Giúp học sinh không 'né' nhà vệ sinh trường học

20/03/2024 07:11 GMT+7

Trong nhiều lần đi khảo sát của PV Thanh Niên tại các khu nhà vệ sinh trường học, không ít học sinh cho biết 'sợ' nhà vệ sinh, phải tìm cách 'né', nếu không nhịn được thì phải đeo khẩu trang để đi toilet.

Tuy nhiên vẫn có những địa phương có cách làm hiệu quả trong quản lý, duy tu nhà vệ sinh trường học, để nơi này thật sự xanh, sạch, thân thiện.

KHÔNG SỢ KHI VÀO NHÀ VỆ SINH

Chúng tôi có mặt ở Trường tiểu học Trưng Trắc (Q.11, TP.HCM) vào giữa tháng 3. Tại ngôi trường có 1.268 học sinh (HS), có 8 khu nhà vệ sinh, chia thành các khu riêng biệt cho HS nam, nữ với tổng diện tích là 384 m2.

Đặc điểm chung của các khu vệ sinh này là rộng, thoáng, không thấy mùi hôi. Bên trong nhà vệ sinh còn trồng nhiều cây xanh, sàn nhà luôn được giữ khô ráo và khi có HS bước vào thì bộ phận cảm biến sẽ phát ra những thông điệp nhắc nhở các em cùng giữ vệ sinh chung.

Cô Võ Thị Viễn Nguyên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Trắc, nói: "Năm nào cũng thế, khi phụ huynh tới tìm hiểu trường cho con em trước khi vào lớp 1 là họ muốn tới xem nhà vệ sinh đầu tiên. Hay buổi họp phụ huynh nào, ở khối nào, cũng đều có các ý kiến, dù khen hay là góp ý, về nhà vệ sinh trường học. Điều này cho thấy đây là một trong những quan tâm hàng đầu của cha mẹ khi con em tới trường".

Giúp học sinh không 'né' nhà vệ sinh trường học- Ảnh 1.

Nhà vệ sinh thoáng, sạch của Trường tiểu học Trưng Trắc, Q.11, TP.HCM

THÚY HẰNG

Để quản lý nhà vệ sinh hiệu quả, đảm bảo công trình vẫn sạch đẹp qua hơn 10 năm sử dụng, theo cô Viễn Nguyên, là nhờ thực hiện hiệu quả mô hình xã hội hóa.

Cô Viễn Nguyên cho biết trong việc thực hiện xã hội hóa nhà vệ sinh trường học thì cha mẹ HS đóng góp trên tinh thần tự nguyện. Các khoản được tài trợ cho mô hình xã hội hóa nhà vệ sinh trường học phải thực hiện theo kế hoạch vận động tài trợ cho giáo dục theo Thông tư 16. Các khoản chi do ban đại diện cha mẹ học sinh ký duyệt, có kiểm tra hằng tháng, hằng quý, đảm bảo minh bạch.

Tại Trường THCS Nguyễn Văn Phú, Q.11, từ năm học 2011-2012, 5 khu nhà vệ sinh trong trường đã được nhà nước đầu tư kinh phí sửa chữa, cải tạo. Đồng thời, hơn 10 năm qua, nhà trường và phụ huynh cùng phối hợp để giữ gìn các khu nhà vệ sinh này sạch, đẹp, an toàn, thân thiện với HS.

Trường có 1.200 HS, các khu vệ sinh nam - nữ được phân bố cách biệt, 5 nhân viên phụ trách dọn dẹp nhà vệ sinh chia ca làm việc từ sáng tới chiều. Bước vào một khu nhà vệ sinh của nữ, chúng tôi ấn tượng khi ở đây được thiết kế rất rộng, thoáng, các buồng vệ sinh được ngăn cách riêng biệt, nơi rửa tay sạch đẹp, có trồng cây xanh. Tại đây còn có nhà vệ sinh kinh nguyệt với móc treo đồ, vòi tắm để HS có thể tắm, gội đầu, sấy tóc tại trường.

Cô Vương Thị Nga, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay mỗi năm học các nhà tài trợ ủng hộ, ai có bao nhiêu ủng hộ bấy nhiêu, nguồn này được ban đại diện cha mẹ HS chi cho công tác duy tu, giữ gìn nhà vệ sinh trong trường.

Giúp học sinh không 'né' nhà vệ sinh trường học- Ảnh 2.

Nhà vệ sinh, sạch, thân thiện cho học sinh Trường THCS Lê Quang Thẩm (H.Đúc Hòa, Long An)

THÚY HẰNG

HAI CÁCH BẢO TRÌ, DUY TU NHÀ VỆ SINH KHÁC NHAU

Mô hình, cách làm trong duy trì, vận hành nhà vệ sinh trường học xanh, sạch, thân thiện với HS như ở Q.11, TP.HCM, đã được lan tỏa tới H.Đức Hòa, Long An.

Tại đây, đang có ít nhất 5 trường học có các khu nhà vệ sinh mới được hội đồng hương H.Đức Hòa vận động tài trợ kinh phí cải tạo, xây mới và được phụ huynh cùng chung tay gìn giữ.

PV Báo Thanh Niên vừa cùng các thành viên Ban liên lạc hội đồng hương H.Đức Hòa có chuyến khảo sát nhiều nhà vệ sinh trường học. Tại Trường THCS Lê Quang Thẩm, H.Đức Hòa, khu nhà vệ sinh mới được hội đồng hương này tài trợ xây dựng năm 2023 rất sạch, thoáng, có từng buồng ngăn cách riêng, trồng cây xanh. Kim Anh, HS lớp 6A3, cho biết các nữ sinh không hề e ngại khi dùng nhà vệ sinh trong trường vì ở đây thường xuyên được lau chùi, dọn dẹp.

Trường tiểu học Châu Văn Liêm, thị trấn Hậu Nghĩa, H.Đức Hòa, có 4 khu nhà vệ sinh với tổng trị giá 600 triệu đồng do Ban liên lạc hội đồng hương H.Đức Hòa vận động tài trợ, đã được khánh thành, đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2023-2024. Nhà trường đầu tư thêm 60 triệu đồng để lắp hệ thống phun xịt nước, thuận lợi hơn cho quá trình tẩy rửa. Tới nay, 4 khu này vẫn sạch sẽ, thường xuyên có nhân viên lau dọn.

Trong khi đó, tại Trường tiểu học Hòa Khánh Tây, một khu nhà vệ sinh cũ có khu vực đi tiểu vẫn được thiết kế ngồi xổm, không có vách ngăn, đồng thời toilet có mùi hôi rất khó chịu. Khu vực bể nước bị tồn đọng, nước đã chuyển màu nâu. Các em HS tại đây nói "sợ" khi phải vào nhà vệ sinh ở trường.

Thầy Nguyễn Trí Thức, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quang Thẩm, cho biết trường có sĩ số 664 em với 4 khu nhà vệ sinh cho HS. Kinh nghiệm để nhà vệ sinh trường luôn được sạch, thoáng, HS không "né", đó là phụ huynh đồng hành cùng nhà trường thực hiện mô hình xã hội hóa nhà vệ sinh trường học. "Để làm được việc này, ban đại diện cha mẹ HS đứng ra cùng thảo luận, kêu gọi sự tài trợ trên tinh thần tự nguyện", thầy Thức nói.

Tương tự, thầy Trương Văn Phước, Hiệu trưởng Trường tiểu học Châu Văn Liêm, cho hay trường có 1.634 HS, việc thực hiện xã hội hóa trong vận hành, duy trì sự sạch đẹp của nhà vệ sinh trường học phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, không cào bằng. "Hiện tại có 2 nhà hảo tâm ủng hộ khoảng 30 triệu đồng để hỗ trợ cho việc dọn dẹp nhà vệ sinh trường học", thầy Phước nói.

Trong khi đó, tại Trường tiểu học Hòa Khánh Tây, thầy Nguyễn Hoàng Trọng, Hiệu trưởng, cho biết trường có 398 HS, 3 khu nhà vệ sinh, trong đó khu cũ nhất, bị HS phàn nàn có mùi hôi được xây dựng từ năm 2014. Thầy Trọng cho hay hiện nay trường đang thuê 2 người dọn dẹp cho 3 khu nhà vệ sinh, tổng cộng là 7 triệu đồng/tháng, chi từ ngân sách tự cân đối của nhà trường, nhưng vẫn không xuể. Đồng thời, thầy Trọng cũng cho biết nguyện vọng của nhà trường mong được tài trợ kinh phí sửa chữa khu nhà vệ sinh đã cũ này. 

Làm đúng, minh bạch, vì HS thì không ngại

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.11, TP.HCM, cho hay việc xã hội hóa quản lý nhà vệ sinh trường học được thực hiện ở 19 trường tiểu học, trường chuyên biệt và 9 trường THCS. "Việc xã hội hóa được thực hiện theo Thông tư 16, tất cả thu chi, vận động nhà hảo tâm luôn đảm bảo minh bạch, rõ ràng. Làm đúng, công khai, vì HS thì không phải ngại. Nếu cán bộ quản lý e ngại thì thiệt thòi lớn nhất thuộc về các em HS", ông Trọng Hiếu chia sẻ.

Trả lời PV Báo Thanh Niên, ông Dương Công Khanh nói: "Từ mười mấy năm trước, tôi luôn thấu hiểu câu chuyện xây nhà vệ sinh cho các cháu HS thì dễ, giữ cho sạch sẽ mới khó. Tôi đã vận động các trường học, trao đổi với Phòng GD-ĐT, các thầy cô hiệu trưởng để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong phụ huynh trong việc giữ gìn nhà vệ sinh trường học. Trẻ em không sợ nhà vệ sinh, từ đó mới học tập tốt, vui chơi thoải mái, có sức khỏe tốt, đó mới là một trường học hạnh phúc đúng nghĩa".

Vì sức khỏe, tương lai của HS

Bà Trần Thị Thu Trang, Trưởng phòng GD-ĐT H.Đức Hòa, Long An, cho biết đã có 5 trường trong huyện được xây mới, sửa chữa nhà vệ sinh sạch sẽ, thân thiện từ kinh phí được tài trợ bởi hội đồng hương H.Đức Hòa là THCS Lê Quang Thẩm, tiểu học Thi Văn Tám, tiểu học Châu Văn Liêm, tiểu học An Ninh Đông, tiểu học - THCS Mỹ Hạnh Nam.

Ông Dương Công Khanh, nguyên Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Q.11, TP.HCM (đã nghỉ hưu), Trưởng ban liên lạc hội đồng hương H.Đức Hòa, người tâm huyết với mô hình xã hội hóa nhà vệ sinh trường học, cho biết trong năm 2024 dự kiến xây mới, sửa chữa thêm 3 khu nhà vệ sinh xanh, sạch, thân thiện nữa, gồm ở Trường THCS Lê Quang Thẩm (xây dựng thêm); Trường tiểu học Hòa Khánh Tây và Trường tiểu học Sò Đo.

Theo ông Khanh, xây nhà vệ sinh mới trong trường học đã tốt rồi, nhưng làm sao giữ sạch sẽ, thân thiện, an toàn với các em HS mới quan trọng, vì sẽ hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất, tinh thần của các em, nhất là hiện nay trẻ em dậy thì sớm hơn. Để làm được điều này phải nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ, đồng thuận của phụ huynh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.