Sợ con lớn lên thành người xa lạ với mình
Với bản năng “sinh ra từ làng”, yêu thiên nhiên, anh Chu Quang Hoàng (35 tuổi) và vợ quyết định “bỏ phố về quê” ở H.Đa Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) vào năm 2018.
Anh Chu Quang Hoàng (35 tuổi) “bỏ phố về quê” cùng em trai mở farmstay ở H.Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) sau 8 năm sinh sống ở TP.HCM |
NVCC |
Với vợ chồng anh Hoàng, thành quả lớn nhất khi về quê là “lãi” liền tù tì hai bé, một bé gái 4 tuổi và bé trai 2 tuổi - một điều “chưa chắc dám làm” nếu sống ở TP.HCM.
Hai anh em khai hoang toàn bộ lại khu đất rộng 4 - 5 hecta: kéo điện nước, làm đường đi, trồng cây, nuôi cá… |
NVCC |
“Ở Sài Gòn, đi làm từ sáng sớm, rồi xã giao, nhậu nhẹt thì tới 7 - 8 giờ tối, thậm chí 2 - 3 giờ sáng mới về nhà, lúc đó con ngủ mất tiêu. Cứ như thế, thoắt cái con lớn lên thành một người hoàn toàn xa lạ với mình. Còn giờ ở quê, ngày nào bố đi trồng cây, trồng hoa thì con cũng quấn quýt theo sau, thủ thỉ đủ điều”.
Anh Hoàng vốn làm việc trong ngành dầu khí, còn vợ là dược sĩ tại một bệnh viện. Cả hai có cuộc sống thoải mái tại TP.HCM với tổng thu nhập khoảng 50 - 60 triệu đồng/tháng.
Cuộc sống không xô bồ ở quê giúp anh Hoàng có nhiều thời gian gần gũi con cái hơn |
NVCC |
Dùng tiền dành dụm từ trước và tiền bán mảnh đất ở TP.HCM, điều đầu tiên anh Hoàng làm khi về là xây dãy phòng trọ, cho thuê xe chở vật liệu xây dựng để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. “Biết là về thời gian đầu thu nhập giảm đi 10 lần nên trước mắt tôi kiếm kế sinh nhai để lo cho vợ con”, anh cho biết.
Vốn là một chủ shop quần áo ở TP.HCM, chị Đào Thị Trang (29 tuổi) chuyển nghề làm sản phẩm chăm sóc tóc thiên nhiên khi về quê ở tỉnh Bình Phước |
NVCC |
Phần còn lại, anh Hoàng hùn vốn với em trai là Chu Quang Vương (32 tuổi, kiến trúc sư) đầu tư mở khu farmstay - dự định cả hai đã ấp ủ từ lâu. “Mọi người chỉ thấy hình tôi đăng trên Facebook lung linh, còn lúc nhọ nồi chỉ mình biết”, anh cười nói.
Từ một mảnh đất rộng 4 - 5 hecta chỉ toàn cỏ cây, hai anh em phải khai hoang bắt đầu từ việc kéo điện nước, mở đường đi cho đến trồng cây cảnh, xây các khu nhà…
Để ra được thành phẩm, chị Trang dùng gần 20 loại nguyên liệu, đa số là tận dụng, mua lại của bà con làm rẫy xung quanh |
NVCC |
“Thời gian đầu tâm lý hơi chao đảo, may mà có em trai và vợ đồng hành nên vượt qua hết, giờ đã đi 2/3 chặn đường rồi. Tương lai khi hoàn thành farmstay, tôi sẽ kết nối các đầu mối để kéo khách từ Sài Gòn xuống”, anh Hoàng tâm sự.
Ở đâu cũng kiếm ra tiền được
Dù đã dành dụm được 2 tỉ đồng và dự định mua một căn chung cư ở TP.Thủ Đức, năm 2020, vợ chồng chị Đào Thị Trang (29 tuổi) và anh Lê Đức Bim (28 tuổi) đã chọn về quê chị ở Bình Phước sau hơn 8 năm bôn ba tại Sài Gòn. Trước đây, chị Trang là chủ một shop quần áo ở Q.Bình Thạnh. Riêng anh Bim ngoài là kỹ sư công nghệ thông tin cho doanh nghiệp còn kinh doanh ở sàn thương mại điện tử.
Mỗi tháng, ngoài bán trong nước, chị còn xuất khẩu sang Mỹ 1 - 2 đợt sản phẩm, doanh thu khoảng 1.000 USD/đợt |
NVCC |
“Ở Sài Gòn hai vợ chồng vẫn sống thoải mái. Nhưng quá ngán chuyện sáng nào cũng đi làm trong kẹt xe, khói bụi, cuộc sống bon chen, xô bồ, tôi nghĩ đã đến lúc mình nên về ở cạnh ba mẹ”, chị Trang tâm sự.
Trước khi về, đôi vợ chồng đã cân nhắc nhiều nghề để vạch ra lộ trình tương lai. Chợt nghĩ nhiều phụ nữ sau sinh cũng gặp tình trạng rụng tóc như mình, chị Trang bắt tay vào nấu dầu gội, dưỡng tóc thảo dược.
Đam mê làm đầu bếp, anh Trà Văn An (32 tuổi) về TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) mở homestay sân vườn kết hợp dịch vụ ăn uống |
NVCC |
Không quen công việc chân tay, cả hai ban đầu stress vì không thích nghi được với việc đi hái dược liệu, đốn củi... “Ngồi nhìn nồi dược liệu nấu hư, sắp phải đổ đi hết, hai đứa nghĩ ở Sài Gòn cũng không thiếu thốn gì, tự dưng về đây đi rừng, đi rẫy, vừa đen vừa nóng”, chị nhớ lại. Chưa hết, ở những mẻ sản phẩm đầu tiên còn nhiều lỗi, chị phải đền lại khách hoàn toàn miễn phí.
Vợ chồng chị Trang động viên nhau vượt qua, từ từ mày mò ra công thức hoàn thiện. Cứ như thế, việc kinh doanh dần đi vào quỹ đạo sau 3 tháng. Đến nay, chị đã cho ra đời nhiều sản phẩm thảo dược, làm từ thiên nhiên như dầu gội, dầu xả bồ kết, tinh dầu bưởi, nước rửa chén…
Cách phục vụ “khách yêu cầu gì nấu đó” giúp anh An thỏa sức sáng tạo với đam mê nấu ăn của mình |
NVCC |
Chị Trang cho biết mỗi tháng, riêng trong nước bán được hơn 200 sản phẩm, còn khách bên Mỹ đặt từ 1 - 2 đợt, doanh thu khoảng 1.000 USD/đợt.
“Đúng là về quê để hòa mình với thiên nhiên, nhưng không đồng nghĩa với chuyện không lo nghĩ đến tiền bạc. Vợ chồng tôi phải luôn làm việc mới sống được. Giờ thời đại 4.0 rồi, ở đâu cũng có thể kiếm ra tiền được.”, chị Trang giải thích.
Không muốn cả đời quanh quẩn trả nợ
Sau 9 năm sinh sống và làm việc tại TP.HCM, năm 2020, anh Trà Văn An (32 tuổi) quyết định chuyển đến TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) để mở homestay.
Những năm 20 tuổi, mê nghề đầu bếp, anh An lăn lộn ở TP.HCM nhiều năm trời mới tìm được một nơi làm có mức lương được coi là “khá ổn với nhiều người”.
Không khí trong lành, tiết trời se lạnh, lãng mạn là những điều khiến anh An quyết định gắn bó với vùng đất này |
NVCC |
“Tuy nhiên, số tiền lương đó chỉ đủ sống một mình, còn mua nhà hay chung cư ở TP.HCM gần như vô phương. Nếu đi vay ngân hàng, trả góp thì chắc cả đời tôi chỉ quanh quẩn trong việc trả nợ mất. Vậy nên từ lâu tôi không đặt nặng chuyện mua nhà ở TP.HCM”, anh tâm sự.
Sau đợt dịch Covid-19 đầu tiên bùng phát ở Việt Nam, anh tìm đến Đà Lạt – một địa điểm du lịch bản thân yêu thích nhiều năm qua. Ý tưởng mở một homestay mà khi đặt chân đến, khách cảm nhận được không khí gia đình và có thêm dịch vụ ăn uống liên tục xuất hiện trong tâm trí anh.
“Thời điểm đó, homestay ở Đà Lạt đa phần chỉ cho khách thuê phòng để ở. Khâu phục vụ ăn uống ít được chú trọng. Tôi kết hợp hai điều đó lại với nhau, vừa kinh doanh, vừa có thể áp dụng được công việc đầu bếp của mình vào”, anh An chia sẻ.
Nghĩ là làm, anh nhanh chóng bắt tay vào thực hiện, “đứa con tinh thần” của anh ra đời sau 2 tháng lên ý tưởng. Anh dùng tiền tiết kiệm từ công việc đầu bếp ở TP.HCM để thuê một homestay cũ, sửa sang lại theo ý mình. Homestay được thiết kế theo phong cách cổ điển, sân vườn và đã đi vào hoạt động gần 2 năm nay.
Nói về Đà Lạt, anh An cho biết không khí trong lành, tiết trời se lạnh, mức sống thấp là những điều khiến anh “mê đắm” vùng đất này. Với anh An, việc “lạc nghiệp” dù chưa “an cư” không phải là nỗi băn khoăn quá lớn ở thời điểm hiện tại.
“Nếu nói tôi không quan tâm đến việc mua nhà thì không đúng. Tôi nhìn vào thực tế trước mắt, quan trọng vẫn là có nghề nghiệp thật ổn định thì mới tính đến được. Trong tương lai, tôi hy vọng mình có thể mở thêm một chi nhánh nữa để phát triển hơn”, anh An nhận định.
Bình luận (0)