Giữa 'bão giá' sinh viên TP.HCM loay hoay chi tiêu, tiết kiệm chỉ ăn 1 bữa/ngày

23/04/2022 13:09 GMT+7

Dù đã cố gắng cân bằng việc chi tiêu cẩn thận với số tiền được gia đình chu cấp mỗi tháng, nhiều bạn sinh viên vẫn loay hoay, có bạn thậm chí ngày chỉ ăn 1 bữa để tiết kiệm giữa "bão giá".

Chật vật tính toán, loay hoay chi tiêu, lấy đầu này đắp đầu kia... dường như đã là một phần tất yếu trong đời sống sinh viên, nhất là những người sống xa nhà. Rồi khi "bão giá" càn quét, cái gì cũng tăng từ giá xăng, giá thực phẩm đến tiền trọ, nhiều sinh viên tại TP.HCM lại càng đau đầu với bài toán tiền bạc.

Tiền lương thấp, hơn một nửa người lao động chỉ đủ ăn đủ sống

PV Thanh Niên thực hiện một "khảo sát bỏ túi" trong giới sinh viên về mức sống tối thiểu và về kế hoạch chi tiêu mỗi tháng của từng người. Tại kỳ họp tháng 7.2019 của Hội đồng tiền lương quốc gia, mức sống tối thiểu được Tổ kỹ thuật tính cho một người trưởng thành ở vùng I như TP.HCM là 4,428 triệu đồng.

Anh Mai Chung Min (20 tuổi, sinh viên trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) cho rằng: “Mức sống tối thiểu này chỉ phù hợp với những bạn sinh viên như mình. Nếu sau này chuyển lên sống ở trung tâm thành phố để đi làm, mình nghĩ mỗi tháng cũng phải tiêu tối thiểu khoảng 7 triệu đồng”.

Bảng chi tiêu mỗi tháng của chị Bích Thy (23 tuổi, sinh viên trường ĐH Kiến trúc TP.HCM)

cao như quỳnh

Đi chơi hết 300.000 đồng, phải ăn mì gói 3 - 4 ngày

Vừa trở về phòng ký túc xá sau giờ học, Thanh Trúc (22 tuổi, sinh viên năm cuối trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) vội mở ra ăn hộp cơm mua từ quán quen gần trường. Phần ăn giá 25.000 đồng gồm 1 miếng sườn nướng, 3 lát dưa leo và bịch “canh đại dương” lèo tèo vài cọng rau. Để no bụng tới chiều, Trúc còn xin cơm thêm miễn phí - “ưu đãi” thường thấy ở các quán ăn sinh viên quanh Làng Đại học.

Không được nấu ăn ở ký túc xá, ăn ngoài là lựa chọn duy nhất đối với Trúc và phần đông các sinh viên khác. Một phần ăn ở khu vực ĐHQG TP.HCM dao động 25.000 - 35.000 đồng. “Cứ nhắm mắt mà ăn thôi, no bụng là may lắm rồi, chắc tại học về đói quá nên tôi ăn thế này hoài mà vẫn thấy ngon như thường”, Trúc đùa.

Mỗi tháng, Trúc được gia đình chu cấp gần 3,5 triệu đồng, trong đó 400.000 đồng tiền ở ký túc xá (bao gồm tiền điện, nước), 2,5 triệu đồng tiền ăn, 200.000 đồng tiền xăng xe, còn lại là các khoản lặt vặt khác như sách vở, sản phẩm chăm sóc da, đi chơi với bạn bè…

Chị Uyên thường làm việc đến 4-5 giờ sáng mới ngủ và mỗi ngày chỉ ăn 1 bữa để tiết kiệm tiền.

CAO NHƯ QUỲNH

“May mà tôi ở Làng Đại học nên mọi chí phí đều rẻ, chứ nếu học ở trung tâm thành phố thì làm gì có giá này. Sau này ra trường mà lương không được 8 triệu thì khó sống ở thành phố”, Trúc giải thích.

Tuy vậy, chị cũng không ít lần lâm vào cảnh “cháy túi” do lỡ tay tiêu quá đà. Chị kể mỗi lần đi ăn uống, cà phê với bạn bè, câu lạc bộ ở trung tâm thành phố thì chị tiêu ít nhất 300.000 - 400.000 đồng. “Khó từ chối lắm vì ngoài học tập ra tôi cũng cần những mối quan hệ xã hội khác nữa, đi chơi xong có khi về ăn mì gói suốt 3 - 4 ngày liền”, Trúc chia sẻ.

Cùng chung hoàn cảnh đó, Bích Thy (23 tuổi, sinh viên trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) đang đếm số tiền ít ỏi còn lại sau khi tốn gần 1 triệu đồng để mua dụng cụ học tập, làm đồ án. Nghĩ tới cảnh sắp đóng 2 triệu đồng tiền trọ cuối tháng này, Thy càng rầu.

Sau này ra trường mà lương không được 8 triệu thì khó sống ở thành phố”, Thanh Trúc (23 tuổi, sinh viên trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM) chia sẻ.

NVCC

Sống trong căn phòng trọ nóng nực chỉ hơn 15 m2 ở Q.Tân Bình, Thy cho biết đây là lựa chọn phù hợp vì gần trường, đỡ tốn xăng đi lại. Để tiết kiệm chi tiêu, chị sống cùng một người bạn và nấu cơm mang đi học.

Cầm 150.000 đồng ra chợ, chị Thy kể mua được 400gr thịt heo, 1 con cá biển và một ít rau củ đủ ăn trong 2 ngày. “Tôi đã cố gắng lựa những món rẻ nhất để ăn rồi mà cũng tốn hết cỡ 2 triệu mỗi tháng chứ ít gì, giờ cái gì cũng đắt đỏ quá. Tôi chủ yếu chỉ đi lại trong thành phố nhưng tiền xăng cũng gần 250.000 đồng”, Thy than thở.

Là con gái, Thy còn dành riêng 250.000 đồng để mua sản phẩm chăm sóc da và 500.000 đồng mua sắm quần áo. Vậy là mỗi tháng Thy tiêu gần 6 triệu đồng cho mức sống ở thành phố. Ba mẹ Thy làm nông, nên những lúc có chi phí phát sinh, Thy phải chắt chiu từng đồng một.

Có lần, sau khi dốc hết tiền ba mẹ gửi để mua máy tính bàn phục vụ cho ngành học Kiến trúc, chị chỉ còn đúng 300.000 đồng trong tay, mà còn gần chục ngày nữa mới đến cuối tháng. Hết cách, Thy đành ăn mì gói qua bữa hoặc chỉ ăn 1 bữa mỗi ngày. “Mới tốn cả đống tiền để mua máy rồi, giờ gọi về nhà nữa tội ba mẹ lắm”, chị tâm sự.

Anh Chung Min (20 tuổi) tham gia chiến dịch Tháng Tư tình nguyện tại tỉnh Ninh Thuận do CLB tình nguyện trong khoa tổ chức

NVCC

Chỉ ăn một bữa để tiết kiệm tiền

Còn đối với Hà Thị Minh Uyên (21 tuổi, học viên ngành thiết kế đồ họa trường Arena Multimedia), 4 triệu rưỡi là số tiền chị được ba mẹ chu cấp để chi tiêu mỗi tháng. Trường học của Uyên ở Q.3 (TP.HCM) nhưng để tiết kiệm tiền trọ, Uyên chọn thuê một căn phòng nhỏ ở TP.Thủ Đức cách trường gần 10km.

Ở cùng một người bạn, tiền trọ mỗi tháng (bao gồm cả tiền điện, nước) của Uyên tốn khoảng 1,5 triệu đồng. Đó là một căn phòng chừng 18 m2 ở cuối hẻm, nhà vệ sinh và bếp dùng chung với 2 phòng khác.

Uyên dành 2,5 triệu đồng cho việc ăn uống và tiền xăng; 500.000 đồng còn lại để mua các đạo cụ phục vụ cho việc học như phông nền, giấy vẽ, màu nước,...

“Mình thường chọn lịch học các môn ở trường vào buổi tối, mỗi buổi sẽ kéo dài trong 2 tiếng rưỡi. Sau thời gian học ở trường, mình về nhà và làm các bài tập thiết kế đồ họa tới 4 - 5 giờ sáng mới ngủ. Để tiết kiệm tiền, cả ngày mình chỉ ăn một bữa chính sau khi ngủ dậy, có đói thì ăn thêm đồ ăn vặt thôi”, chị chia sẻ.

Chị Uyên lý giải, sở dĩ thức khuya như vậy để làm bài tập vì đây là khoảng thời gian có thể tập trung cao độ và có được nhiều ý tưởng sáng tạo nhất. Do khối lượng bài tập nhiều nên Uyên hầu như đặt đồ ăn qua các ứng dụng nếu có mã khuyến mãi.

“Thật ra, 4,5 triệu đồng là khoản tiền chỉ có thể đủ sống ở TP.HCM đối với một người còn đang đi học như mình thôi. Nếu muốn mua sắm quần áo, mỹ phẩm hay đi cà phê với bạn bè thì không được thoải mái lắm”, chị tâm sự.

Ý thức được hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Mai Chung Min (20 tuổi, sinh viên trường ĐH KHXH&NV) đã bắt đầu làm thêm công việc trợ giảng môn văn cho một cô giáo dạy trực tuyến từ năm học lớp 12. Lên đại học, anh nhận thêm việc viết content, mỗi tháng thu nhập khoảng 4 triệu đồng.

Trước đó, anh ở trọ cùng chị gái. Đến đầu năm 2 đại học, chị gái chuyển vào trung tâm TP.HCM để đi làm, anh vào KTX vì tiền phòng chỉ 350.000 đồng/tháng. “Mỗi tháng mình tiêu tầm 3 triệu, 2 triệu rưỡi cho việc ăn uống và 500.000 đồng để trả tiền phòng, điện nước cho KTX. Số tiền còn lại, mình dành để đầu tư quỹ mở, mua sách hoặc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mà mình thấy trên mạng xã hội. Mình nghĩ đây là cách mình trả ơn cho xã hội và san sẻ khó khăn với người kém may mắn hơn”, anh tâm sự.

Do KTX có quy định không được nấu ăn nên anh mua đồ ăn ở ngoài. Một ngày, anh ăn đủ 3 bữa, các bữa ăn đầy đủ chất để có sức khỏe hoàn thành mọi công việc. Min hy vọng trong tương lai gần mức thu nhập của anh sẽ tăng để chi tiêu thoải mái hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.