Trong 2 tháng 11 và 12.2022, Ban Tuyên giáo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các Công đoàn các khu công nghiệp ở Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Hải Phòng tổ chức chương trình tư vấn sử dụng tài chính lành mạnh cho công nhân lao động.
Đó là những hoạt động quan trọng nhằm giúp công nhân lao động không bị “tín dụng đen” lôi kéo mỗi khi tài chính khó khăn. Qua thống kê đã có khoảng 1.000 cán bộ công đoàn, cán bộ trong các doanh nghiệp và công nhân tham gia hoạt động tư vấn trực tiếp. Bên cạnh đó, nội dung tập huấn cũng được các doanh nghiệp chia sẻ vào các nhóm nội bộ trên mạng xã hội facebook, zalo… để lan tỏa đến nhiều công nhân lao động.
Theo các tư vấn viên, lợi dụng lúc công nhân gặp khó khăn khi cần đóng tiền học cho con, tiền thuê nhà… khi chưa đến kỳ trả lương, các đối tượng, nhóm cho vay nặng lãi sử dụng nhiều thủ đoạn biến tướng tinh vi để tiếp cận. Một trong số hình thức phổ biến nhất là mạo danh ngân hàng, công ty tài chính… gọi điện mời vay tiền; cho vay online qua các ứng dụng trên điện thoại di động; thậm chí thuê đăng bài, chạy quảng cáo online để tiếp cận người vay.
Thực tế khi tham gia vào các khoản vay này, công nhân phải trả rất nhiều loại phí ẩn; chịu lãi suất “cắt cổ”, có trường hợp khi bị công an phát hiện xử lý, công nhân đang phải trả lãi suất đến 1.000%/năm; bọn chúng sử dụng nhiều hình thức đe dọa để khủng bố người vay.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Liên, nhân viên nhân sự Công ty Optrotec (Vĩnh Phúc), công nhân vay vốn ‘tín dụng đen’ thì cán bộ công đoàn, nhân sự thậm chí là lãnh đạo ở các doanh nghiệp cũng bị làm phiền, khủng bố điện thoại để đòi nợ. Cụ thể như cá nhân chị Liên, dù không bất cứ khoản vay nào bên ngoài nhưng công ty có công nhân vay vốn qua các app online. Không biết bằng cách nào, nhiều nhóm cho vay nặng lãi có được số điện thoại của chị Liên liên tục gọi điện, nhắn tin “khủng bố”, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm với mục đích tác động, thúc giục công nhân trả nợ.
“Nhiều số điện thoại lạ gọi điện, nhắn tin ngày đêm, thậm chí là đe dọa đến con cái, tôi phải làm đơn trình báo gửi đến cơ quan công an để cầu cứu can thiệp”, chị Liên.
Cũng theo chị Liên, qua tìm hiểu nhiều trường hợp, công nhân không có đầy đủ thông tin nên dễ bị các đối tượng cho vay nặng lãi lừa gạt và khi đã vay, nhận tiền rồi là “sập bẫy” các nhóm đòi nợ thuê, muốn trả dứt khoát cũng khó. “Các chương trình tư vấn tài chính này thực sự rất cần thiết và bổ ích với công nhân không chỉ giúp họ cảnh giác trước nạn “tín dụng đen” mà còn hướng dẫn cách tiếp cận các nguồn tài chính an toàn mỗi khi có nhu cầu “vay nóng”, chị Liên nói.
Theo ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các chương trình tư vấn này giúp công nhân lao động, công đoàn cơ sở có nhận thức đúng về tài chính, kỹ năng quản lý tài chính để nói không với các nhóm “tín dụng đen” hoặc các nguồn tiền không rõ nguồn gốc. “Nếu chẳng may bị lừa vay nặng lãi, công nhân chủ động trình báo đến công an xã, phường hoặc nơi gần nhất để được can thiệp, hỗ trợ bảo vệ quyền lợi. Công nhân lao động khi khó khăn cần báo với chủ tịch công đoàn cơ sở để được tư vấn vay vốn từ gói vay 20.000 tỉ đồng dành cho công nhân lao động đã được ký kết, do Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) và Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn HD SAISON thực hiện”, ông Tiêm nói.
Bình luận (0)