Giúp trẻ không ỷ lại

14/07/2012 03:28 GMT+7

Theo các chuyên gia tâm lý, bắt đầu từ tuổi lên 3, trẻ dần dần thích tập làm mọi việc một mình. Bé luôn muốn tìm hiểu và khám phá mọi thứ xung quanh để không bị nhàm chán và phụ thuộc vào người khác.

Tuy nhiên, có những bé thường xuyên yêu cầu sự giúp đỡ của người thân. Những biểu hiện trên sẽ là bình thường khi bé còn nhỏ, nhưng khi đã lớn hơn một chút thì đó sẽ trở thành dấu hiệu đáng ngại mà các bậc cha mẹ cần quan tâm.

 Trẻ mầm non giúp các cô chuẩn bị bàn ghế giờ ăn trưa  - 1
Trẻ mầm non giúp các cô chuẩn bị bàn ghế giờ ăn trưa - Ảnh: B.Thanh

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - Hội trưởng Hội quán các bà mẹ, khuyên: “Thời điểm hình thành thói quen tự lập của mỗi trẻ khác nhau nhưng vẫn có những mốc chung để cha mẹ quan sát biết được mức độ con mình phụ thuộc vào người thân như thế nào so với bạn bè cùng lứa. Ngoài ra, việc trò chuyện cùng các phụ huynh khác có con ở cùng lứa tuổi sẽ giúp cha mẹ hiểu hơn về vấn đề mà con mình đang gặp phải. Từ đó tham khảo kinh nghiệm, cách ứng xử với con sao cho hợp lý nhất trước những tình huống tương tự”. Mọi hành vi đều được nuôi dưỡng và tập luyện ngay từ khi còn rất nhỏ, vì vậy một thành viên của hội quán chia sẻ: “Cha mẹ nên nhớ giai đoạn 2-3 tuổi bé đang muốn khẳng định mình, muốn tự mình làm nhiều việc. Đừng làm giùm con, hãy kiên nhẫn và vui mừng vì bé biết tự làm, biết chia sẻ công việc thay cho cách quan tâm đến bé làm có sạch không, có nhanh không… Nếu chú ý đến khía cạnh này nhiều quá, giành hết việc về mình dần dần ba mẹ sẽ trở thành chỗ dựa dẫm, ỷ lại của bé”.

Một giáo viên của Trường mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM) cho biết: “Khi bé muốn tự làm một việc gì đó, điều quan trọng là người thân luôn theo dõi, quan sát bé để đưa ra sự giúp đỡ đúng cách. Hãy đem đến cho bé niềm cảm hứng khiến công việc này trở nên hấp dẫn hơn. Chẳng hạn bên cạnh việc dạy bé cách mặc quần áo, bạn hãy kể ra ý nghĩa những hình thù ngộ nghĩnh trên áo và tưởng tượng ra một câu chuyện thú vị đằng sau đó để bé thấy thích thú. Tưởng tượng ra những việc làm có liên quan đến các vật, sự kiện mà bé đã biết sẽ khiến bé cảm thấy gần gũi”. Ngoài ra, để tập cho trẻ các kỹ năng tự phục vụ, các giáo viên mầm non thường dùng chiêu: “Rủ trẻ cùng làm hoặc nhờ làm giúp cô một số việc đơn giản như cất giỏ khăn, giỏ yếm, ghế… Tâm lý của trẻ rất thích thú khi được người lớn nhờ làm bất cứ việc gì để bé có cơ hội được thể hiện mình ”

Thạc sĩ Phạm Thị Thúy - chuyên viên tư vấn của Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM, tư vấn: “Khi bé nhõng nhẽo muốn nhờ vả, ỷ lại, ba mẹ đừng mềm lòng mà hãy kiên quyết giúp bé tự làm mọi việc bằng cách tạo dựng cho bé niềm tin vào chính khả năng của bản thân”.

Bích Thanh

>> Trẻ nên tự lập khi nào?
>> Học sinh Đức tự lập
>> Giúp tân SV học kỹ năng tự lập
>> Cô thủ khoa thích tự lập
>> Giúp phát hiện sớm bệnh tự kỷ
>> Châm cứu điều trị tự kỷ
>> Mẹ bị sốt, con dễ bị tự kỷ
>> Nhận biết sớm bệnh tự kỷ
>> Béo phì dễ sinh con tự kỷ
>> Hướng về trẻ tự kỷ
>> Áo cho người tự kỷ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.