Giữa mùa cô vít - Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Tài

1. Dì Năm cựa mình thức dậy khi nhánh mộc lan cạ vào cửa sổ nghe rèn rẹt. Dì lật đật mở cửa sổ, mắt nhắm mắt mở nhìn ra ngoài, thiếu điều muốn la thiệt to, khi thấy mấy nụ hoa bữa nay nở to đùng như cái chén.

Qua Mỹ gần ba chục năm, dọn tới dọn lui cũng mấy lần. Gắn bó chỗ này vèo một cái đã mười lăm năm, thiệt tình dì hổng muốn đổi đi dù chỗ khác rẻ hơn cả trăm bạc. Một phần vì già cả rồi, dọn nhà cực quá. Thứ nữa là do cây mộc lan bên hiên vắng, cứ mỗi độ xuân là biêng biếc tím, trĩu cành. Đâu có nhiều tiền của như người ta để mua nhà to rộng, có miếng vườn trồng bông củ, ớt rau, nên dì đành lấy của thiên hạ làm niềm vui nho nhỏ lúc tuổi già bóng xế.
Thiệt ra hôm nay dì dậy trễ. Mọi khi giờ này đã ở dưới bếp, lục đục nấu đồ để dượng mang tới tiệm, trưa hai cha con ăn ở đó luôn. Còn dì thì nhà hàng có gì ăn nấy hổng sao. Nhưng mấy bữa nay bên nào cũng đóng hết cả rồi, nên thảnh thơi được một chút ngồi ngắm hoa với gió.
Dì khoác vội cái áo, xỏ dép, chậm chậm bước ra ngoài. Thấy chồng đang cắm mặt vô điện thoại ra chiều chăm chú. Dì đi ngang qua, tính đưa mắt liếc vô một cái coi thử ổng đang làm gì. Mà thôi, kệ chả đi, kẻo lại nói mình xâm phạm quyền riêng tư nữa.
Dì tới mở cửa ban công, thò đầu ra ngoài hít thở ít không khí trong lành. Miệng lầm bầm, năm nay ít nắng, nhiều mưa, nên cái bệnh dị ứng phấn hoa của tui cũng đỡ bớt phần nào. Chứ không chắc hổng dám mở cửa như vầy ông ạ. Vừa nói dứt câu, dì thấy mắt xót quá trời. Rồi dường như có cái gì chặn ngay cuống họng làm thở không nổi. Dì quay mặt vô trong, cúi đầu ho sù sụ.
- Bà... khéo dính rồi hả?
Nghe câu hỏi khó ưa của chồng, dì ứa gan, máu nóng sôi trào, quắc mắt liếc rồi hằn học.
- Ý ông muốn nói tui dính cái gì?
- Thì... thì... bà có đau họng, nóng sốt gì hông? Cơ thể có mệt mỏi đi hổng nổi hông? Nếu có... để tui gọi cho bác sĩ gấp.
- Cái miệng ăn mắm ăn muối thấy ghê. Con già này còn mạnh khù à, đừng có ở đó mà trù. Coi chừng ông dính trước tui thì có.
Dượng nhe hàm răng hổng còn mấy cái ra móm mém cười. Thôi... thôi... tui đùa cho vui. Chứ biết bà khỏe mạnh lắm mà. Mà bà uống cà phê hông? Tui vô pha. Hôm qua con Gòn nó mới đem tới nửa ký cà phê chồn, nghe đồn ngon lắm.
Dì quày quả đi vô nhà tắm rửa mặt, đánh răng. Thiệt hai cha con ông sang cả y chang nhau. Sắp đói rã họng tới nơi hổng lo, còn cà phê cà pháo.
2. Đói thì không tới nỗi, nhưng tình cảnh này cứ kéo dài, sụp chẳng chơi. Bao nhiêu năm sống ở xứ này, đi qua bao trận bão tuyết, lụt lội kinh hoàng, nhưng chưa bao giờ dì thấy cảnh vắng thưa như hồi chiến tranh, ở ngoài đường lẫn trong nhà hàng hay cửa tiệm. Dì suốt ngày cắm mặt dưới bếp nhiều khi không thấy mặt trời. Hết lặt rau, xắt thịt, cuốn chạo tôm, qua quét nhà, rửa chén với xoong nồi. Việc quen rồi nên không thấy cực. Chứ thuê đứa Mễ trẻ trẻ vô, đâu được hai bữa nó chạy có cờ, một đi không trở lại. Tối về tới nhà, thảy bịch đồ lên bàn cho ổng ăn, chỉ kịp tắm rửa rồi vô giường ngáy khò khò. Vì vậy mà ổng chọc hoài, nói bà vô lo, bạ đâu ngủ đó.
Vậy mà cả tháng nay nhà hàng cứ vắng dần... vắng dần... Khách tới ngày một ít. Thường mọi khi tới bữa trưa dì chạy muốn sút quần, vậy mà giờ đâu được năm bàn, ngồi cách xa cả thước. Dì hỏi thằng đầu bếp, nó trố mắt nhìn như cái kiểu bà già này mới rớt từ cung trăng xuống. Ủa, dì hổng biết gì hết ha? Toàn thế giới đang bị cúm Cô rô na. Chính quyền hạn chế đi lại, tụ tập đông người. Nên ai cũng sợ hổng dám ra đường. Cái đà này mà cứ kéo dài, chắc chủ chịu hổng nổi.
Hổng biết chủ ra sao nhưng tụi chạy bàn và phụ bếp như dì đã bắt đầu chết trước. Lương không được bao nhiêu, phần lớn sống nhờ tiền bo của khách. Tụi nhỏ nhà trên trích một ít chia cho dưới bếp. Hôm qua lãnh lương, mọi lúc hai tuần được bảy trăm, bữa nay chưa đầy một nửa. Mấy đứa du học thườn thượt thở dài. Hổng biết mùa sau lấy tiền đâu mà đóng học phí?
Về tới nhà, chưa kịp than với chồng, đã thấy ổng ngồi một đống thù lù, hai vai run lên bần bật.
- Tiệm con Gòn mai đóng cửa rồi. Chánh quyền bảo dẹp hai tuần. Nhưng cái đà này tui nghĩ vài tháng cũng không chừng. Tội con nhỏ.
- Rồi người ta có giảm giá tiền nhà hông?
- Nghĩ sao... Mỹ mà, cứ theo hợp đồng tính.
Dì thấy bải hoải tay chân. Từ cửa vô ghế sofa đâu có bao xa, mà đi hổng nổi. Nó mới biu (1) tiệm mới có hơn năm, khách khứa vừa bắt đầu đông lên, dư chút đỉnh để trả tiền vay nợ nhà băng. Cứ tưởng trời ấm, chuẩn bị cày cuốc hốt tiền. Giờ gặp cảnh này làm sao mà chịu nổi. Con nhỏ cũng lì. Tui đã bảo với nó từ đầu rồi. Thôi cứ đi làm công cho người ta đi. Được đồng nào giữ đồng đó để hậu thân. Suốt ngày cứ lải nhải “phi thương bất phú” như ông chi. Giờ coi, tè lè ra hết.
Giữa mùa cô vít - Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Tài1

Minh họa: Tuấn Anh

Tiệm con gái đóng cửa, cũng có nghĩa là dượng thất nghiệp. Già cả rồi, đã tới tuổi lãnh tiền hưu một tháng vài trăm. Thấy con gái đứng ra làm, dượng bảo thôi để tao qua quét dọn, lau chùi, sẵn tiện coi ngó giùm bây. Một tháng nó cũng cho thêm ít tiền về trả tiền cửa với nhà. Sáng nay nghe nó ngồi than, tự nhiên lòng dạ gì cũng đắng nghét hết.
3. - Má Gòn nè, nhà mình còn được nhiêu tiền?
- Ông hỏi khoản nào? Chợ búa? Phòng thân? Hay dưỡng lão?
Đang rầu mà nghe dì hỏi dượng cũng phì cười ra tiếng.
- Cái dưỡng già ấy.
- Cũng hơn hai chục. Mà tui nghe nói chánh phủ sắp phát cho mỗi người ngàn hai mỗi tháng. Ông với tui được hai ngàn tư. Ở không có đồng ra đồng vào cũng đỡ.
- Ai nói bà nghe vậy?
- Chị Bảy chứ ai. Bả mở du tu bi (2), nghe người ta nói rồi gọi kể tui nghe hồi tối.
- Khéo nghe mấy bà nhiều chuyện. Đâu ra. Bà tưởng người ta in tiền phát cho bà ngồi không ăn chắc.
Như khổng như không bị chồng la, dì thấy hơi quê, muốn cãi, mà thôi, lỡ ổng nói trúng thì sao. Lại được nước lên mặt với mình nữa.
- Chứ ông nói bao nhiêu?
- Mỗi người được một lần thôi. Sau đó coi tình hình ra sao người ta tính tiếp.
Hai từ tính tiếp nghe nhẹ bâng, nhưng giọng của dượng nghe hơi chua chát. Dì ngồi bó gối trên sofa, tay chân miệng mồm gì cũng thừa thãi thấy thương. Giá mà giờ có rổ trầu, cũng ngồi têm một lá rồi nhóp nhép nhai, như má dì hồi nhỏ. Mà cũng hổng biết tới bao giờ mới được đi làm lại. Tuần trước chủ bảo người ta cấm không cho khách vô ngồi ăn nữa, chỉ được mang về hay mình đi giao tận nơi. Mà có khách đâu. Thiên hạ ở nhà tự nấu nướng ăn. Thôi thì đóng cửa cho rồi, mở cửa tốn tiền điện nước. Khi nào tình hình khá lên tính tiếp.
- Ông nói con Gòn chở tụi nhỏ qua chơi. Bữa giờ hổng gặp cũng nhớ.
- Thôi bà ơi. Giờ giới nghiêm hổng cho đi đâu. Số người nhiễm với chết ngày một tăng cao. Mỹ là ổ dịch rồi đó. Với lại nó cũng sợ qua đây rồi bất cẩn lây cho mình nữa. Nghe đâu vi rút ở khắp nơi, áo quần, giày dép, xe cộ đủ thứ. Tụi nó trẻ khỏe không sao, chứ mình già rồi. Dính là đi, xong phim luôn. Hôm qua thằng Mân gọi, tụi nó mới vô viện dưỡng lão đưa anh Bổn về nhà. Cực thì có cực nhưng tụi con cũng ráng thu xếp lo cho ba. Chứ để trong kia, lỡ bị dính kể như tiêu. Tới phút cuối cha con, ông cháu hổng được thấy mặt nhau. Bữa giờ nhiều vụ như vậy lắm rồi dượng ơi. Thảm lắm.
Dì ngước lên nhìn dượng, mắt cứ rưng rưng. Tự nhiên nhắc đến chuyện đó chi, buồn dữ. Một ngày nào đó hổng biết mình có giống vậy không? Già cả đứng đi không nổi, con cháu bận lòng, nó đưa vô viện dưỡng lão nằm cho có người chăm sóc. Dù hổng nói ra, nhưng trong thâm tâm dượng với dì đều biết, ở cái mảnh đất bốn mùa giá rét này không phải là chỗ dung thân cho năm tháng cuối đời. Ngày xưa khổ quá nên coi đó là cơ hội để đi. Mai sau như con voi già tìm về rừng nằm xuống. Ở bển dù sao vẫn còn bà con dòng họ, tối lửa tắt đèn hôm sớm có nhau. Hồi đi có gửi căn nhà với mảnh vườn nhờ cháu họ chăm sóc. Cũng mấy năm rồi không về, hổng biết mọi thứ ra sao. Cây mít, cây xoài với ổi xá lị có còn sai trái trĩu cành? Con suối chảy phía sau lưng vườn, nước có ăm ắp dòng hay trơ đáy? Rồi căn nhà nhỏ mưa xuống có thấm nước vô tường, miếng sân trước còn trồng cỏ hoa hay lát gạch? Gọi về tụi nó bảo, chú an tâm, con giữ gìn kỹ lưỡng lắm. Khi nào chú định về luôn cứ nói con một tiếng, sửa lại chút đỉnh là xong. Nhiều lúc nỗi nhớ xứ thương quê cứ dâng lên trong lồng ngực. Muốn về lắm chứ, mồ mả tổ tông còn bên bển, mấy năm nay không thắp nổi cây nhang. Nhưng con cái còn chưa ổn định. Ráng làm thêm vài năm cho bả đủ lãnh lương hưu rồi về. Chỉ sợ đất khiến trời xui, người này chờ hổng nổi, bỏ người kia ở lại mà đi. Hối còn không kịp.
4. - Nãy ông hỏi tiền chi vậy? Muốn lấy đi nuôi bà giá nào hả?
- Bà chỉ nói bậy là giỏi. Nếu tình hình kéo dài, tui tính rút ra một nửa cho con Gòn xoay xở.
- Ông tính sao thì tính, con gái rượu của ông mà. Tui chỉ biết giữ tay hòm chìa khóa thôi à. Mình già rồi, ăn uống có nhiêu, chục ngàn tiện tặn cũng đủ sống. Mà trưa nay mình ăn cơm với cá cơm kho nhen. Để tui đi vo gạo nấu.
- Ngày nào cũng ba bữa toàn cơm. Ăn riết đường lên cao chót vót.
- Thì ráng ăn cho hết đi. Tui mua cả chục bao trữ trong bếp kìa.
- Tui nói rồi, mua hai bao thôi, chứ có đói kém gì đâu mà hốt về, làm tui rinh vô muốn trẹo xương sống.
Dì lỏn lẻn quay đi chỗ khác, mắc cỡ hổng dám nhìn chồng. Mà hồi trẻ ổng nói phải trái gì dì cũng nghe, tự nhiên sao già cứ hay cãi. Mong cho hết dịch đi làm cho rồi, chứ ở nhà với ổng hoài, có bữa cũng lên tăng xông máu. Nói vậy thôi, chứ có hai vợ chồng già hủ hỉ với nhau cũng vui. Thôi ráng nhịn chả vậy.
Từ trong bếp, dì với miệng nói ra, giọng rất à ơi, nghe chiều âu yếm lắm.
- Tui nặn ly nước cam ông uống nhen. Tui biết là ông thích quýt hơn cam, nhưng ráng đi, có đi chợ búa gì được đâu. Mà ông bớt kén đi. Cái nào cũng nhiều vitamin C, tốt lắm.
Maryland, những ngày giới nghiêm 2020 
(1) Build - xây tiệm
(2) YouTube
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.