chúng tôi được một kiểm lâm viên dẫn ngược lên Cao Ngỗi. Thôn Cao Ngỗi có 20 hộ, 92 nhân khẩu, 90% là đồng bào Cao Lan. Thôn nằm cheo leo trên dãy núi Lịch với độ cao 933 m so với mặt nước biển. Thỏa thích ngắm rừng Cao Ngỗi, chẳng ai có thể mường tượng được những cánh rừng như thế lại nằm sát một bản làng người Cao Lan và họ cũng là người giữ rừng.
Theo chân cán bộ kiểm lâm và nhân dân Cao Ngỗi đi tuần rừng, chúng tôi được nghe câu chuyện giữ rừng của cộng đồng người Cao Lan. Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ Cao Ngỗi Trần Văn Tập kể: trước năm 2016, nạn phá rừng ở xã Đông Lợi diễn ra rầm rộ; rừng già của thôn Cao Ngỗi đứng trước nguy cơ bị lâm tặc triệt tiêu. Kiểm lâm địa phương ngày đêm tuần tra mới ngăn chặn, xử lý được tình trạng phá rừng.
Tuy nhiên, vẫn có không ít khối gỗ được vận chuyển trót lọt, mang đi bán khắp nơi. Không chỉ gỗ quý bị khai thác trái phép, mà những loài động vật, thực vật quý hiếm khác như lợn rừng, sóc, sâm cau... cũng bị săn bắn, thu hái gần như kiệt quệ.
Vậy là cộng đồng dân cư thôn Cao Ngỗi cử 20 thành viên làm nhiệm vụ giữ rừng. Người dân thôn Cao Ngỗi xác định "mỗi người dân là một kiểm lâm viên", ra sức bảo vệ rừng như bảo vệ chính nguồn sống của mình.
Ông Trần Xuân Trác, một người dân Cao Ngỗi, cho hay thôn thành lập 4 đội tuần tra bảo vệ rừng, mỗi đội gồm 5 người, thực hiện tuần tra ít nhất 1 lần/tuần. Theo quy định, nếu ai chặt gỗ, phá rừng làm nương sẽ bị cộng đồng xử lý theo quy định. Ngoài ra, lực lượng của làng cùng với cán bộ kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con dân bản phát nương, đốt nương đúng quy trình kỹ thuật; bố trí người túc trực không để lửa lây lan vào rừng tự nhiên... Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng nên hơn chục năm nay, làng chưa phải xử lý trường hợp nào vi phạm quy định về bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, để cả làng cùng quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng, điều quan trọng nhất là phải thực hiện đúng với quy ước của làng, tạo được sự đồng thuận của người dân trong bản. Cả làng đồng thuận bảo vệ rừng, không phá rừng và cũng không để ai xâm hại vào rừng của cộng đồng Cao Ngỗi. Nhà nào có việc, muốn vào rừng lấy cành củi khô, đều phải báo cáo trưởng thôn và phải được cộng đồng thôn đồng ý. Cũng bởi tâm niệm "rừng nát thì nhà tan, rừng tan thì làng mạt", nên việc "xẻ thịt, băm nát" rừng xanh là điều chẳng một ai ở Cao Ngỗi nghĩ tới.
Và rừng sẽ thêm xanh...
Với diện tích tự nhiên trên 235 ha, rừng Cao Ngỗi trải dài khoảng 10 km, từ đầu thôn đến chân núi Lịch (địa giới các xã Tân Thanh, Phú Lương, Chi Thiết). Dưới tán rừng là thảm thực vật đa dạng ken dày. Rừng Cao Ngỗi có tới vài chục cây cổ thụ với nhiều loại như trò chỉ, táu, trà khế, đinh hương… đã hàng trăm năm tuổi.
Giữ được rừng và rừng đang mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân Cao Ngỗi. Họ được vào rừng tìm mật ong, trám, hạt dổi, các loại cây thuốc và cành cây khô làm củi. Hằng năm, cộng đồng Cao Ngỗi được hưởng 95 triệu đồng từ chính sách giao khoán, bảo vệ rừng tự nhiên của nhà nước. Năm 2023, 15 hộ nghèo ở Cao Ngỗi còn được hưởng thêm trợ cấp gạo phát triển rừng theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh. Mức trợ cấp mỗi nhân khẩu được 15 kg gạo/tháng, mỗi năm được trợ cấp 8 tháng.
"Việc thanh toán tiền quản lý bảo vệ rừng đầy đủ, kịp thời nên bà con tin tưởng tuyệt đối vào các chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước. Hưởng lợi từ các chính sách trợ cấp phát triển rừng đã giúp cho người dân có thêm thu nhập, nâng cao trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng", ông Tập vui mừng nói.
Nhưng ý thức bảo vệ rừng của người Cao Lan ở Cao Ngỗi không chỉ vì lợi ích mà còn bắt nguồn từ một ý nghĩa nhân sinh, rằng núi có thần núi, sông có thần sông và rừng có thần rừng… Thần rừng, theo người Cao Lan, sẽ che chở cho đồng bào mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, con cháu khỏe mạnh, người trong bản biết yêu thương đùm bọc lấy nhau… Chính từ lẽ này mà những cánh rừng của bản Cao Ngỗi được bảo vệ xanh tốt, đời sống dân bản ấm no, thay đổi từng ngày.
Ông Vương Văn Vượng, ở thôn Cao Ngỗi, tự hào: "Thôn này chẳng bao giờ thiếu nước bởi vì mạch nước ngầm dồi dào, quanh năm mát lạnh. Trong thôn còn có thác Cao Ngỗi dài hơn 10 km, chảy từ chân núi Lịch qua những cánh rừng già, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân trong thôn và phục vụ sản xuất cho bà con xã Đông Lợi cùng một số xã lân cận. Có được điều đó cũng nhờ vào rừng, rừng có xanh thì nguồn mạch mới tốt".
Chia sẻ với chúng tôi, bà Phạm Thị Diễm Hằng, Phó chủ tịch UBND xã Đông Lợi, cho biết: để nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, hằng năm UBND xã kiện toàn ban chỉ đạo phát triển lâm nghiệp bền vững, giám sát công tác bảo vệ rừng, tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy rừng.
"Cao Ngỗi có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất xã, việc bảo vệ rừng được người dân ở đây thực hiện rất tốt. Hiện chính quyền xã và H.Sơn Dương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn khảo sát, nghiên cứu, bảo tồn thác Cao Ngỗi, phục vụ du lịch sinh thái", bà Hằng thông tin.
Chia tay những cánh rừng ở Cao Ngỗi, chúng tôi tin tưởng thời gian tới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến bản, nhất là phát huy ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của mỗi người dân, những cánh rừng nơi đây sẽ thêm xanh.
Bình luận (0)