Ở lô S cư xá
Thanh Đa không ai xa lạ với bà Sáu ở gầm cầu thang dưới tầng trệt. Bà Sáu có 8 người con (4 trai, 4 gái) đều có điều kiện kinh tế và mong muốn đón bà về chăm sóc. Nhưng cứ đón hôm trước, hôm sau bà lại đi bộ hoặc đón xe ôm về lại gầm cầu thang này.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (47 tuổi, con út bà Sáu) cho biết, bà Sáu bị lẫn nhưng ở khu vực này đã lâu nên cả
chung cư ai cũng thương. Từ ngày còn khỏe cho đến bây giờ, từng bước đi khó nhọc, nhưng hễ rảnh là bà lại lấy cây chổi nhỏ dọn dẹp sạch sẽ "căn nhà" của mình và khu vực xung quanh.
Theo lời bà Mai, ngày trước, bà Sáu làm việc cho công ty dịch vụ công ích, công việc hằng ngày là quét dọn quanh chung cư. Từ khi nghỉ hưu và bị lẫn, bà "buồn tay, buồn chân" nên trưa nắng chói chang cũng ngồi giữa lối đi để quét đất cho sạch
|
Thấy mẹ già ở mãi đây không chịu về sống cùng con cái, các con của bà đã sơn sửa khu vực gầm cầu thang thành một "căn hộ" mini để bà có chỗ để đồ đạc và vật dụng cá nhân. Nhưng hễ con cái sắm gì cho bà, vài hôm sau thấy ai khổ đi ngang bà lại gọi vào cho hết sạch
|
Chiếc nệm được các con chuẩn bị bên trong "căn nhà" nhưng bà Sáu gấp lại cho bớt bụi vì rất ít khi bà vào trong này ngủ. Bà Sáu thường nằm ngủ ở ngoài vì thoáng và gió sông mát mẻ. Bà Sáu nói: "Ở đây quen rồi đi nơi khác không ở được"
|
Trước năm 1981, bà Sáu có căn nhà ở tầng trệt của cư xá. Sau khi chồng mất, bà bán nhà để chăm lo cho 8 người con ăn học rồi dọn ra gầm cầu thang ở. Bà Sáu ở đây lâu, hiền lành và tốt tính nên ai cũng quý mến. Gần đây, do tuổi cao bị lãng nên nói chuyện thường không đầu, không cuối. "Có khi vừa ăn cơm xong bà cũng bảo là lâu rồi chưa được ăn gì, chúng tôi chia ca với nhau để nấu cơm, chăm mẹ chứ không phải bỏ bê bà. Do bà thích ở đây vì quen thuộc và không gò bó thôi", con gái bà Sáu chia sẻ.
|
Khi có người tới thăm, bà Sáu luôn miệng nói: "Tôi có 8 đứa con, đứa nào cũng giỏi, cũng ngoan. Nhưng tôi thích ở một mình hơn. Ở đây quen rồi". Bà Sáu thường nhớ về chuyện của quá khứ, về căn nhà trước giải phóng ở chợ Bà Chiểu, nhưng lại không nhớ được chuyện vừa mới xảy ra
|
Cuộc sống của bà Sáu hằng ngày quanh quẩn bên chiếc giường 1,2m. Hết nằm, lại ngồi, rồi lại cầm chổi đi quét dọn cho nhanh hết một ngày. "Căn nhà" này cũng chẳng có gì, có duy nhất chiếc giường và một chiếc kệ để ngăn với bên ngoài đặt phía đầu giường, bà Sáu dùng để bỏ những đồ linh tinh
|
Con trai của bà Sáu có một người làm thợ hồ, thấy mẹ nhất quyết không chịu về ở với các con nên đã lót lại gạch khu vực này, sửa sang, cải tạo, xây thêm nhà vệ sinh gần đó để bà tiện sinh hoạt. Nhưng một người hàng xóm cho biết, vì bà bị lãng nên thường tiện đâu thì đi vệ sinh ở đó
|
Bà Mai Trang (cư dân lô S, cư xá Thanh Đa) kể: "Ngày xưa bà phụ bán cháo lòng, giờ hàng tháng con cháu cho tiền bà để xài. Bà lẫn nên có cái tật hay đi bẻ cây cối xung quanh nên hàng xóm ai cũng thông cảm. Tôi thấy con gái, con dâu qua đưa cơm đều đặn cho bà chứ không bỏ rơi bà như mấy trang mạng viết đâu"
|
Bà Kim Anh (cư dân lô S cư xá Thanh Đa) cũng cho biết: "Bà Sáu không chịu về chứ không phải con cái không đón. Cầu thang này bà ở lâu rồi ở đây ai cũng biết hết. Ngày xưa bà quét rác, xong bà về hưu, bà muốn tự do tự tại chứ không phải cô đơn đâu. Năm mới 6 tuổi tôi biết bà. Bà ở đây ai cũng quen, bà hiền lành nên để bà ở"
|
Một góc nhỏ ở gầm cầu thang, bà để đủ thứ lặt vặt và con cái thường xuyên qua dọn dẹp. Người con gái bà Sáu cho biết các anh chị em trong nhà không dám cho bà nhiều tiền vì bà không biết xài tiền nữa, đưa bao nhiêu tiền bà cũng cho người ta hết. "Có lần đưa bà 500 ngàn rồi bà tự bắt xe ôm đi về khu nhà cũ, cả nhà tôi cuống lên đi tìm, thở không ra hơi. Sau lần đó ai cũng sợ"
|
Hàng chục hộ ở gầm cầu thang cư xá Thanh Đa
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND P.27 cho biết có hàng chục trường hợp người dân sống ở gầm cầu thang của các lô chung cư tại cư xá Thanh Đa.
Theo lãnh đạo UBND phường, có những trường hợp người dân đã ở gầm cầu thang từ rất lâu. Một số trường hợp ngày trước có điều kiện nên thuê căn hộ của cư xá do Công ty dịch vụ công ích quản lý, sau này khó khăn nên trả căn hộ rồi ra gầm cầu thang ở.
"Đặc thù của cư xá Thanh Đa là lâu đời, một số trường hợp khổ quá không có chỗ ở cũng không có tiền thuê nhà trọ nên người ta quây gầm cầu thang thành nơi ở, rải rác ở cả lô số và lô chữ. Khu phố nắm những trường hợp này và thấy họ có
hoàn cảnh khó khăn nên để họ ở tạm", vị này nói.
Được biết, 8 lô số tại cư xá Thanh Đa đang triển khai bồi thường để chuẩn bị làm
dự án, dự kiến sang năm việc bồi thường, bố trí tái định cư cho các hộ dân sẽ hoàn tất. 14 lô chữ hiện nay cũng đang trong quá trình chuẩn bị thực hiện dự án. Do vậy, tất cả các trường hợp lấn chiếm gầm cầu thang để ở sẽ được giải quyết chung với việc
giải tỏa.
Lãnh đạo phường thông tin: "Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo
điều tra dân số những trường hợp có nơi ở vậy vẫn tính là có nơi ở. Đây là điều hợp lý vì họ có chỗ ăn, chỗ ngủ đảm bảo. Tuy nhiên, khi xem xét giải tỏa, những hộ này thuộc diện lấn chiếm gầm cầu thang để ở nên sẽ không được bố trí tái định cư. Một số ít trường hợp lấn chiếm và có xây vách, gắn thêm máy lạnh như một căn hộ thu nhỏ chúng tôi sẽ xem xét thêm, có thể là hỗ trợ một phần nhỏ".
Bình luận (0)