Giữa 'cuộc chiến' nội bộ, ai đang là đại diện pháp lý của Hòa Bình?

05/01/2023 16:05 GMT+7

Mâu thuẫn nội bộ tại Tập đoàn Hòa Bình trong những ngày đầu năm mới vẫn chưa đến hồi kết nhưng xét về pháp lý, Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải là người đại diện hợp pháp.

Chủ tịch Lê Viết Hải đang là đại diện pháp luật công ty

Trước khi có những lùm xùm xoay quanh việc chuyển giao chức vụ Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Tập đoàn Hòa Bình (BHC), giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi mới nhất do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp ngày 23.12.2022 nêu rõ, người đại diện pháp luật của công ty là ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT.

Theo dữ liệu, Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải hiện là cổ đông lớn nhất tại HBC khi sở hữu 43,91 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ hơn 17% vốn công ty. Tính thêm các thành viên trong gia đình, con số này đạt hơn 22%. Cổ đông lớn còn lại là Huyndai Elevator Co., Ltd khi nắm 26,2 triệu cổ phiếu HBC, tỷ lệ 10,83%.

Ông Lê Viết Hải vẫn đang là Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật của Tập đoàn Hòa Bình

Ngọc Dương

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Phú - thành viên HĐQT độc lập và là người trước đó dự kiến sẽ thay ông Hải nhận chức Chủ tịch HĐQT - hiện không sở hữu cổ phiếu nào tại HBC.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích, xét trên khía cạnh pháp lý thì hiện nay theo giấy phép đăng ký kinh doanh, ông Lê Viết Hải vẫn đang là Chủ tịch HĐQT và là người đại diện pháp luật của Tập đoàn Hòa Bình. Dù trước đó Nghị quyết HĐQT công bố bầu ông Nguyễn Công Phú đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của công ty nhưng thời điểm có hiệu lực hay chuyển giao chính thức cũng chưa thực hiện. Tập đoàn Hòa Bình hiện đang là công ty đại chúng, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nên sẽ tuân thủ theo quy định của luật doanh nghiệp, đồng thời theo điều lệ đã được cổ đông thông qua.

Hiện theo điều lệ của Tập đoàn Hòa Bình, HĐQT có quyền bầu, miễn nhiệm chủ tịch HĐQT; bổ nhiệm, miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng đối với tổng giám đốc... nên việc thay đổi chức danh chủ tịch HĐQT không phải thông qua cổ đông. Vụ "tranh chấp" này có thể nói rằng chỉ diễn ra trong nội bộ HĐQT. Tuy nhiên, luật sư Bùi Quang Nghiêm cho rằng khi cổ phiếu công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán thì nên giải quyết nhanh để tránh ảnh hưởng đến hoạt động công ty cũng như quyền lợi của cổ đông.

Cổ phiếu tăng giá so với cuối năm 2022

Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay (5.1), cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chốt ở giá 9.230 đồng, giảm 380 đồng so với phiên hôm qua. Tuy nhiên, tính chung trong 3 phiên giao dịch đầu năm mới 2023 và bất chấp giữa bão xung đột giữa các thành viên HĐQT, cổ phiếu HBC vẫn cao hơn giá đóng cửa cuối năm 2022 vừa qua.

Hòa Bình đã khẳng định tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng

HBC

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Lê Viết Hải, HBC đã khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực xây dựng dân dụng với nhiều công trình lớn trên địa bàn cả nước. Báo cáo tài chính đến hết tháng 9.2022 của công ty cho thấy doanh thu 9 tháng năm 2022 của Hòa Bình đạt 10.780 tỉ đồng, tăng hơn 47% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận sau thuế của 3 quý năm 2022 cũng tăng hơn 2% khi đạt hơn 74.253 tỉ đồng.

Còn theo giai đoạn 2010 - 2021, doanh thu và lãi ròng HBC tăng bình quân lần lượt 25%/năm và 57,6%/năm. Trong khi đó, bảng cân đối kế toán (giai đoạn 2020 - 2022) ghi nhận tổng tài sản và vốn chủ sở hữu HBC tăng lần lượt 22,7%/năm và 17%/năm.

Hiện nay khi lĩnh vực bất động sản gặp khó kéo theo lĩnh vực xây dựng cũng đi xuống, hàng loạt chủ đầu tư không thể thanh toán tiền đúng hạn đã khiến HBC và nhiều doanh nghiệp xây dựng khác cũng rơi vào tình trạng khó chồng khó. Đây cũng chính là nguyên nhân lớn đẩy giá cổ phiếu HBC cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng khác giảm mạnh so với một năm trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.