Những ngày cuối năm, khi nhà nhà sửa soạn đón tết, các quán “cơm hai ngàn” trên nhiều ngả đường Sài Gòn vẫn đều đặn mở cửa. Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) luôn tấp nập dòng người qua lại, và quán cơm Nụ Cười 6 ở số 428 trên con đường này cũng luôn có hàng trăm người đến dùng bữa mỗi buổi trưa.
Đây là một trong 6 quán thuộc hệ thống quán cơm xã hội Nụ Cười trải đều ở quận 1, quận 4, quận 7, quận 10 và quận Tân Phú. Bảng hiệu phía trước quán in biểu tượng nụ cười khá to, kèm dòng chữ “4 món, hai ngàn đồng; bán từ 11 giờ 15 từ thứ hai đến thứ bảy; phục vụ người lao động nghèo và sinh viên nghèo”.
tin liên quan
Nơi độc nhất ở Sài Gòn xóm chài 40 năm người người bắt cá đổi cơmSài Gòn hoa lệ, có sông bao bọc nhưng ít ai nghĩ giữa thành phố phát triển lại có một làng chài nhỏ. Gọi là xóm chài thì đúng hơn khi chỉ còn vài ba hộ gia đình ở giữa cầu Bình Triệu cũ hình thành cách đây hơn 40 năm, thuộc quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Cho - nhận đều vui
Dù bán mỗi suất ăn chỉ với giá 2.000 đồng nhưng không gian quán được sắp đặt khá tươm tất. Từ khu vực bếp đến bàn ăn luôn được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát. Quán còn có nhà vệ sinh, phòng tắm cho khách sử dụng khi có nhu cầu.
Nhà báo Nam Đồng, nguyên Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM, là người tiên phong mở hệ thống Nụ Cười. Bây giờ dù đã gần 70 tuổi, việc đi lại khá khó khăn vì lý do sức khỏe nhưng ngày ngày ông vẫn chở vợ trên chiếc xe máy cũ kỹ lui tới các quán lo công việc điều hành. Vợ chồng ông đang phụ trách quán Nụ Cười 1, 2 và 6; còn các quán Nụ Cười 3, 4 và 7 do các cộng sự của ông phụ trách.
Nói về hệ thống Nụ Cười, ông tâm sự: “Nụ cười dường như là điểm bắt đầu của yêu thương. Đó là lý do chúng tôi đặt tên quán là Nụ Cười. Một mình tôi không thể nào làm được công việc này để giúp đỡ được phần nào cho những người nghèo. Nụ Cười là tấm lòng sẻ chia của cả cộng đồng xã hội”.
|
Cái cách mà Nụ Cười giúp đỡ, chia sẻ với đồng bào cũng có nhiều nét tinh tế. Ấy là làm sao để người nhận luôn thấy sự ấm áp, trân trọng. “Chúng tôi không phục vụ miễn phí vì sợ làm như thế thì mọi người đến ăn sẽ ngại, xem đó như là của bố thí.
Dù tiền thu được chỉ đủ trả tiền điện cho quán nhưng điều quan trọng nhất là người nghèo đến với quán đều được phục vụ chu đáo như những vị khách bình thường trong các quán cơm khác. Ở Nụ Cười, khách và chủ cũng có mua bán hẳn hoi chứ có xin xỏ, ban phát gì đâu. Vì thế mà quán phục vụ cũng thấy vui mà người nghèo cũng thấy ấm lòng vì được sẻ chia”, nhà báo Nam Đồng chia sẻ.
tin liên quan
Hai ông Tây 'rỗi hơi' điều tiết giao thông vui nhộn ở trung tâm Sài GònHai du khách nước ngoài vừa cầm còi thổi inh ỏi cạnh đèn tín hiệu vừa hướng dẫn nhiều người đi bộ sang đường tạo cảnh tượng ngộ nghĩnh, đáng yêu tại một giao lộ ở trung tâm Sài Gòn.
Tình thương lan tỏa
Mỗi quán Nụ Cười là một câu chuyện của nghĩa tình mà chẳng thể nào đo lường hết được sức chứa của những trái tim yêu thương đang âm thầm lan tỏa khi cùng hướng đến những cảnh đời nghèo khó. Khi đến với “cơm hai ngàn”, tôi nhận thấy một điều đặc biệt.
Những vị khách dù không hề quen biết nhau trước đó nhưng khi đến quán ăn cơm đã ngồi tâm tình với nhau rất lâu. Hỏi ra mới biết họ không chỉ khó khăn về điều kiện mưu sinh mà gia cảnh nhiều người còn đơn chiếc, sống rày đây mai đó nên ít khi có người bạn đồng hành để sẻ chia, tâm tình.
Ở Nụ Cười giữa đất Sài Gòn, dẫu chỉ qua một đôi lần tình cờ gặp nhau, ngọn lửa tin yêu cuộc đời dường như được nhen nhóm trong mỗi con người nghèo khó và nơi này có lẽ họ cảm nhận điều đó đủ đầy hơn ở bất kỳ nơi nào khác.
Suất ăn của Nụ Cười luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng từ phần cơm đến thức ăn, món tráng miệng và thực khách luôn được phục vụ tận tình, chu đáo. Có những tình nguyện viên đã miệt mài gắn bó với quán suốt nhiều năm qua. Cô Sang, 60 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, là một trong những người như thế. Cứ mỗi sáng sớm, cô được chồng chở đến Nụ Cười 6.
Tất bật cùng lo toan nấu nướng, phục vụ khách đến tầm 2 giờ chiều thì chồng lại chạy xe máy đến đón về. Công việc của cô Sang cũng như các tình nguyện viên khác ở Nụ Cười luôn trọn vẹn và vui vẻ. Họ đã dành nhiều thời gian và công sức để quan tâm, chăm lo cho những người nghèo bằng cách riêng của mình.
Tôi luôn thấy họ rạng rỡ nụ cười. Nụ cười ấy dường như bắt nguồn từ tâm hồn trào dâng lòng nhân ái và đồng cảm chân thành. Sự sẻ chia ấm áp nơi những quán cơm hai ngàn như một bờ vai tin cậy. Tôi nghĩ nhờ đó mà những cảnh đời đang vật lộn với cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người ít nhiều vơi đi bao nỗi nhọc nhằn, lo toan.
Tình thương đã thật sự vun đắp cho tình thương. “Cơm hai ngàn” giờ đây đã lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành khác trên khắp cả nước như tiếp thêm niềm tin yêu cho những cảnh đời có thêm nghị lực vượt qua khó khăn, thử thách trên hành trình mưu sinh.
Bình luận (0)