Giường bệnh tuyến T.Ư quá tải

20/07/2022 18:16 GMT+7

Tại Việt Nam, đang có tình trạng quá tải giường bệnh tại một số bệnh viện tuyến T.Ư, tỷ lệ bác sĩ/1.000 dân còn thấp, chi tiêu tiền túi cho y tế ở mức cao, ảnh hưởng tiếp cận dịch vụ y tế của người bệnh.

Hôm nay 20.7, Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) và Công ty AstraZeneca Việt Nam đã ký kết ghi nhớ cùng thực hiện chương trình “Hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế Việt Nam” (PHSSR) giai đoạn 2022 - 2025.

Giường bệnh tại một số bệnh viện tuyến T.Ư đang quá tải

Bảo Cầm

Theo kế hoạch, Viện Chiến lược và Chính sách y tế sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, khuyến nghị các giải pháp chính sách theo 3 mục tiêu chính, trong đó bao gồm củng cố tính bền vững của tài chính y tế; đảm bảo khả năng tự chủ cung ứng thuốc và vắc xin của Việt Nam; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại các cơ sở y tế.

Bản ghi nhớ hợp tác này nối tiếp giai đoạn thí điểm chương trình PHSSR toàn cầu năm 2020 - 2021.

Theo báo cáo nghiên cứu của PHSSR giai đoạn 2020 - 2021, tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại Việt Nam rất cao, khoảng gần 100%, đặc biệt tuyến T.Ư và tỉnh dẫn đến quá tải nghiêm trọng.

Quy mô nhân lực y tế của Việt Nam tăng nhẹ, từ 0,73 bác sĩ/1.000 dân (năm 2011) đạt 0,88 bác sĩ/1.000 dân vào 2019. So với Nhật Bản, tỷ lệ này là gần 2,5 bác sĩ/1.000 dân (năm 2016).

Đáng lưu ý, chi tiêu từ tiền túi của người dân cho y tế còn ở mức cao, với tỷ lệ là 44,9% (năm 2018). Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ này nên dưới 30%, để đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế.

Thông tin mới nhất từ một số bệnh viện đầu ngành tuyến T.Ư cho biết, tại một số khoa phòng, các bệnh nhân nội trú đang phải nằm ghép 2 - 3. Có bệnh viện, số người đến khám đã tăng cao như thời điểm năm 2019 - 2020 với 5.000 - 6.000 người đến khám mỗi ngày.

Tại lễ ký kết, các bên tham gia PHSSR bày tỏ kỳ vọng trong giai đoạn này khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt, chúng ta cần tận dụng cơ hội để giải quyết các nhu cầu vốn cũng rất quan trọng và cấp bách khác như chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, hô hấp… hay đảm bảo khả năng duy trì liên tục nguồn tài chính y tế và thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; góp phần củng cố toàn diện hệ thống y tế, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển và sản xuất thuốc trong nước, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cơ sở

GS - TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: “Hơn 2 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc đẩy lùi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hệ thống y tế bị ảnh hưởng nặng nề trước tác động của dịch bệnh và những tồn tại từ trước. Do đó, việc đánh giá toàn diện hiện trạng của hệ thống y tế và rút ra những bài học từ kinh nghiệm thực tiễn là rất cần thiết”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.