Giúp trẻ em mồ côi vượt qua cú sốc tâm lý

18/09/2021 00:00 GMT+7

Sự chung tay của cộng đồng xã hội hỗ trợ các trẻ em mồ côi vì đại dịch Covid-19 lúc này là rất quan trọng, nhưng chúng ta cũng cần giúp các em vượt qua cú sốc về mặt tâm lý.

Đó là chia sẻ của ông Đặng Hoa Nam (ảnh), Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên hôm qua (17.9).

Rất cần được sự quan tâm đặc biệt

Ảnh: Thúy Hằng

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, đẩy hàng nghìn trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi...
Quả thật đây là một con số đau xót, cho thấy tác động tiêu cực ghê gớm của đại dịch Covid-19. Không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội mà còn tác động đến đối tượng trẻ em (TE). Thống kê ban đầu, số lượng F0 trên toàn quốc là hơn 25.000 em, riêng TP.HCM là 14.800 em. Đáng chú ý là số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt gia tăng do có cha mẹ tử vong vì Covid-19. Tại TP.HCM, nếu như số liệu thống kê cuối tháng 8 có 250 TE mồ côi, thì đến nay đã có hơn 1.500 em là học sinh. Trong số này, có hơn 1.000 em đang học tiểu học và THCS, rất cần được sự quan tâm đặc biệt và cần có giải pháp giải quyết vấn đề này trong thời gian lâu dài.

Báo Thanh Niên kêu gọi bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19

Ngày 17.9, Báo Thanh Niên nhận được thông tin có bạn đọc là ông Phạm Hòa, chủ một doanh nghiệp dệt may ở Q.Tân Bình
(TP.HCM) đã chuyển khoản ủng hộ Chương trình bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 với số tiền 50 triệu đồng. Một bạn đọc khác là ông Lê Văn Thanh (ngụ ở P.Phú Thủy, TP.Phan Thiết, Bình Thuận) ủng hộ 10 triệu đồng.
Cùng ngày, có rất nhiều bạn đọc khắp cả nước hưởng ứng chương trình của báo bằng các hình thức đăng ký nhận đỡ đầu các em hoặc chu cấp hằng tháng. Một nữ nghệ sĩ tạo hình (xin giấu tên) khi nghe tin về chương trình của báo cũng đã dành tiền bán 2 tác phẩm nghệ thuật để tặng các nạn nhân của đại dịch Covid-19.
 Báo Thanh Niên đã ghi lại thông tin đầy đủ của các nhà hảo tâm nhận bảo trợ, sẽ liên lạc lại để trao đổi bàn bạc sau khi khảo sát kỹ lưỡng và có bộ hồ sơ chi tiết của từng em. Thanh Niên trân trọng biết ơn bạn đọc đã tin cậy và hưởng ứng chương trình.
T.T.B
Vậy chúng ta đã và đang có những chính sách gì hỗ trợ TE mồ côi nói chung và TE mồ côi do đại dịch Covid-19?
Theo Nghị quyết 20 của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có hiệu lực từ 1.7.2021, nếu TE mồ côi không có nguồn nuôi dưỡng, được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng là 900.000 đồng với trẻ dưới 4 tuổi và 540.000 đồng/tháng đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, khi sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì trẻ mồ côi còn được hỗ trợ tiền ăn; chi phí điều trị trong trường hợp không có thẻ bảo hiểm y tế; chi phí đưa về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.
Mới nhất, ngày 8.9, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đã có quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng/TE mồ côi cha mẹ; TE có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27.4 - 31.12. Nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo trợ TE VN.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị các địa phương ngay lập tức có thể cho các em được hưởng chính sách trợ giúp xã hội như đối với đối tượng trợ giúp xã hội.

2 số điện thoại hỗ trợ

Ngoài mất cha, mất mẹ, mất đi chỗ dựa về mặt tinh thần, về kinh tế, TE mồ côi trong đại dịch đang đối mặt với những khó khăn gì, thưa ông?
Đại dịch Covid-19 lần này khác biệt so với các cuộc khủng hoảng về xã hội, thiên tai, thảm họa khác là chúng ta vừa phải chăm sóc sức khỏe về mặt thể chất, vừa phải giúp các em về sức khỏe tâm thần, chăm sóc để giảm bớt sang chấn tâm lý. Đặc biệt là các em rơi vào tình thế mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc mồ côi cha, mẹ.
Rất nhiều quốc gia đã đề cập đến khủng hoảng bên trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, đó là khủng hoảng đối với TE. Điều tôi lo ngại là các TE mồ côi do Covid-19 dễ sang chấn tâm lý. Vấn đề khủng hoảng không chỉ phải giải quyết cấp bách trước mắt mà còn lâu dài. Hiện nay, về phía địa phương cần áp dụng ngay chính sách của nhà nước, của địa phương cũng như các nguồn hỗ trợ để làm sao giảm mức tối đa khó khăn về mặt đời sống cho các em. Và triển khai giúp các em tiếp cận với hệ thống mạng lưới, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Hiện có 2 số điện thoại người dân cần lưu ý là Tổng đài quốc gia bảo vệ TE số 111. Ngoài tiếp nhận thông tin nóng tố cáo, tố giác thông tin nóng về xâm hại, bạo lực TE, đây còn là đường dây hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin kết nối các dịch vụ, các chuyên gia về phòng ngừa, phát hiện sớm, sơ cứu, tiếp cận các dịch vụ chuyên gia chữa trị cho TE. Ngoài ra, trong bối cảnh Covid-19, đã hình thành các nhóm thiện nguyện. Các chuyên gia tại TP.HCM, Hà Nội cũng đã thiết lập đường dây nóng 1900636700, hỗ trợ từ 8 - 22 giờ hằng ngày. Việc hỗ trợ các em để giảm cú sốc tâm lý giống như một liều “vắc xin” về mặt tinh thần. Chúng ta cũng phải giúp người thân, chính người chăm sóc các em nữa để họ giảm bớt sang chấn, có kỹ năng chăm sóc các em.

Ghi nhận sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện

Chúng ta cần phải làm gì để chia sẻ, giúp đỡ các em vượt qua nỗi đau mất người thân?
Việc quan trọng nhất, trước mắt là có danh sách chi tiết chính xác, đối tượng TE rơi vào hoàn cảnh khó khăn, mồ côi để có chính sách huy động nguồn lực xã hội, tránh sự chậm trễ, chồng chéo. Cục TE đã yêu cầu các địa phương cần nắm nhanh, rất sát, đặc biệt là TE mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn để huy động sự trợ giúp xã hội một cách kịp thời và đầy đủ nhất. Với tinh thần dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho TE và không TE nào bị bỏ lại phía sau, không TE nào phải bỏ học vì Covid-19.
Có 2 vấn đề cần quan tâm trước mắt: thứ nhất, chăm sóc sức khỏe tâm lý cho TE; thứ hai là làm sao để các em không bị gián đoạn việc học tập, ngay cả việc học trực tuyến.
Về cơ bản, chính sách hỗ trợ hiện nay khá đầy đủ, nhưng về lâu dài cần hỗ trợ các em và gia đình các em, đại diện chăm sóc các em về mặt sinh kế để làm sao các em có cuộc sống ổn định. Với sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, thiện nguyện, về cơ bản các em có điều kiện để tiếp tục học tập và lập nghiệp sau này.
Trong những ngày vừa qua, nhiều tổ chức xã hội, trong đó có Báo Thanh Niên đã phát động Chương trình bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các tổ chức xã hội trong hoạt động này?
Quả thật, khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn hết sức đặc biệt, chúng ta thấy một thực tế là các em không đơn độc. Các em được hỗ trợ từ chính sách của nhà nước, từ các quỹ cấp quốc gia, từ các tổ chức, cá nhân sẵn sàng giúp các em vượt qua khó khăn, lâu dài. Chúng tôi cho rằng chính quyền địa phương cần phải triển khai ngay những quy định về mặt pháp lý để các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, đỡ đầu các em trong thời gian dài hơn. Các thủ tục về chăm sóc thay thế, nhận đỡ đầu cho TE phải tạo điều kiện thuận lợi nhất, để các em được tiếp tục sống và được chăm sóc bởi người thân trong gia đình, được tiếp tục ở lại cộng đồng nơi các em sinh sống, các em sinh hoạt hằng ngày và các em lớn lên.
Nhân đây, tôi cũng ghi nhận và cảm động trước sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, các cá nhân thiện nguyện, trong đó có Báo Thanh Niên. Phải nói là trong đại dịch Covid-19 chúng ta không thấy khủng hoảng về nhân đạo như các đợt thiên tai lũ lụt, sự vào cuộc có điều tiết các cấp chính quyền, nguồn hỗ trợ, các gói an sinh đều đến được đúng địa chỉ.
Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.