Chia sẻ với Thanh Niên, nhiều y bác sĩ trực tiếp chăm sóc điều trị, cũng như quản lý ở bệnh viện, bệnh viện dã chiến cho rằng cần có những điều chỉnh để giữ sức cho y bác sĩ, bởi dịch bệnh kéo dài, không thể dồn sức “đánh” một lần rồi thôi. Tại bệnh viện, mỗi ê kíp y bác sĩ vào phòng bệnh là kéo dài 6 - 8 giờ mới được ra khỏi phòng. Khoảng thời gian dài này trong buồng bệnh với trang phục kín mít đẫm mồ hôi, khiến họ rất mất sức, nhiều người mệt quá ngồi tựa lưng vào tường dễ bị lây nhiễm. Cần thay đổi, có thể cứ 3 giờ y bác sĩ được ra ngoài phòng bệnh, hít thở khí trời, nghỉ một chút và quan trọng là được thay bộ trang phục khác trước khi vô lại phòng bệnh. Đề xuất này cũng được chính thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM, nêu trong công văn đề nghị hỗ trợ.
Các y bác sĩ tại bệnh viện dã chiến làm việc theo thời gian một tua là 3 tuần, sau đó ê kíp khác thay thế. Trong 3 tuần đó, họ phải làm việc suốt không có trọn 1 ngày nghỉ để tái tạo sức lao động, nên có người xong 1 tua về là... kiệt sức! Do vậy, tại các bệnh viện, cần có sự sắp xếp hợp lý để y bác sĩ có được ngày nghỉ trọn vẹn. Bên cạnh đó, khi hết ca cần có chỗ cho y bác sĩ ăn uống, nghỉ ngơi riêng với khu bệnh nhân, để họ lấy lại sức cũng như tinh thần. Ngoài ra, do bệnh nhân đông, các y bác sĩ phải làm việc liên tục nên thường bữa ăn đa phần là rất trễ. Bữa trưa ăn khi đã sang buổi chiều, mà suất cơm được giao trước đó đã nguội lạnh, người thì mệt nên ăn không vô, thậm chí bỏ bữa. Nhiều người chia sẻ nếu tại những khu điều trị có thiết bị hâm nóng thức ăn, giúp họ ngon miệng để có sức “chiến đấu” thì đỡ biết bao...
Câu chuyện trang thiết bị cho điều trị, bảo hộ cũng chưa phải là đầy đủ. Thực tế này cũng ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của y bác sĩ trong công việc. Không nên quá khắt khe về chỉ tiêu trang phục bảo hộ, để y bác sĩ có thể được thay sau 3 giờ (như nói trên) nếu trang phục đã thấm đẫm mồ hôi, bên cạnh đó là trang bị khẩu trang N95 loại tốt đầy đủ... Trang bị wifi đủ mạnh, để những giờ giải lao, y bác sĩ có thể đọc thông tin, giải trí được thuận lợi.
Do đặc thù ở bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19, y bác sĩ ít gặp lãnh đạo bệnh viện để có thể chia sẻ. Vì thế, lãnh đạo từng bệnh viện dã chiến cần sâu sát hơn, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của y bác sĩ, để cùng chia sẻ, điều chỉnh, tháo gỡ những bất hợp lý, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ mà vẫn giữ được sức cho mọi người. Để y bác sĩ khi trở về với bệnh viện của họ, vẫn còn sức tham gia điều trị chăm sóc người bệnh được tốt.
Dịch bệnh chưa biết khi nào dừng, giữ sức cho y bác sĩ đường dài chống dịch Covid-19 cũng là giúp bảo vệ tính mạng người bệnh, đẩy lùi dịch bệnh!
Bình luận (0)