Cùng với Zara, H&M, thị trường nội địa lại chứng kiến một cuộc chạy đua quyết liệt giữa các “ông lớn” ngoại.
tin liên quan
Uniqlo công bố mở cửa hàng tại TP.HCMThay vì mua hàng qua mạng, chờ cả tháng mới nhận được. Hoặc phải tay xách nách mang khi có dịp ra nước ngoài, giờ đây người tiêu dùng nội địa có thể thoải mái lựa chọn quần áo, giày dép, phụ kiện, mỹ phẩm... của các thương hiệu nổi tiếng thế giới ngay tại VN. Dạo một vòng tại các trung tâm thương mại, đặc biệt là ngày cuối tuần mới thấy, sức hút của Zara, H&M nói riêng và các thương hiệu ngoại nói chung là “vô đối”. Từ trẻ con đến người lớn cứ nườm nượp lựa chọn, xếp hàng thử đồ, xếp hàng thanh toán. Muốn tìm thương hiệu Việt không dễ bởi mặt tiền và các vị trí đắc địa đều được thương hiệu ngoại trấn giữ. Thương hiệu nội lác đác ở phía trong, đa số vắng hoe.
Cuộc sống hối hả, mua sắm hối hả, thư giãn hối hả... chẳng mấy nhớ rằng, VN là “cường quốc” xuất khẩu dệt may từ cách đây vài thập niên. Chúng ta cũng có không ít thương hiệu may mặc chất lượng, uy tín, được nhiều nước ưa chuộng. Thế nhưng, ngay tại sân nhà, chúng ta đang “thất thủ” từ phân khúc cao cấp, tầm trung cho tới hàng giá rẻ.
Mà chẳng riêng gì dệt may, rất nhiều địa bàn, lĩnh vực thị trường nội địa trở thành địa bàn quyết chiến của các thương hiệu ngoại. Nóng hổi hiện nay là mảng bán hàng điện tử. Hầu hết các chợ online hiện đều đến từ nước ngoài, đa phần của Trung Quốc. Đáng nói là do quản lý chưa chặt chẽ nên các trang này công khai bán hàng nhái, giả. Gây khó khăn cho các nhà sản xuất cũng như các sàn làm ăn nghiêm túc.
Dự kiến trong tháng này, gã khổng lồ Amazon sẽ có những cuộc hội thảo trực tiếp với doanh nghiệp trong nước, bàn chuyện đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt thông qua sàn này. Đây được coi là cơ hội lớn của hàng Việt bởi xu hướng của thị trường toàn cầu mua hàng online ngày càng tăng. Thế nhưng nhìn lại, cũng thấy có gì đó “ngậm ngùi”. VN là nước xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, giày dép, dệt may... hàng đầu thế giới từ nhiều thập niên qua. Bán hàng online cũng thịnh hành từ rất lâu, thế nhưng chúng ta vẫn bền bỉ với phương thức xuất khẩu truyền thống. Chỉ đến khi họ chủ động vào chúng ta mới thấy đó là cơ hội.
Còn giờ là thanh toán điện tử. Theo kế hoạch của Chính phủ, đến năm 2020 thanh toán bằng tiền mặt chỉ còn khoảng 10% trong tổng lượng thanh toán. Nên mấy năm gần đây, các hình thức thanh toán điện tử nở rộ. Nhưng vẫn là sự nhanh chân của các công ty ngoại.
Hầu hết các công ty trung gian thanh toán đã được cấp phép chính thức tại VN đều có dòng vốn ngoại. Nếu chúng ta không quyết liệt, sân chơi béo bở này có thể lại là cuộc đua của những doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng thanh toán không phải là hàng hóa, dịch vụ đơn thuần, nếu không giữ chỗ và quản lý tốt có thể xảy ra những hệ lụy. Ở các điểm đến nhiều khách Trung Quốc hiện nay chẳng đang đau đầu về tình trạng thanh toán chui bằng quét mã QR đó sao?
Thị trường nội địa tiềm năng, lẽ nào ta cứ bỏ ngỏ hoài?
Bình luận (0)