Giữ trần lãi tiết kiệm, room tín dụng... khiến lãi suất khó giảm

17/06/2023 17:05 GMT+7

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ một số lãi suất điều hành từ đầu năm đến nay nhưng mặt bằng lãi suất trên thị trường vẫn khó giảm theo.

Phát biểu tại hội thảo về kinh tế vĩ mô và chứng khoán do Công ty chứng khoán Mirae Asset tổ chức ngày 17.6, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng lạm phát của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay chỉ hơn 2,4% (so với cùng kỳ năm trước tăng 2,43% theo báo cáo của Tổng cục Thống kê) thì lãi suất cho vay của các ngân hàng ở mức 13 - 14% là quá cao. Đồng thời, lãi suất tiết kiệm 12 tháng trở lên khoảng 8,5% và một số ngân hàng nhỏ còn huy động cao hơn thì chênh lệch lãi suất đầu vào với đầu ra cũng vẫn cao.

Giữ trần lãi tiết kiệm, room tín dụng... khiến lãi suất khó giảm - Ảnh 1.

Duy trì chính sách trần lãi suất tiết kiệm và room tín dụng khiến mặt bằng lãi suất khó giảm

NGỌC THẮNG

Nguyên nhân do niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính bị xói mòn sau khi ngân hàng SCB bị kiểm soát đặc biệt nên đòi hỏi mức lãi suất cao mới tiếp tục gửi tiết iệm. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng trong nước có sự chênh lệch lớn về quy mô, quản trị, chất lượng. Những ngân hàng kém vẫn phải tìm cách huy động vốn nên buộc để lãi suất cao. Đặc biệt các ngân hàng nhỏ, quản trị kém lại thường có tình trạng sở hữu chéo nên cần vốn để tài trợ cho các doanh nghiệp liên quan. Vì vậy nhiều ngân hàng không thể giảm lãi suất được.

Song song đó, có lý do trong điều hành chính sách từ phía cơ quan quản lý. Những công cụ hiện đại để điều hành tiền tệ thì dường như không dám làm và không muốn làm. Dẫn đến tình trạng điều hành giật cục, dùng mệnh lệnh hành chính như trần lãi suất, room tín dụng... Đây là những chính sách phi thị trường khiến ngân hàng cần tăng trưởng cao thì không được trong khi những ngân hàng yếu kém thì được cho khiến mặt bằng lãi suất neo cao. 

Lãi suất cao sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn, khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP. Tính đến cuối tháng 5, tín dụng tăng 3,17% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm trước tăng 8,09%). Để đạt tốc độ tăng 14 - 15% cả năm 2023 thì tín dụng sẽ phải tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm.

Trong khi đó, chính sách tài khóa như đẩy mạnh đầu tư công đang được tăng tốc. Cụ thể, theo kế hoạch, vốn đầu tư công năm 2023 là 707.000 tỉ đồng đã được phân bổ chi tiết cho các dự án với 692.000 tỉ đồng, chiếm 98% kế hoạch. Ước tính giải ngân vốn đầu tư công trong 5 tháng đầu năm nay đã đạt 20% vốn Thủ tướng đã giao. Đây là điểm tích cực và lạc quan về chính sách tài khóa vì sẽ không có sự thay đổi như chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, chính sách tài khóa mà chủ yếu đầu tư công mạnh vào lĩnh vực hạ tầng, giao thông chỉ có tác động hiệu quả trong trung dài hạn.

Ông Nguyễn Xuân Thành cũng nhận định, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự báo sẽ có 2 đợt tăng lãi suất từ nay đến cuối năm nhưng theo dự báo của ông, nhiều khả năng chỉ có thêm 1 đợt tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 7 hoặc tháng 9. 

Ngân hàng sẽ được phân bổ hạn mức tín dụng cả năm

Theo Công ty chứng khoán Mirae Asset, khối ngoại đang có dấu hiệu thận trọng hơn và chuyển sang bán ròng mạnh trong tháng 4 - 5. Tuy nhiên tháng 6 thì khối ngoại mua ròng hơn 800 tỉ đồng tính đến ngày 16.6. Việc giảm lãi suất điều hành 0,25% của Ngân hàng Nhà nước đối với tiền gửi có kỳ hạn mới công bố thấp hơn mức giảm 0,5% trước đó nên dự báo khối ngoại bán ròng sẽ thấp hơn giai đoạn trước khi chênh lệch lãi suất đã thấp. Trong khi đó, việc giảm lãi suất sẽ tác động tới việc cải thiện lợi nhuận trước thuế của một số ngành cho nửa cuối năm 2023. Đó là bất động sản, thép và sản phẩm thép, thực phẩm, xây dựng, nuôi trồng thủy sản...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.