Dành 100 triệu làm tiệc tất niên cho công nhân
Ông Nguyễn Thành Tâm (P.Thạnh Lộc, Q.12) hôm 7.1 đã làm 25 bàn tiệc chiêu đãi tất niên sớm cho 300 công nhân lao động ở khu trọ của mình: “Mọi năm tổ chức tiệc lúc cận tết, anh em về quê hết, tôi thấy rất áy náy. Năm nay tất niên sớm”, ông nói.
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải trao quà tết cho đoàn viên nghiệp đoàn xe ôm khó khăn |
XUÂN KHÁNH |
Tiếng nhạc xuân vang từ đầu cổng khu trọ, mọi người hồ hởi chúc nhau, kỳ vọng nhiều may mắn, thịnh vượng cho năm mới. Đây là năm thứ 17 ông chủ nhà trọ quê Bình Định này tổ chức tiệc tất niên cho người thuê trọ chung vui.
Ngoài tiệc tất niên, ông Tâm hỗ trợ mỗi nhà một phần nhu yếu phẩm. Số tiền ông dành cho hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán 2023 khoảng 100 triệu đồng. Mặc dù đến nay gia đình ông Tâm còn phải trả nợ ngân hàng cho kinh phí xây nhà trọ, nhưng nhìn vẻ mặt hai vợ chồng ông không hề thấy biểu hiện xem việc mình làm là lớn lao gì cả. Trái lại, ông Tâm tin rằng sự cho đi đó là niềm vui của bản thân, vì chính ông cũng từng là công nhân, đã từng bước qua những ngày tháng xa quê, cơ hàn, ngược xuôi để mưu sinh nơi đô thị.
Ông chủ nuôi gà, chi hàng trăm triệu làm tất niên cho người thuê trọ |
Theo ông Tâm, năm qua đời sống công nhân lao động vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là lạm phát, chưa kể cuối năm nhiều công nhân may mặc còn bị mất việc hay giảm giờ làm. Tính riêng tại khu trọ của ông đã có hàng chục người về quê sớm; hay nhiều bà con vì khó khăn không thể về quê sum họp với gia đình dịp tết này.
“Tôi muốn san sẻ giúp vơi bớt phần nào nỗi lo, nỗi nhớ nhà của người lao động. Qua đó góp phần nhỏ thôi, tạo điều kiện cho bà con an cư lạc nghiệp ở thành phố này. Tôi mong mọi người có bữa tất niên ấm áp sau cả năm làm việc vất vả. Hai vợ chồng tôi tâm niệm sẽ cố gắng hơn, làm nhiều thứ hơn để chăm lo cho mọi người những năm tới”, ông chủ nhà trọ khiêm tốn nói.
Bà Phạm Thị Loan, lao động sống tại khu trọ, bày tỏ: “Cuối năm, được chủ trọ tạo điều kiện sum họp như vậy, bà con cùng chuẩn bị, góp tay tổ chức tiệc, tôi thấy mừng lắm. Bởi điều đó có nghĩa là mình còn ngồi được, còn vui được, còn chia sẻ được với chị em, xóm giềng”.
“Sự chia sẻ chưa bao giờ là lỗi thời!”
Liên đoàn Lao động TP.HCM lập danh sách đi thăm 40 chủ nhà trọ tiêu biểu, chăm lo tốt cho người lao động năm 2022. Tuy nhiên, với hơn 60.000 chủ nhà trọ tại TP.HCM cùng 600.000 phòng trọ (theo thống kê của Sở Xây dựng TP) thì chắc chắn vẫn còn rất nhiều tấm gương chủ trọ tốt bụng, san sẻ với lao động nhập cư. Điển hình như chị Đặng Thị Vy Vy (chủ trọ tại P.Linh Xuân, TP.Thủ Đức) đã chuẩn bị sẵn 123 bao lì xì (300.000 đồng/bao) cho các hộ gia đình trong khu trọ. Hay bà Nguyễn Thị Xuân Hà (chủ trọ ở P.16, Q.8) nói rằng mình đang mua nhu yếu phẩm để đóng 90 phần quà tết cho công nhân thuê trọ và cho người khó khăn trong khu phố.
Bà Hà nói dịp tết này có đông công nhân lao động làm việc xuyên tết, không về quê. Đơn cử như chị Mạnh Thị Nhanh (34 tuổi, quê Bạc Liêu, công nhân thuê trọ) cho hay vì đơn hàng công ty giảm nên tháng qua chị bị giảm giờ làm, lương thưởng cũng thấp hơn mọi năm. Thế nên tết này chị không về quê, ở lại TP.HCM “để tìm việc thời vụ kiếm thêm thu nhập, nếu có nhớ nhà quá thì điện về hỏi thăm”.
Những trường hợp như chị Nhanh thôi thúc bà Hà phải làm gì đó để hỗ trợ tinh thần cho người thuê trọ đã phải ly hương để kiếm sống. “Tôi luôn suy nghĩ làm sao để người thuê trọ có thêm niềm vui. Tôi tính và chuẩn bị quà để tặng hết rồi, đây là hoạt động năm nào tôi cũng làm. Còn với những người không về quê, tôi làm bữa cơm nhỏ, nấu mấy món ăn truyền thống rồi họp mặt mọi người”, bà Hà nói.
Một chủ trọ khác cũng đang rất hăng hái chuẩn bị quà cho công nhân lao động là bà Nguyễn Thị Tuyết Thương, chủ trọ tại P.An Phú (TP.Thủ Đức). Vừa soạn các phần quà là nhu yếu phẩm cho công nhân dịp tết, gương mặt bà Thương lộ rõ sự hân hoan. Khu nhà trọ của bà Thương có 120 phòng với 200 người lao động. Nơi đây bình ổn giá thuê nhiều năm qua, có những người đã gắn bó tới hơn 20 năm qua vì “ở đây yên tâm quá, không muốn đi đâu cả”. Chỉ tính riêng thời điểm dịch Covid-19, sự hỗ trợ về vật chất như giảm, miễn phí tiền phòng, hỗ trợ nhu yếu phẩm... của bà chủ trọ ước tính lên tới 400 triệu đồng. Chưa kể bà Thương còn giúp đỡ nhiều công nhân may, tài xế bị mất việc có chỗ làm mới để ổn định cuộc sống.
Nhưng điều khiến chúng tôi kính trọng bà chủ trọ hào sảng này nằm ở quan điểm “sống là cho đi” của bà. Có lẽ vì đã từng là công nhân may, từng khó khăn, vất vả nên bà Thương nhìn cuộc đời bao dung hơn, vị tha hơn và dũng cảm dìu dắt người khó hơn mình. Bà Thương bộc bạch: “Với tôi, hạnh phúc không phải có nhiều tiền. Hạnh phúc ở đây là được chia sẻ và luôn sống trong sự chia sẻ đó. Mình cho đi, giúp đỡ những người xung quanh, với người khó khăn hơn mình. Tôi cũng luôn tìm cách để tập tính chia sẻ cho những đứa cháu nhỏ, cho mọi người. Sự chia sẻ chưa bao giờ lỗi thời cả”.
Tiếp sức lao động tự do
Trong số hơn 4,5 triệu lao động tại TP.HCM, có một lực lượng lao động đáng kể làm công việc tự do, mà an sinh xã hội của nhà nước chưa thể phủ hết. Song, mô hình như nghiệp đoàn của tổ chức công đoàn đã tập hợp lao động có chung ngành nghề lại với nhau. Qua đó, tạo không gian sinh hoạt cũng như để công đoàn có điều kiện chăm lo nhiều hơn cho họ trong các dịp lễ tết.
Như ngày 8.1 qua, 515 tài xế xe ôm đã có buổi quây quần bên nhau trong chương trình “Tết sum vầy” do Liên đoàn Lao động TP.HCM tổ chức. Tham dự chương trình này, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải đã trao lì xì cho các tài xế, chia sẻ rằng ông rất trân quý sự đóng góp của các bác tài cho sự phục hồi kinh tế của thành phố. Qua đó, ông tin buổi họp mặt này cũng là dịp để mọi người yêu thương lẫn nhau, cùng vượt qua khó khăn sắp tới, và TP.HCM sẽ cố gắng nhiều hơn để chăm lo tết cho tất cả người dân, nhất là những lao động khó khăn.
Niềm vui của công nhân với tấm vé tàu miễn phí về quê đón tết |
Có rất nhiều hoạt động, chương trình chăm lo của các ban ngành, đoàn thể cấp quận, huyện, phường, xã và của những người dân, hội nhóm, câu lạc bộ… hoạt động thiện nguyện trên địa bàn TP.HCM. Song hành với những tình cảm cộng đồng, tình làng nghĩa xóm đó, giờ đây đã có những chuyến xe miễn phí đưa người lao động khó khăn về quê nhà, chuyên chở những hy vọng của sự đoàn viên, hội ngộ và nguồn động lực mới cho năm mới…
Bình luận (0)