Chèo thuyền thúng đưa khách tham quan rừng dừa - Ảnh: An Dy |
Đó là anh Nguyễn Tấn Liên, TP.Hội An (Quảng Nam). Khi anh chuyển sang nghiên cứu lĩnh vực du lịch, người trong gia đình thấy vậy bảo anh gàn... Bản thân anh thấy, không thể giúp người thân và những người nông dân nghèo chấc phác quê mùa của mình tìm việc giữa phố, nên nghĩ cách mang việc về xứ dừa Cẩm Thanh. Bằng những cánh tay thạo nghề sông nước như bẻ dừa nước, bơi thuyền thúng, tung chài, thả lưới, đạp rớ, kéo cá, câu cua... những người dân quê thấy làm du lịch cùng anh Liên không khác gì công việc thường nhật của họ, chỉ khác là làm cho du khách xem. Ngay tại nhà ở thôn Vạn Lăng (xã Cẩm Thanh), anh Liên bắt đầu tạo dựng một điểm đến mà người ta vẫn quen gọi là khu du lịch sinh thái. Anh vay tiền ngân hàng đầu tư điểm dừng chân nghỉ dưỡng trên một cồn đất nổi giữa vùng sông nước rộng hơn 10.000m2. Những ngày đầu gầy dựng cơ sở, anh chật vật di chuyển, chuyên chở vật liệu bằng thuyền thúng, bằng ghe nhỏ ra “ốc đảo”. Nhưng khi đầu tư xong ao cá, khu thư giãn, ẩm thực... phục vụ du lịch thì mùa mưa bão đến, cơ ngơi, tâm huyết của anh bị gió bão đánh tan hoang.
Người nhà lại cản nhưng anh vẫn quyết tâm làm. Nghiên cứu kỹ những tác động thời tiết theo mùa ảnh hưởng đến vùng sông nước, anh Tấn Liên cũng thiết kế tour khai thác du lịch sinh thái rừng dừa nước theo mùa, ngay cả nguyên vật liệu sử dụng cũng được làm từ dừa nước và có thể tháo dỡ giản tiện trong mưa bão để hạn chế thấp nhất chi phí tái đầu tư.
Dân xứ dừa nước làm du lịch
Thiết kế tuor du lịch sinh thái ở rừng dừa nước với tên gọi Hội An Eco Discovery, anh Liên huy động được gần 35 hộ dân trong vùng cùng làm du lịch với mình. Hễ có tour, lên lịch là anh lại sắp xếp, phân chia lao động theo kiểu mùa vụ. Ngoài nghề chính của mình, người dân quê anh lại có thêm thu nhập từ tour du lịch sinh thái của anh. “Thực ra làm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng không mới, nhưng quan trọng là phải làm sao cho tour tuyến ổn định, và ngày càng chuyên nghiệp, để người dân nhiệt tâm với công việc, từ đó yêu hơn nữa, bảo vệ hơn nữa hệ sinh thái của rừng dừa và sống sung túc trên chính quê mình. Và để du khách có một điểm đến hấp dẫn và hài lòng”, anh Liên tâm sự.
Không chỉ đảm nhận việc chèo thuyền thúng đưa khách đi tham quan trong khu rừng dừa nước Bảy Mẫu Cẩm Thanh, chị Phạm Thị Lý (người thôn Vạn Lăng) còn kiêm thêm việc hướng dẫn du khách kéo cá, câu cua... Vừa khua nhẹ mái chèo một cách điệu nghệ, lướt chiếc tuyền thúng đưa khách vào sâu trong rừng dừa chị Lý thủng thẳng: “Những việc này quá đỗi bình thường với dân quê chúng tôi. Mỗi tuần vài ngày, mỗi ngày vài giờ, bằng chính nghề trên sông dưới nước, mỗi tháng chúng tôi có thêm được 2-3 triệu đồng.”
Bằng tour du lịch sinh thái của mình, anh Liên và những người bạn đồng hành của anh còn đưa khách đến với làng nghề dừa nước để giới thiệu những sản phẩm làm từ dừa nước như đồ mỹ nghệ, đồ trang sức... được tác tạo từ bàn tay của những nghệ nhân xứ dừa, hay cùng những người dân quê vào bếp để quảng bá văn hóa ẩm thực với sản vật địa phương trong đó có món chè dừa nước độc đáo, hấp dẫn. Quyết tâm cùng người dân quê sống được ngay trên mảnh đất quê mình, anh Liên vui với công việc hiện tại, công việc đến với mình không vì nhu cầu tự thân mà đến vì người khác.
An Dy
Bình luận (0)