Trước đây, rừng bị phá do lâm tặc cưa hạ cây lấy gỗ. Còn nay, rừng bị phá kinh hoàng không chỉ mất đi gỗ quý tự nhiên mà mất luôn hàng ngàn héc ta đất, khi rừng bị phá trắng để lấy đất trồng cây nông nghiệp, làm nhà, mua bán và có cả làm dự án.
Rừng Tây nguyên bị phá dai dẳng bấy lâu nay và ngày càng quy mô, táo tợn. Rừng bị chặt phá, lấn chiếm thì có nhiều nguyên do, nhưng ngay cả những lâm trường, doanh nghiệp (DN) được giao bảo vệ rừng, khoanh nuôi, tái sinh rừng cũng để mất rừng thì không còn gì để nói. Vậy nên, các giải pháp bảo vệ rừng ở các tỉnh Tây nguyên xem ra không hiệu quả. Thực tế đó rất dễ nhận ra, nhưng không hiểu vì sao các tỉnh lại chậm thay đổi cách giữ rừng?
Ở Tây nguyên, có đến hàng trăm DN xin bảo vệ rừng, tái tạo rừng; thậm chí có cả DN ở Đắk Nông được tỉnh trả thêm hàng tỉ đồng để giữ rừng, nhưng cuối cùng DN này lại để mất hàng trăm héc ta rừng. Có DN còn bán cả rừng được giao. Vi phạm của các DN để mất rừng rất nặng, nhưng đến nay rất ít ai bị xử lý nghiêm minh nên không đủ sức răn đe.
Nhiều tỉnh giải thích rằng, các DN được giao rừng lại để mất rừng là do năng lực kém. Thế nhưng, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước thẩm định trước khi giao rừng cho DN đó thì chưa được nhắc đến, đó mới là nguyên do vấn đề; bởi không lý gì có hàng chục DN “năng lực yếu kém” lại ngẫu nhiên lọt qua dễ dàng khâu thẩm định của nhiều cơ quan quản lý.
Sau một vụ phá rừng được nêu lên, trả lời báo chí về nguyên nhân, nhiều địa phương chỉ nói đang điều tra, xác minh làm rõ. Nhưng khi hàng trăm vụ phá rừng, để mất rừng điều tra chưa đến đâu, thì rừng vẫn bị hạ sát từng ngày, như vụ phá trắng gần 400 ha rừng tại H.Ea Súp trong hơn một tuần qua. Rừng ở đây bị phá trắng nhưng chính quyền địa phương không làm gì được, cho thấy sự thờ ơ, bất lực trong giữ rừng.
Một thực tế hiện nay, rất nhiều cánh rừng giàu ở Tây nguyên nằm xuống thì ở đó mọc lên những loại cây ngắn ngày, nhà xưởng, thậm chí đất phân lô. Nạn phá rừng lấy gỗ rồi chiếm luôn cả đất rừng tự nhiên đang đến hồi báo động. Vậy nên dễ hiểu khi ở Tây nguyên ngày nay xuất hiện các nhóm chuyên đi phá rừng lấy đất bán một cách có tổ chức và manh động, gây ra nhiều hệ lụy về sau, nhất là tranh chấp đất đai. Ngăn chặn phá rừng không chỉ giữ được rừng, giữ lá phổi xanh mà còn giữ cho xã hội được yên bình.
Rừng các tỉnh Tây nguyên và khu vực lân cận đang bị “xóa sổ” từng ngày, nguyên nhân rừng bị phá thường được đổ với lý do lực lượng bảo vệ rừng mỏng, địa bàn xa, hiểm trở, chế độ đãi ngộ thấp... “Bài ca đổ lỗi” đó sẽ mãi còn nếu thiếu sự quyết liệt trong việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu các địa phương, lực lượng bảo vệ rừng khi để mất rừng.
Rừng chưa một ngày ngừng chảy máu, đừng thờ ơ nữa!
Bình luận (0)