Giữ rừng dưới… đáy biển

25/08/2009 22:35 GMT+7

Những cánh rừng san hô là nơi sinh sống của hàng trăm loài sinh vật biển. Ở làng biển Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, 6 ngư dân đã viết đơn tình nguyện đứng ra bảo vệ rạn san hô Hòn Đỏ đang có nguy cơ bị hủy diệt.

Chúng tôi đến vùng biển này đúng vào ca trực của ông Phạm Đua (67 tuổi) và anh Trần Văn Nhơn (45 tuổi), 2 trong 6 thành viên của Đội bảo vệ rạn san hô Hòn Đỏ. Từ đỉnh Hòn Đỏ, anh Nhơn chỉ tay ra vùng nước có màu đen sẫm kéo dài hơn 300 mét, nói: “Vùng rạn này nhiều loài san hô, nhất là san hô mềm (người dân địa phương gọi là bông đá - PV) rất đẹp. Những năm trước đây, thương lái khắp nơi kéo về nườm nượp, đặt mua những cành bông đá giá rất cao. Bà con trong làng thấy có tiền nên đua nhau khai thác bông đá không thương tiếc. San hô đưa lên bờ, chất kín dọc bãi biển, sau đó lái buôn đưa về các thành phố lớn tiêu thụ”.

Là người sinh ra và lớn lên ở làng chài Mỹ Hiệp, ông Đua kể: “Chứng kiến cảnh người dân đua nhau đi khai thác, tàn phá san hô tôi thấy đau lòng. Nhiều người dùng chất nổ, đánh mìn để khai thác luôn san hô cứng cung cấp cho một số nhà máy sản xuất xi măng”. San hô bị tàn phá không còn chỗ cho các loài thủy sản sinh sống.

 Rạn san hô Hòn Đỏ - Ảnh do Sở KH-CN Ninh Thuận cung cấp

Rạn san hô Hòn Đỏ - Ảnh do Sở KH-CN Ninh Thuận cung cấp

Đứng trước nguy cơ rừng san hô bị hủy diệt, cuối năm 2003, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận phối hợp với chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) triển khai dự án “Mạng lưới hành động rạn san hô toàn cầu”. Vùng rạn san hô Hòn Đỏ là một trong hai địa điểm của Ninh Thuận nằm trong dự án. Đội bảo vệ rạn san hô Hòn Đỏ ra đời ở thời điểm này. “Khi được cán bộ khoa học phân tích nguyên nhân vì sao các loài thủy sản ở đây bỏ đi, tôi mới hiểu được giá trị của rừng dưới đáy biển. Sau đó, tôi quyết định viết đơn tình nguyện, làm người vác tù và hàng tổng” - ông Đua nói.

Đội bảo vệ san hô Hòn Đỏ phân thành ba nhóm, hai người một phiên trực. Các thành viên trong nhóm đều sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Anh Diệp Nghĩa Hùng, Trưởng nhóm bảo vệ rạn san hô Hòn Đỏ, nói: “Trước đây, khi chúng tôi bắt tay vào công việc, một số người trong vùng phản ứng rất dữ bằng cách hù dọa vợ con, đốt chòi canh của đội... Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chúng tôi thường xuyên tiếp chuyện, phân tích cho dân làng biết cái đúng, chỉ ra cái sai... rồi người dân cũng hiểu”. Hiện trong làng Mỹ Hiệp ai cũng nhận ra rằng, bảo vệ rạn san hô chính là bảo vệ tài sản chung, nơi tạo ra việc làm ổn định cho người dân.

"Qua khảo sát của các nhà khoa học, Hòn Đỏ là một trong những vùng biển có rạn san hô đẹp và đa dạng nhất Việt Nam. Tại đây có trên 334 loài san hô, trong đó có 308 loài thuộc 15 họ; 59 giống san hô cứng, 16 loài san hô mềm, 6 loài san hô sừng, 3 loài thủy tức san hô... Trong tổng số các loài đã được ghi nhận, có 46 loài mới bổ sung vào danh mục san hô Việt Nam” - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải Nguyễn Khắc Hòa cho biết: “Mô hình người dân tự đứng ra bảo vệ vùng rạn san hô Hòn Đỏ rất hiệu quả. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ, vùng biển Mỹ Hiệp đã hồi sinh, đem lại lợi ích kinh tế cho ngư dân”. Để chứng minh, ông Hòa đưa ra con số thuyết phục: Trước năm 2003, hằng năm ngư dân chỉ lặn bắt chưa đến 10.000 tôm hùm con; từ năm 2005 đến nay, họ đánh bắt trên 42.000 con/năm, giá bán dao động 70.000 - 100.000 đồng/con. Khi hỏi về tiền lương cho đội bảo vệ này, ông Hòa cười: “Đã vác tù và hàng tổng rồi làm gì có lương, mỗi người nhận được trợ cấp 300.000 đồng/tháng, nhưng đôi khi dồn hai quý (6 tháng) mới nhận một lần”.

Thiện Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.