Ngày 4.9, Bộ Y tế có Công văn 7330 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành về việc tăng cường quản lý người hành nghề khám, chữa bệnh. Theo Bộ Y tế, có hiện tượng người hành nghề y tự ý bỏ vị trí công tác (nhân viên y tế nghỉ việc), không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được phân công, không đảm bảo nhân lực chống dịch Covid-19.
Nếu có lý do chính đáng
Ngoài việc chỉ đạo phân công công việc phù hợp để đảm bảo nhân lực khám, chữa bệnh, phòng chống Covid-19, kịp thời động viên khen thưởng… thì Bộ Y tế chỉ đạo các Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh việc quản lý người hành nghề tại các cơ sở khám, chữa bệnh, tổng hợp các trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm các quy định về đạo đức hành nghề gửi về Bộ Y tế để tổng hợp, xem xét có hình thức kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với các trường hợp vi phạm.
Trước đó, Sở Y tế Bình Dương ban hành văn bản cho biết Sở này không giải quyết đơn xin nghỉ việc của các viên chức tại tất cả đơn vị trực thuộc, đồng thời nếu viên chức tự ý bỏ việc, Sở sẽ xem xét kỷ luật theo quy định, thu hồi các chứng chỉ hành nghề đã cấp. Nguyên nhân vì Bình Dương thiếu nhân lực chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
|
Liên quan vấn đề trên, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết thủ tục nghỉ việc và kỷ luật nhân viên y tế công lập phải áp dụng theo luật Viên chức.
Theo luật này, thì viên chức được quyền đơn phương chấm dứt lao động trong một số trường hợp cụ thể: Với viên chức ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì chỉ cần tuân thủ về thời gian báo trước (45 ngày). Với viên chức ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong một số trường hợp, trong đó có “Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng”, và cũng phải báo trước cho tổ chức ít nhất 30 ngày. Theo đó, nhân viên y tế họ có quyền xin nghỉ việc theo quy định của luật này.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, nếu việc nghỉ việc của viên chức nhằm trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao là hành vi vi phạm, hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật và không giải quyết cho nghỉ việc.
“Do đó, trong tình hình dịch bệnh phức tạp, Bộ Y tế phải huy động và kêu gọi đội ngũ y tế từ các vùng ít dịch đến hỗ trợ các địa phương tâm dịch, như là một nghĩa vụ về y đức của ngành, nên ai đó vì lý do muốn giữ an toàn cho cá nhân mà xin nghỉ việc vào thời điểm này là chưa phù hợp. Tất nhiên, cũng sẽ có những trường hợp đặc biệt vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình thì việc họ xin nghỉ việc là chính đáng, không thể kỷ luật hay lấy lý do khác luật để cản trở quyền của họ được”, luật sư Hưng phân tích.
Nhân viên y tế bỏ việc sau đại dịch?
Nói về khả năng nhân viên y tế bỏ việc sau đại dịch Covid-19, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng những người có tâm nguyện làm ngành y tế thì họ sẽ không bị ảnh hưởng, không bỏ việc.
“Nhưng cũng có những người không có tâm nguyện hoàn toàn, xem nghề y cũng là một nghề trong cuộc sống, không xem nghề y là nghề cao quý đáng sống thì chắc chắn động lực sẽ mất đi rất nhiều. Bây giờ có nhiều người không muốn làm nữa, nhưng cũng không nỡ bỏ bệnh nhân lúc này”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói thêm.
|
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, hiện ngay cả lãnh đạo y tế quận, huyện họ cũng không ép nhân viên, vì ép quá nhân viên y tế nói không đủ sức làm và xin nghỉ. Nội bộ với nhau cảm thấy đã quá cực, cảm giác rằng không thể nói thêm được nữa; chỉ tiêu cũng quá cao rồi và không thể làm được.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng một trạm y tế có bao nhiêu người (trạm y tế phường 5 - 6 người, trạm y tế xã 10 - 11 người - PV), nhưng trải qua thời gian chống dịch quá dài, có người bị nhiễm, cách ly, có người sau giờ làm phải về với gia đình chăm lo cuộc sống. Nhưng, vấn đề là công việc của nhân viên y tế quá tải so với bình thường: tham gia lực lượng phản ứng nhanh, tổ Covid-19 cộng đồng, lấy mẫu bệnh nhân, cấp cứu tại nhà, tiêm vắc xin... quá nặng nề. Do đó, phải suy nghĩ lại, là giảm tải cho nhân viên y tế đang chống dịch Covid-19.
Bình luận (0)