Cuốn sách Giữa muôn trùng nguy khó vẫn có nhiều lối ra của Nam Kha (1980 Books và NXB Công Thương vừa ấn hành) là những bí quyết thực tế về những gì tác giả và những người bạn từng gặp phải trong đại dịch Covid- 19. Nam Kha tâm sự tại buổi giao lưu: “Tôi muốn viết cuốn sách này dể dành tặng các bạn đang sống bình yên thì bỗng nhiên bị quật ngã... gãy cánh bất ngờ. Tôi nhớ mãi câu chuyện về nhà phú hộ nọ mất con ngựa quý. Khoảng thời gian đó, mọi thứ đảo lộn nhưng rồi theo vòng tuần hoàn, may mắn cứ kéo đến, khiến ông có cái nhìn tích cực hơn".
Cũng theo tác giả Nam Kha, đại dịch Covid-19 vừa qua ngoài những thiệt hại nặng nề về kinh tế thì nó cũng là cơ hội để chúng ta có thời gian ngẫm nghĩ lại mình. "Phải chăng chúng ta đã sống quá nhanh, gấp gáp trong vòng quay của công việc nên cần có sự điều chỉnh, cập nhật lại bản thân cho thích ứng với tình hình mới? Cuộc sống đôi khi đừng quá sợ hãi, bởi chính quá sợ hãi, con người dễ dàng đánh mất cơ hội tìm lối ra ngay trước nhà mình mà không biết, đó là điều tích cực mà cuốn sách của tôi mong muốn đem lại”, anh bộc bạch.
Hành trình để có được cuốn sách Giữa muôn trùng nguy khó vẫn có nhiều lối ra của nhà văn trẻ Nam Kha cũng đầy nhọc nhằn như tựa đề tác phẩm. “Mỗi ngày lướt qua Facebook tôi hay thấy nhiều người cứ than vãn, mệt mỏi với công việc đầy áp lực. Càng đi sâu vào tìm hiểu, tôi chợt nhận ra các bạn nào hay…than thì có cùng điểm chung là chưa tỉnh táo nhận ra thực tế của mình để tìm cách đẩy lùi khó khăn, tiếp cận cơ hội mới hơn ở phía trước”, tác giả Nam Kha nhìn nhận.
|
Giao lưu với tác giả Nam Kha, cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Hà (ĐH Văn Lang) nhắc lại câu chuyện Tái ông mất ngựa nổi tiếng từ thời xa xưa của Trung Quốc. Để rồi từ đó, người đời sau lập ra thành ngữ: Tái ông thất mã, an tri họa phúc (nghĩa là: Ông lão ở biên giới mất ngựa, biết đâu là họa hay là phúc). Một độc giả khác cho biết rất thích chương Tiền và danh tiếng không đi cùng nhau trong cuốn sách của Nam Kha, cũng như những băn khoăn giữa ngã rẽ kiếm tiền và tạo dựng danh tiếng.
Tác giả Nam Kha đưa ra lời khuyên: “Đừng đi cáp treo đến thành công cho nhanh, bởi lựa chọn cá nhân này không có gì sai, đáng phê phán nhưng sẽ rất tiếc bạn đã bỏ qua nhiều điều thú vị. Nếu muốn rút ngắn thời gian nhất có thể, bạn nên học theo cách làm của Jocki Willink - sĩ quan nghỉ hưu của hải quân Hoa Kỳ. Ông thức dậy sớm mỗi ngày từ 4 giờ 30 phút sáng và đăng bức ảnh đồng hồ của mình lên trang Twitter (có hơn 400.000 người theo dõi). Hành động này vừa truyền cảm hứng, vừa tạo động lực để ông không phá vỡ thói quen của mình. Vì chỉ cần đăng trễ ảnh một xíu là 400.000 người theo dõi sẽ biết ngay, khiến ông rất xấu hổ. Vì nếu hoàn thành công việc đúng hẹn, bạn sẽ có thêm động lực để thành công hơn”.
|
|
Tác giả Nam Kha cũng khuyên mọi người hãy học hỏi nhà sáng chế vĩ đại Thomas Edison đã phải trải qua 10.000 lần thử nghiệm thất bại và đến tháng 10.1879 mới cho ra đời chiếc bóng đèn điện cho nhân loại, nữ văn sĩ J.K.Rowling cũng từng bị từ chối 12 lần trước khi có loạt truyện Harry Potter đình đám, danh ca Beyoncé phải có trăm bài hát mới có Halo, nên không phải cứ vội vàng là sẽ thành công, đôi khi chậm mà chắc. Sau khi thành công rồi thì dù ngồi ở nhà, tiền vẫn tự tìm đến túi…
|
Được biết, nhà văn Nam Kha là tác giả của nhiều cuốn sách kỹ năng sống dành cho giới trẻ: Tuyệt đỉnh bí kíp teen truyền (2017), Bắn tim bí kíp chuẩn teen (2019), Mẹ ơi, ở đâu con mới được an toàn (nhiều tác giả, 2019), Sống xanh không khó (2020), Tuổi dậy thì ti tỉ chuyện (2020)…
Nằm trong sự kiện ra mắt sách Giữa muôn trùng nguy khó vẫn có nhiều lối ra của tác giả Nam Kha, sáng 27.3 còn diễn ra lễ ký kết giữa đại diện công ty Văn hóa & Truyền thông 1980 Books với Hiệu trưởng và Giám đốc Thư viện trường ĐH Văn Lang, tiếp tục bước phát triển mới của quan hệ hợp tác văn hóa lâu dài với nhiều hoạt động thiết thực giữa hai đơn vị, nhằm khơi gợi khao khát tri thức, phát huy tinh thần học tập của sinh viên Văn Lang và người trẻ hiện nay.
Bình luận (0)