Giúp con thoải mái trở lại trường sau thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19

09/05/2020 20:08 GMT+7

Làm thế nào để học sinh có tâm lý thoải mái khi trở lại trường sau thời gian dài nghỉ ở nhà để phòng dịch Covid-19 là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm.

Chị Nguyễn Thị Minh Hiệp, có con trai đang học lớp 7 của Trường THCS Rạng Đông, P.12, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), chia sẻ: “Đầu tuần sau là con đi học trở lại rồi nên mình thấy con có vẻ hơi lo lắng. Chính vì vậy, mấy hôm nay mình cũng rất quan tâm và theo dõi con rất sát”.
Cụ thể chị quan tâm ra sao? “Mình nói với con nên xem việc đi học trở lại là chuyện bình thường, không có gì phải lo lắng cả. Nếu muốn đi chơi thư giãn đâu đó thì cuối tuần mẹ sẽ dẫn đi cho thoải mái”, chị Minh Hiệp nói.
Chị Minh Hiệp chia sẻ thêm: “Để con có sức khỏe mình cũng tập trung lo về dinh dưỡng sao cho đủ chất, nhắc nhở con ăn uống, ngủ nghỉ điều độ và siêng tập luyện thể thao để có sức khỏe và tinh thần sảng khoái để học tập tốt hơn”.

Phụ huynh cần tạo tâm lý thoải mái cho con em mình khi quay lại trường học

Lê Thanh

“Mình đã hứa với con trai là chủ nhật tuần này được nghỉ làm sẽ chở hai mẹ mua sắm ở siêu thị. Sau đó, dẫn con trai đi ăn các món mà con thích đó là gà rán và buffet kem”, anh Phạm Thái Châu, ngụ tại 4/5/8 đường số 10, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức (TP.HCM), phụ huynh có con đang học lớp 5 Trường tiểu học Bình Triệu, Q.Thủ Đức, bộc bạch.
Anh Châu cũng cho biết: “Mấy bữa nay hai vợ chồng mình cũng thay phiên kiểm tra lại bài vở, kể cho con nghe những câu chuyện hay để giúp con tự tin hơn trước khi trở lại trường sau một thời gian dài nghỉ phòng dịch Covid-19”.
Do bận buôn bán nên không có điều kiện và thời gian để đưa con đi chơi xa, chị Nguyễn Thị Hằng, có con đang học lớp 6 tại Trường THCS Phú Mỹ, P.19, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết: “Tuần sau là con đi học lại rồi, cho nên dù bận nhưng ngày mai 10.5, mình sẽ dành thời gian dẫn con trai đến Công viên văn hóa Đầm Sen cho con chơi cho thoải mái đầu óc. Bởi vì ở đây có rất nhiều trò chơi và đặc biệt con mình thích những trò chơi cảm giác mạnh”.
Dưới góc độ tâm lý, tiến sĩ Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Phân viện miền Nam (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), chia sẻ: “Việc nghỉ học trong một thời gian dài để phòng dịch Covid-19, cùng với việc thay đổi cách học tập (trực tuyến, học qua truyền hình) trong thời gian qua cũng khiến học sinh dễ rơi vào trạng thái lo lắng. Học sinh càng nhỏ thì sự thích ứng càng thấp, nên gia đình, nhà trường cần lưu ý để giúp học sinh vượt qua khó khăn trong thời điểm nhập học trở lại”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Long, đối với học sinh nhỏ, nhất là trẻ tiểu học cần chăm sóc tâm lý thật tốt cho các con. Cả một thời gian dài con đã quen với “thời khóa biểu đặc biệt” của kỳ nghĩ bất thường. Ví dụ như: giờ ngủ, giờ ăn, giờ chơi, … giờ lại phải vào nền nếp sẽ gây ra những khó khăn nhất định. Con có thể ngủ trễ và thức dậy trễ, con có thể ăn không ngon miệng với thức ăn ở trường, con có thể khó để tập trung học tập …
“Vì thế, để thực hiện thời khóa biểu trở lại như trước kỳ nghĩ, con cần phải có thời gian. Cha mẹ nên tạo lập lại thời gian biểu nhưng không quá khắt khe vì sẽ làm cho trẻ ghét việc đến trường. Vì thế, người lớn cần khuyến khích, động viên con trẻ thay vì la mắng, áp đặt con. Gia đình cũng cần hỗ trợ trẻ trong việc thực hiện các nhiệm vụ học tập để con không bị áp lực. Phía nhà trường cũng nên “nới lỏng” nội quy trường học một chút trong thời gian đầu để các con quen dần và vui vẻ đến trường. Giáo viên nên tranh thủ thời gian trò chuyện, hỏi han các con trước khi vào tiết dạy…”, tiến sĩ Long gợi ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.