Nhiều bạn nhỏ hiện xài tiền hết sức... “chuyên nghiệp”, thậm chí xài sang đến mức “như nước” nhưng lại chưa biết cách xài tiền hợp lý và đúng mục đích.
Phần lớn bạn nhỏ trong diện này được cha mẹ hào phóng cung cấp tiền bạc tương đối đầy đủ mà không có điều kiện lượng giá xem con mình đã sử dụng tiền thế nào. Có người vì quá thương con nên không muốn con yêu thiếu tiền trong túi. Điều này vô tình làm các bé tự do xài cho hết tiền được cấp. Có thể nói các bạn nhỏ ấy không có lỗi gì khi sử dụng những đồng tiền cha mẹ mình tạo nên. Tuy nhiên, người lớn không thể quên giáo dục bé dù sống trong no đủ, thậm chí trong “nhung lụa”, vẫn cảm thấy quý trọng đồng tiền, sống sung sướng mà không sợ khổ, sống giàu sang vẫn biết sẻ chia...
Tiết kiệm để làm gì...
Nếu trẻ nhỏ chê tiền lẻ Thực tế một số trẻ nhỏ không thích được cha mẹ cho tiền lẻ vì thấy bất tiện trong việc cất giữ hoặc một số bé chê tiền nhỏ. Thói quen không nhận tiền lẻ có thể làm các bé trở nên “trịch thượng” với tiền, có thể trở nên cao ngạo khi có nhiều tiền, trở nên dị ứng với những công việc hoặc những người phải xài tiền lẻ. Các bé sẽ ngao du trên mây với ước vọng có thật nhiều tiền một cách nhanh chóng... |
Nhiều bậc cha mẹ vì thương con nên cho tiền bất cứ lúc nào con đề nghị, hoặc vì cảm thấy mình ít bên con nên cho con tiền như một hình thức bù đắp... Nếu chỉ cho con tiền như một hình thức khẳng định mối quan hệ với con thì các con sẽ không biết mua sắm cái gì, xài tiền thế nào vì các bé đâu có thiếu thốn, hoặc bé có thể dùng tiền mua bất kỳ thứ gì mình thích, hoặc dùng tiền theo... cảm xúc.
Tập cho bé biết tiết kiệm và giúp bé biết sử dụng tiền tiết kiệm hợp lý là một trong những hình thức nhẹ nhàng để hình thành thái độ tích cực với đồng tiền. Tiết kiệm rất tốt nhưng biết tiết kiệm để làm gì càng tốt hơn.
Lên kế hoạch cùng con
Cho con tiền, cha mẹ cần biết con sẽ làm gì và như thế nào với số tiền, không phải bằng những câu tra hỏi hoặc yêu cầu phải “quyết toán” hằng tuần, hằng tháng, mà có thể bằng việc trao đổi cởi mở, đùa vui với con về kế hoạch dùng tiền. Có định hướng sử dụng tiền theo nhu cầu sẽ giúp con chủ động thích ứng với hoàn cảnh và thực hiện các hoạt động của mình một cách dễ dàng... Chính điều này giúp các bé biết trân trọng những đồng tiền mình được cha mẹ phát cho và cảm thấy tự hào khi tự lập sử dụng đồng tiền một cách có ích!
Bà Trần Thị Thu, Q.11, TP.HCM, rất thích thú với ý tưởng tiết kiệm tiền để mua bộ đồ chơi điện tử của đứa cháu 8 tuổi, dù bà không thích cháu chơi điện tử lắm nhưng ý tưởng cụ thể của cháu khiến bà sung sướng. Cha mẹ cũng có thể giúp con dùng tiền mua sắm vật dụng phục vụ việc chăm sóc bản thân, trang bị phương tiện học tập hoặc nộp tiền quỹ lớp, ủng hộ các chương trình xã hội, từ thiện... Qua đó các bé sẽ thấy có trách nhiệm hơn, quan tâm đến mình và người khác một cách có ý thức. Từ đó, các bé sẽ trở nên linh hoạt và hướng thiện hơn từ những hành động cụ thể.
Ở khía cạnh khác, việc sử dụng tiền của người lớn sẽ như một kinh nghiệm sống, một thực tiễn sinh động để bé nhận thấy hành trình gian khổ của việc kiếm tiền và việc... cân nhắc để xài tiền từng ngày. Nhiều người giàu có không hoang phí trong chi tiêu, không dùng tiền không rõ mục đích hoặc không lành mạnh, nhưng sẵn sàng chi rất nhiều tiền cho các hoạt động mang lại tiện ích hoặc niềm vui cho người mình thương mến, quan tâm... Điều này cũng làm bé “thấm” được cách thức sử dụng tiền hiệu quả và ý thức được giá trị đích thực của đồng tiền.
Cha mẹ và người lớn có thể giúp các bạn nhỏ quan tâm chia sẻ với người khác thông qua những mối quan hệ thân thuộc trong gia đình, họ hàng... Chính bằng hành động cụ thể, việc giáo dục các cháu nhỏ cách thức ứng xử với tiền, biết trân trọng đồng tiền mới có thể đạt hiệu quả cao trong các gia đình hiện nay.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)