Giúp dân đi qua mùa sạt lở

26/07/2024 07:12 GMT+7

Dưới cơn mưa đầu mùa, hàng chục chiến sĩ ngâm mình trong dòng nước lạnh, hối hả vác đá 'vá' lại bờ suối Đăk Tăng. Đây là đợt hành quân dã ngoại, làm công tác dân vận của các chiến sĩ Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3).

VÁC ĐÁ 'VÁ' BỜ

Giữa tháng 7.2024, Trung đoàn 24 triển khai đợt hành quân dã ngoại, làm công tác dân vận tại xã Văn Lem (H.Đăk Tô, Kon Tum). Cũng thời điểm này, cơn bão số 2 bắt đầu đổ bộ. Mưa lớn kéo dài khiến bờ suối Đăk Tăng liên tục sạt lở.

Giúp dân đi qua mùa sạt lở- Ảnh 1.

Quân dân cùng khắc phục sạt lở

ĐỨC NHẬT

Để hỗ trợ người dân làm kè chống sạt lở, UBND xã Văn Lem trích kinh phí mua đá hộc. Đồng thời, các cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 24 được huy động để làm kè chống sạt lở các khu vực xung yếu.

Đúng 7 giờ sáng mỗi ngày, 70 cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn đã có mặt tại điểm xung yếu trên bờ suối Đăk Tăng (đoạn chảy qua thôn Măng Rương, xã Văn Lem). Hàng chục người dân cũng đến hỗ trợ bộ đội. Những viên đá hộc nặng hàng chục kg được người dân nâng lên vai bộ đội. Vác khối đá nặng, các chiến sĩ trẻ từng bước vững chãi hướng ra bờ suối cách đó hơn 50 m. Ở bờ suối, tốp chiến sĩ khác cố định những rọ sắt. Những khối đá được đưa vào rọ rồi xếp ngay ngắn dọc theo bờ đất đang sạt lở cao gần 4 m.

Ông Nguyễn Đình Thành, Phó chủ tịch UBND xã Văn Lem, cho biết suối Đăk Tăng chảy qua nhiều thôn, làng trên địa bàn xã. Năm 2009, cơn bão số 9 quét qua khiến dòng chảy của con suối bị thay đổi. Từ đây, ruộng vườn, nhà cửa của người dân trong khu vực bị đe dọa bởi sạt lở.

Giúp dân đi qua mùa sạt lở- Ảnh 2.

Hàng chục chiến sĩ ngâm mình dưới dòng nước lạnh để vá bờ suối đang sạt lở

ĐỨC NHẬT

Căn nhà bà Y Phang (ở làng Măng Rương) nằm sát mép suối Đăk Tăng. Nhiều năm qua, bờ suối sạt lở dần rồi ăn sâu vào mảnh vườn của gia đình bà. Mỗi mùa mưa bão, cây trồng, đất đai của gia đình bà Y Phang lại đổ ụp xuống dòng nước xiết. Gia đình trồng cây để giữ đất, giữ vườn nhưng cũng không ngăn được những đợt sạt lở, đất vườn, cây cối tiếp tục chìm vào dòng nước.

"Mỗi năm, bờ suối lại ăn sâu thêm một ít. Giờ căn nhà của gia đình tôi chỉ còn cách bờ suối hơn chục mét. Gia đình cũng chẳng còn cách gì để phòng chống sạt lở, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần", bà Y Phang nói.

Không chỉ gia đình bà Phang mà hơn 20 hộ khác cũng đang cùng chung nỗi lo sạt lở bờ suối Đăk Tăng. Theo UBND xã Văn Lem, bờ suối Đăk Tăng bị sạt lở kéo dài trên địa bàn các thôn Măng Rương, Đăk Xanh, Tê Phen. Tình trạng sạt lở khiến nhiều diện tích hoa màu, ruộng vườn của người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do nguồn lực của địa phương không đủ nên chưa có biện pháp khắc phục triệt để.

VUN ĐẮP TÌNH QUÂN DÂN

Sau vài ngày chỉ bằng sức người, bờ suối Đăk Tăng được các chiến sĩ Trung đoàn 24 vác đá "vá" lại những đoạn xung yếu. Hơn 80 khối đá đã được đưa vào rọ, bảo vệ bờ suối trước nguy cơ sạt lở.

Giúp dân đi qua mùa sạt lở- Ảnh 3.

Mỗi năm dòng suối lại bào mòn dần mảnh vườn nhà bà Y Phang

ĐỨC NHẬT

Theo ông Nguyễn Đình Thành, các chiến sĩ Trung đoàn 24 đã thực hiện tốt nhiệm vụ dân vận. Không chỉ hỗ trợ địa phương làm bờ kè, các chiến sĩ còn hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, nạo vét kênh mương, dọn dẹp nhà cửa cho 30 gia đình chính sách… Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức tặng quần áo ấm cho bà con, tuyên truyền người dân về luật hôn nhân gia đình, luật bình đẳng giới...

"Các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 24 đã hỗ trợ địa phương triển khai làm bờ kè với khối lượng công việc rất lớn mà sức của người dân thì không thể làm được. Không chỉ vậy, việc cải tạo vườn tạp, nạo vét kênh mương của đơn vị đã làm thay đổi diện mạo các thôn, làng trên địa bàn xã", ông Thành nói.

Trung tá Phạm Văn Thuận, Phó chính ủy Trung đoàn 24, cho biết đơn vị thường xuyên triển khai công tác dân vận nhằm tăng cường mối quan hệ đoàn kết, bền chặt giữa đơn vị và địa phương. Thông qua các hoạt động lần này, đơn vị đã cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy Kon Tum nhằm giúp người đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ cách làm, thoát nghèo bền vững, hỗ trợ địa phương hoàn thiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

"Nhiệm vụ dân vận nhằm giữ vững, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa đơn vị với nhân dân. Đồng thời, xây đắp nên hình ảnh tốt đẹp của người chiến sĩ bộ đội cụ Hồ trong lòng bà con dân bản", trung tá Thuận nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.