Theo tôi, dù ở bất cứ đâu, nhà của chính mình hay ở thuê, đi làm tại công sở, việc tiết kiệm điện đều là cần thiết. Khi đã có ý thức tiết kiệm điện, điều đó cũng dần trở thành thói quen tốt trong nếp sống của mỗi người.
Vốn sinh ra trong gia đình nhà nông ở một tỉnh vùng cao, lại nghèo, từ nhỏ tôi đã có ý thức phải tiết kiệm. từ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập. Khi nhà tôi được lắp điện, cả nhà đều có ý thức tiết kiệm vì lo lắng khoản tiền điện cao, không đủ chi trả.
Tôi vẫn nhớ như in, có những lúc người trong xóm tới thu tiền điện, điện nhà tôi sử dụng hết khoảng 20.000 đồng nhưng khi đó mẹ chẳng còn đồng nào để trả, đành khất nợ. Dù khi đó, cả nhà luôn tiết kiệm, bóng điện nào không sử dụng đều tắt ngay lập tức nhưng số tiền điện vẫn được coi là cao đối với một nhà làm nông, nuôi 3 đứa con tuổi ăn tuổi học. Sau này, khi lên trung học, được nhà trường, thầy cô dạy về những cách tiết kiệm điện hiệu quả hơn. Tôi hiểu rõ tiết kiệm điện năng không chỉ có lợi cho bản thân và gia đình mà còn giúp ích cho đất nước và bảo vệ một trái đất xanh, sạch đẹp.
Từ đó tới nay, gia đình tôi vẫn giữ nguyên ý thức sử dụng điện, nhờ đó mà tiết kiệm được một khoản tiền không hề nhỏ. Sau khi xây nhà tặng cha mẹ trên nền nhà cũ ở quê, nhờ sử dụng các loại bóng đèn sợi đốt huỳnh quang và đèn LED thay thế cho những loại bóng đèn sợi đốt, kiểu cách thời xưa mà nhà tôi tiết kiệm được một khoản rõ rệt.
Do đi làm xa nhà, việc quản lý nhà cửa điện đóm đều do một tay mẹ tôi làm. Ban ngày, tận dụng ánh sáng tự nhiên và nguồn gió thổi từ cánh đồng lúa vào mà mẹ tôi không cần bật thêm bất kỳ một bóng điện nào. Chỉ khi vào mùa hè, nếu quá nóng, bà mới bật quạt điện. Riêng bố tôi, ông tự dựng một cái lán ở góc vườn, kê một chiếc giường nhỏ làm nơi ngủ trưa với làn gió thiên nhiên lúc nào cũng mát rười rượi mà chẳng cần bất cứ thiết bị điện năng nào. Bố tôi bảo, ông vốn không thích ở trong nhà xây bí bách nên dựng một chiếc lán, làm nơi thưởng trà, nghỉ trưa.
Ở quê sân vườn vốn rộng rãi, bố tôi cũng dựng một chiếc lán nhỏ để làm bếp củi và nơi chứa củi. Dù nhiều gia đình ở nông thôn từ lâu đã sử dụng nồi cơm điện nhưng bố tôi vẫn thích nấu cơm bếp củi. Vào những giờ cao điểm như từ 9 giờ 30 - 11giờ 30 và 17 giờ - 20 giờ, nhà tôi đều hạn chế sử dụng điện. Thay vì cắm nồi cơm điện, bố mẹ tôi nấu cơm bếp củi. Dù mất thời gian canh bếp nhưng bù lại cơm ăn dẻo, thơm và rất ngon, hơn nữa lại giúp tiết kiệm điện. Các thiết bị khác như tủ lạnh, quạt điện đều được bố mẹ tôi vệ sinh thường xuyên và kiểm tra kỹ lưỡng để tránh bị rò điện.
Vì nhà ở quê có nguồn gió trời tự nhiên nên bố mẹ tôi từ chối việc lắp điều hòa do thấy không cần thiết. Hơn nữa, ông bà cho rằng, người già nằm điều hòa quá lâu không tốt cho sức khỏe lại vừa tốn kém tiền điện.
Vốn có ý thức tiết kiệm điện từ nhỏ, khi sống xa gia đình, tôi vẫn giữ thói quen sử dụng điện tiết kiệm, tránh lãng phí. Mẹ tôi từng dặn, nếp sống của mỗi con người được hình thành từ chính gia đình, từ việc có ý thức sẽ dần dần trở thành thói quen tốt. Khi ở nhà thuê, chủ nhà cho chúng tôi tự quản lý việc điện nước trong nhà nên tôi vẫn thường xuyên đưa ra những ý kiến để tiết kiệm điện.
Theo tôi, dù ở nhà của chính mình hay khi ở thuê, việc sử dụng điện tiết kiệm đều cần thiết như nhau. Chính vì thế, tôi đã đề xuất đưa ra những yêu cầu với chủ nhà và được thông qua như: Ở những khu vực không sử dụng điện như ban công, hành lang, cầu thang, khu vực bếp chung và nơi để xe, người nào sử dụng xong sẽ phải tắt hết các thiết bị điện. Nếu vi phạm sẽ phạt tiền cho vào quỹ chung. Số tiền này sẽ được gộp vào để chi trả cho người đến dọn dẹp nhà cửa vào dịp cuối tuần.
Những ngày nghỉ lễ, tết, người sử dụng cuối cùng sẽ đảm nhận việc tắt cầu dao để tránh các rủi ro về điện trong thời gian nghỉ lễ. Ngoài ra, tôi cũng gửi những chương trình tiết kiệm điện cho mọi người cùng tham gia như chiến dịch "Giờ trái đất". Tôi cho rằng, bất cứ ai có ý thức tiết kiệm điện lâu cũng đều sẽ tạo thành thói quen tốt. Tôi từng được tham gia chiến dịch "Giờ trái đất: tại ký túc xá của trường Đại học. Thay vì sử dụng điện, toàn bộ ký túc xá đều thắp nến trong một tiếng đồng hồ. Tôi cho rằng, đây là một trong những hoạt động rất thiết thực và bổ ích với tất cả mọi người.
Ngoài ra, ở Hà Nội hiện nay có ứng dụng theo dõi điện đồng thời giúp mỗi gia đình quản lý được số tiền điện của mỗi nhà. Bản thân tôi cũng cài đặt ứng dụng này và chia sẻ với mọi người, khuyến khích người nhà, bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia.
Ở cơ quan tôi làm việc, mọi người đều có ý thức sử dụng điện tiết kiệm như một thói quen. Chúng tôi đặt ra quy định, người thuộc phòng ban nào khi ra về sau cùng sẽ phải tắt thiết bị điện của phòng/ban mình làm việc và cả điều hòa. Nếu ai quên, lần một sẽ bị email nhắc nhở/cảnh cáo. Lần thứ hai vẫn vi phạm sẽ bị phạt tiền.
Đối với tôi, dù ở nhà của mình hay nhà thuê, ở công sở hay bất cứ đâu, tiết kiệm điện sẽ dần hình thành thói quen tốt. Việc tiết kiệm điện không chỉ mang lại lợi ích cho chính mình mà còn cho cả xã hội cho cả thế hệ tương lai và cả hành tinh chúng ta đang sống.
99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: [email protected] hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)