Giữa Paris, tôi nghe tiếng súng

Loạt đạn nổ xé trời. Giữa lòng Paris, chúng tôi nghe tiếng súng như trong một cuộc chiến tranh.

Loạt đạn nổ xé trời. Giữa lòng Paris, chúng tôi nghe tiếng súng như trong một cuộc chiến tranh.

Giữa Paris, tôi nghe tiếng súngThắp nến và đặt hoa tưởng niệm nạn nhân thảm sát tại quảng trường République - Ảnh: N.N.M.H
11 giờ ngày 7.1, tôi kết thúc cuộc nói chuyện điện thoại với cô hiệu trưởng nhà trẻ sau khi xin phép cho con gái gần 2 tuổi nghỉ học do bị bệnh thủy đậu. Nửa tiếng sau, dòng tin mới của BBC xuất hiện trên màn hình điện thoại về một cuộc tấn công bằng súng đang xảy ra ở Paris. Tôi bỏ qua vì bận chăm sóc đứa con nhỏ đang sốt gần 40oC. Chừng vài phút, một người thân từ Grenoble, cách Paris 600 cây số, liên tục gọi vào máy tôi. Ông thảng thốt thông báo có một cuộc thảm sát khiến 12 người chết xảy ra ở trụ sở tạp chí châm biếm Charlie Hebdo nằm trên đường Nicolas Appert và chỉ cách nhà trẻ của con tôi trên đường Pélé 1 phút đi bộ.
Như thời chiến tranh
Đến hôm nay, tôi vẫn chưa thoát khỏi những ám ảnh: những kẻ trùm kín khăn đen, tay lăm lăm súng vừa bước đi vừa thản nhiên nã đạn. Tiếng súng liên tục dội lên, đâm thủng buổi sáng mùa đông yên ả của Paris
 
Dù con gái đang ngồi cạnh bên, sự hoảng loạn vẫn xâm chiếm tôi. Tất cả các kênh truyền thông đang truyền tải những hình ảnh gây bàng hoàng cho người Pháp và cả thế giới. Đến hôm nay, tôi vẫn chưa thoát khỏi những ám ảnh: những kẻ trùm kín khăn đen, tay lăm lăm súng vừa bước đi vừa thản nhiên nã đạn. Tiếng súng liên tục dội lên, đâm thủng buổi sáng mùa đông yên ả của Paris. Trong tiếng la hét, một số nhà báo thoát lên mái nhà tòa soạn Charlie Hebdo. Từ trên cao, họ nhìn thấy rõ mồn một bóng đen cầm súng di chuyển thoăn thoắt dưới lòng đường. Giữa lòng Paris, chúng tôi nghe tiếng súng như trong một cuộc chiến tranh.
Tôi đã nhận và gửi nhiều tin nhắn, liên tục gọi điện thoại để chắc rằng mọi người thân của mình đang ở nơi an toàn. Cô bạn thân người Indonesia sống ở Montrouge (Hauts-de-Seine), phía nam Paris, âu lo gọi cho tôi chỉ vì sau một phút chờ đợi vẫn chưa nhận được tin nhắn trả lời. Cô biết nhà tôi nằm trong cùng khu vực hiện trường thảm sát.
17 giờ ngày 7.1, tôi vẫn cố giữ thói quen dắt con tản bộ. Hai đại lộ Richard Lenoir và Voltaire hướng về phía con đường nhỏ Nicolas Appert không còn bình thường như mọi ngày. Dây giăng chặn xe lưu thông vào khu vực, cảnh sát hãy còn vây kín. Mọi người, trong đó có tôi, chỉ có thể bần thần đứng nhìn từ xa. Công viên nằm dọc theo đại lộ Richard Lenoir thường ngày có nhiều trẻ con đến chơi cầu trượt, tịnh không một bóng người.
Chúng tôi cũng không ngờ rằng vào ngày hôm sau 8.1, khi tôi vừa đặt ly cà phê sáng xuống bàn, chưa kịp rời mắt khỏi hình ảnh 100.000 người trên đất Pháp tập trung để tưởng niệm 12 nạn nhân trong cuộc thảm sát thì giọng cô bạn ấy lại thất thần bên kia đầu dây: “Bạn ơi, mình vừa nghe tiếng súng nổ ngay phía sau nhà, thêm một cuộc tấn công, thêm người chết nữa”. Buổi sáng hôm đó, đâu chỉ có tiếng súng ở Montrouge mà còn có tiếng bom ở Villefranche-sur-Saône, nằm trong cùng khu vực Rhône-Aples với Grenoble, nơi tôi có gia đình, người thân cùng nhiều bạn bè. Súng, bom đạn, những cuộc tấn công và mối nguy hiểm đang bủa vây tôi và những người trên đất Pháp, rất gần!
Sát lại bên nhau
Giữa Paris, tôi nghe tiếng súngSách về Charlie Hebdo được bày ngay cửa kính một hiệu sách tại Paris

Ngày 8.1, quốc tang trên toàn đất Pháp. Tôi vẫn dẫn con gái xuống đường. Quảng trường République là nơi mỗi chiều, những đứa bé nắm tay mẹ chập chững tập đi, thiếu niên vui đùa với trò trượt ván, những cô cậu đôi mươi ngồi trên bậc thềm nắm tay hẹn hò. Nhưng lúc đó, quảng trường chỉ toàn nến và hoa. Dòng khẩu hiệu “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie) được viết bằng tay đầy trên nền gạch. Vài trăm người địa phương và du khách cũng đã đến sớm để tiếp tục thắp nến cho đêm tưởng niệm tiếp theo.
Một cảnh sát đến gần tôi, nhắc nhở: “Những ngày này không nên ở đây với con trẻ, cô nên về nhà sớm”. Một cảnh sát khác cố thuyết phục nhóm người vô gia cư đang “cắm trại” kế bên quảng trường chuyển đi nơi khác vì sự an toàn cho chính bản thân họ. “Chúng tôi biết đi đâu?”, họ đã trả lời như thế.
Trong một hiệu sách bên đường, quyển Charlie Hebdo, 1969 les unes 1981 tập hợp 700 trang bìa của tạp chí Charlie Hebdo trong 13 năm, được trưng bày trong tủ kính lộ thiên. Ba trong 5 tác giả góp mặt trong quyển sách đã thiệt mạng dưới họng súng điên cuồng: các họa sĩ Cabu và Wolinski cùng Tổng biên tập Charb. Một phụ nữ lớn tuổi, ngược hướng với tôi, đi như chạy về phía quảng trường République, gương mặt đầy quyết đoán, tay cầm bảng khẩu hiệu viết “Charlie vit toujours” (Charlie sống mãi). Các cửa hàng thời trang của khu vực sôi động Marais nằm giữa quận 3 và quận 4 Paris đóng cửa, theo khuyến cáo của cảnh sát, dù mùa khuyến mãi chỉ vừa bắt đầu. Nhưng một chủ nhà hàng vẫn muốn mở cửa. Ông bày tỏ trên kênh truyền hình TF1: “Tôi cần gặp gỡ mọi người. Mọi người thực sự cần ở bên nhau, lúc này đây”. Cũng như cô gái Pháp ngồi trong quán cà phê “không phải để uống cà phê mà tôi thấy có nhu cầu ra ngoài, ở cùng với mọi người”.
Giờ đây, “cơn ác mộng” những ngày qua của mọi người trên đất Pháp đã phần nào kết thúc, nhưng thực sự thì chúng tôi vẫn không thôi bần thần, không thôi ám ảnh. Chuyện gì đang xảy ra? “Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến tranh chống khủng bố”, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nói, và 3 ngày qua mới chỉ là sự khởi đầu. “Đừng sợ, chúng ta không nên sợ bất cứ điều gì cả. Nên cẩn thận và đối mặt”, những người bạn Pháp nói với nhau như thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.