Giữ rừng giáng hương cổ thụ

17/07/2016 10:00 GMT+7

Công sức và cả máu của những cán bộ bảo vệ rừng đổ ra để giữ rừng giáng hương cổ thụ.

Hàng trăm cây giáng hương cổ thụ, đường kính trên 1 m, có cây phải vài người ôm mới xuể ở vùng rừng đặc dụng H.Kbang (Gia Lai) đang được những cán bộ bảo vệ rừng canh giữ 24/24 giờ, có nguy cơ thành... truyền thuyết vì lâm tặc.
Ông Võ Ngộ, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa (H.Kbang) - đơn vị được giao giữ rừng giáng hương cổ thụ, nói: “Công sức và cả máu nữa của anh em đổ ra để giữ rừng giáng hương này. Những cây giáng hương cổ thụ không tập trung mà phân bố trên những khoảnh rừng da báo, rải rác trên diện tích rừng hơn 8.400 ha khiến chúng tôi mất ăn mất ngủ”.
Báu vật giáng hương
Theo chân những cán bộ lâm trường, chúng tôi đã có chuyến đi đến những vùng rừng sâu thuộc xã Krong, H.Kbang, tìm đến những vùng rừng còn giáng hương cổ thụ. Tây nguyên đang độ mùa mưa. Trời mới hửng nắng, đột ngột mưa rừng đổ xuống khiến mọi người không kịp trở ra. Đường rừng trơn trượt, dốc lại tiếp dốc khiến ai cũng bở hơi tai. Chúng tôi đi dọc các con suối Nia, T’rang hướng lên phía đầu nguồn con sông Ba. Không ai là không trượt chân, ngã dúi dụi vì đường vào rừng sâu quá trơn. Dù được dặn cột xà cạp bó chặt chân trước nhưng chúng tôi vẫn bị vắt cắn.
Đây rồi! Anh Lô Đình Hồ, người có thâm niên gắn bó với rừng gần 20 năm chỉ cây gỗ cao hơn 30 m, có đường kính hơn 1 m, tán xum xuê. Phải hai người mới ôm hết thân cây giáng hương cổ thụ này. Anh Hồ nói: “Được cây như thế này, tuổi cũng cả trăm năm đấy. Đặc điểm của giáng hương là thường mọc dọc triền núi, ven sông, suối. Phải sau chừng 20 năm, những cây giáng hương mới phát triển mạnh về đường kính cũng như chiều cao thân. Giáng hương mọc rải rác nên đi cả ngày mới gặp được chưa đến vài chục cây”.
Giữ rừng giáng hương cổ thụ 1
Lâm tặc luôn rình rập những cây giáng hương cổ thụ như thế này Ảnh: Trần Hiếu
Phải nói những cây giáng hương có độ tuổi cả trăm năm ở vùng rừng phía tây của H.Kbang là báu vật cũng chẳng ngoa bởi giá trị vật chất và nguồn gien quý giá. Theo thống kê, vùng rừng này hiện có trên 300 cây giáng hương cổ thụ với đường kính trung bình khoảng 1 m trở lên. Ngoài ra, còn có hàng trăm cây giáng hương có độ tuổi từ 5 - 30 năm trở lên.
Đã có những thống kê, khảo sát từ cấp trung ương cho đến địa phương để có những giải pháp bảo vệ nguồn gien quý giáng hương ở khu vực này. Song, đến nay, mọi công tác bảo vệ gần như khoán trắng cho 14 cán bộ lâm trường, luôn túc trực ở các trạm gác rừng và đi tuần để canh rừng. Còn lâm tặc, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, họ đã không còn theo những lối mòn mà cứ cắt rừng mà đi, cắt cử người theo dõi động tĩnh của cơ quan chức năng, chờ cơ hội chặt hạ trái phép những cây giáng hương cổ thụ.
Thức cùng... lâm tặc
Vùng rừng thuộc các xã Krong, Sơn Lang, Đăk Rong, Sơ Pai thuộc H.Kbang (Gia Lai) luôn tiềm ẩn nguy cơ “động rừng” bởi lâm tặc luôn rình rập chặt hạ các cây gỗ quý. Hầu hết những cây giáng hương cổ thụ nằm rải rác trên 7 tiểu khu, được lực lượng chức năng canh giữ 24/24 giờ, kể cả những ngày lễ tết. Loại gỗ nhóm I này hiện có giá khoảng 30 - 40 triệu đồng/m3 với đường vân đẹp, có mùi thơm dễ chịu và ít mối mọt luôn hút hàng. Vì vậy, dấu chân của hàng ngàn lượt lâm tặc luôn rình mò những cây gỗ giáng hương cổ thụ, chờ cơ hội đốn hạ.
Anh Hồ cho biết: “Những cán bộ lâm trường luôn túc trực ở những điểm nóng để đối phó với lâm tặc. Những cây giáng hương cổ thụ hằng năm vẫn cho quả với số lượng lớn. Song, tỷ lệ nảy mầm rất kém khiến số cây giáng hương mọc lên chẳng là bao. Nếu có biện pháp kỹ thuật nào để ươm cây giáng hương nhân giống thì tốt quá”.
“Cán bộ giữ rừng thì chỉ được trang bị bình xịt hơi cay, trong khi lâm tặc ngày càng táo tợn, hung hãn. Chúng tự trang bị nhiều vũ khí nguy hiểm, thậm chí còn có cả súng, sẵn sàng chống trả quyết liệt để bảo vệ “hàng” cũng như thoát thân khi bị phát hiện, truy bắt. Lâm tặc bây giờ canh rừng và canh cả... cán bộ. Hễ sơ hở là chúng ra tay. Nhiều lâm tặc ở các tỉnh miền Trung câu kết với những đối tượng tại địa phương. Công tác bảo vệ rừng vốn khó lại càng khó”, anh Hồ chia sẻ.
“Năm 2015, sau nhiều lần đe dọa, trên đường đi anh Hồ đã bị lâm tặc chặn đường, đánh bị thương. Nhiều cán bộ lâm trường cũng bị lâm tặc đánh tiếng đe dọa. Và chuyện chảy máu rừng giáng hương cổ thụ là điều khó tránh khỏi dù có sự nỗ lực của lực lượng giữ rừng.
Trong hai năm 2013 - 2014, lâm tặc đã lén lút chặt hạ 47 cây gỗ giáng hương với khối lượng 122 m3. Hầu hết các vụ việc khi phát hiện, lâm tặc đã cao chạy xa bay bởi rừng rộng mênh mông, không thể đuổi kịp những kẻ đã đề phòng, chuẩn bị kỹ và đặc biệt là không có bằng chứng cụ thể.
Giữ rừng giáng hương cổ thụ 2
Đường đi vào rừng sâu phải vượt qua suối, qua đường dốc trơn trượt Ảnh: Trần Hiếu
Nghỉ lễ, đón tết trong rừng sâu
Nhiều cán bộ lâm trường, kiểm lâm ở khu vực này hầu hết những ngày tết, lễ đều ở lại canh rừng. Lâm tặc thường lợi dụng thời gian này lén lút vào rừng khai thác gỗ trái phép.
Ông Nguyễn Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, kể: “Lâm tặc lén lút đem cưa lốc vào rừng, cử người theo dõi động tĩnh của cán bộ giữ rừng để tẩu tán, phòng khi bị phát hiện. Chúng dùng dụng cụ tự chế bọc vào nơi phát ra tiếng nổ của cưa máy, sau đó luồn sâu dưới đất để giảm tiếng ồn. Sau khi cưa xong cây, nếu thuận lợi chúng sẽ xẻ phách và gùi gỗ cắt đường rừng mà đi. Ra bên ngoài rừng có đồng bọn tiếp ứng đưa gỗ tỏa đi các nơi. Lực lượng chức năng mỏng nên không phải lúc nào cũng phát hiện”.
Còn nhớ ngày Phụ nữ VN 20.10.2012, 8 đối tượng lợi dụng cán bộ chiến sĩ tổ chức tọa đàm cho chị em phụ nữ ở cơ quan, địa phương nơi đóng chân để vào rừng khai thác cành nhánh gỗ hương. Khi bị phát hiện, truy bắt, chúng đã dùng hung khí tấn công lực lượng bảo vệ rừng khiến 3 cán bộ là các anh Nguyễn Thành Vinh, Lê Thành Công, Bùi Cao Đỉnh bị thương. Riêng anh Đỉnh bị gãy xương bàn hai ngón tay phải, bị thương ở tay trái.
Ông Võ Ngộ đau đáu: “Rừng giáng hương quá quý. Anh em làm công tác bảo vệ rừng cũng tự nhủ bảo vệ cho tốt. Nhiều anh em những ngày lễ, tết có được sum vầy với vợ con đầy đủ đâu. Lương lại thấp nữa, người có thâm niên gần 20 năm tiền lương chỉ có hơn 4 triệu đồng/tháng. Suốt ngày lặn lội với rừng sâu, đối mặt với bệnh tật, sự đe dọa, hung hãn của lâm tặc. Một vài anh em trẻ mới vào làm được vài tháng, chịu không nổi. Vậy là họ xách ba lô lên rồi... đi thẳng.”
Những anh em đi cùng chúng tôi chỉ vào căn lều trong rừng, nơi lõ chõ vài xoong nồi, vài vật dụng tối thiểu nói: “Nơi chúng tôi đón ngày tết, ngày lễ đó. Đi là lâm tặc vào xẻ thịt mấy cây giáng hương cổ thụ này liền”.
Thời điểm này đến gần cuối năm, mưa Tây nguyên càng nặng hạt. Và những bước chân của bao cán bộ, chiến sĩ bảo vệ rừng giáng hương cổ thụ càng gian khó, khổ ải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.