Giúp trẻ mầm non và tiểu học trở lại trường học trong đại dịch

30/12/2021 19:00 GMT+7

Hiện tại Chính phủ đang có kế hoạch cho trẻ mầm non và tiểu học trở lại trường, bên cạnh các biện pháp phòng dịch từ nhà trường, yếu tố quan trọng hàng đầu đảm bảo an toàn đến từ chính ý thức của các em.

Dưới đây là một số cách hữu ích mà phụ huynh và nhà trường có thể tham khảo để giáo dục trẻ xây dựng ý thức và thói quen phòng dịch tốt.

Thiết lập thói quen lành mạnh

Từ lâu, các thói quen lành mạnh như: đeo khẩu trang khi ra đường, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn khi đến chỗ đông người… đã trở thành một phần cuộc sống của chúng ta, và đó là điều kiện cơ bản nhất để mỗi người tự giữ an toàn sức khỏe cho chính mình. Trẻ em cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vấn đề là, làm thế nào để trẻ nghiêm túc thực hiện những việc này ngay cả khi không có sự giám sát của người lớn.

Trẻ mầm non và tiểu học không hiểu hết sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, nhưng bằng cách quan sát, trẻ có thể nhìn thấy hành động của người lớn và bắt chước làm theo. Chia sẻ về vấn đề này, cô Kristin Wegner - Cố vấn, Điều phối viên Ban hỗ trợ học sinh và Trưởng Ban An toàn Học đường tại Trường quốc tế Saigon Pearl (ISSP) quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết: "Cha mẹ và thầy cô nên thường xuyên trò chuyện với trẻ về sự cần thiết của các thói quen lành mạnh trên thông qua các cuộc nói chuyện hằng ngày cũng như trong các tiết học. Khi một chủ đề được lặp lại nhiều lần trong thời gian dài, đi kèm với đó là sự nghiêm túc thực hiện của những người thân cận, trẻ sẽ chủ động bắt chước làm theo kể cả khi không có sự giám sát của người lớn".

Cha mẹ và thầy cô nên thường xuyên trò chuyện với con về sự cần thiết của các thói quen lành mạnh

“Đó là những thói quen lành mạnh suốt đời, dù có đang sống trong đại dịch hay không, chúng cũng có thể giúp trẻ giữ an toàn về sức khỏe trong nhiều tình huống. Khi trẻ xem những việc này cũng quan trọng như việc thay quần áo, tắm rửa hằng ngày, khi đó các bậc phụ huynh đã có thể giảm bớt lo lắng khi đưa trẻ trở lại trường học trực tiếp”, cô Kristin giải thích thêm.

Đơn giản hóa các khái niệm

Chúng ta đang học cách sống chung với đại dịch, vì vậy, bên cạnh việc thiết lập những thói quen lành mạnh mỗi ngày, trẻ cũng cần được cung cấp những kiến thức cơ bản về dịch bệnh để biết cách tự bảo vệ mình khi ở nhà cũng như khi trở lại trường học. Nếu như học sinh bậc THCS trở lên có thể chủ động tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn thông tin khác nhau thì với trẻ mầm non và tiểu học, kênh thông tin chủ yếu của các em chính là từ thầy cô và cha mẹ.

Đơn giản hóa các khái niệm và lồng ghép kiến thức qua các trò chơi cho con

Ở độ tuổi lớn hơn - bậc tiểu học, trẻ sẽ tiếp thu kiến thức về cách giữ an toàn cho bản thân trong đại dịch Covid-19 nhanh hơn thông qua việc giải quyết các tình huống thực tế. Ví dụ: có thể hỏi trẻ: một người đàn ông sau khi hắt hơi, không rửa tay và bắt tay với trẻ thì trẻ sẽ ứng xử thế nào; giả định virus cũng giống như kim tuyến lấp lánh, xịt kim tuyến vào tay trẻ và cho trẻ lần lượt rửa tay với nước và với xà phòng xem cách nào sạch hơn, sau đó mới giải thích với trẻ về tầm quan trọng của việc rửa tay bằng xà phòng…

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, trẻ ở độ tuổi này thường sẽ hứng thú với bài học hơn khi được khuyến khích bằng lời khen hoặc các phần thưởng xứng đáng khi trẻ làm đúng.

Khuyến khích trẻ bằng lời khen hoặc các phần thưởng khi trẻ làm đúng

Thầy Lester Stephen, Hiệu Trưởng Trường quốc tế Saigon Pearl (ISSP) chia sẻ: “Trong các tiết học tại ISSP, chúng tôi luôn cố gắng lồng ghép những kiến thức liên quan đến dịch bệnh để trao đổi với học sinh, từ đó lắng nghe và giải đáp câu hỏi của các em. Ở độ tuổi nào trẻ cũng cần được cung cấp thông tin một cách chính xác, đó là cách tốt nhất để các em tự bảo vệ mình trước các rủi ro của dịch bệnh”.

Thay vì lo lắng hãy học cách thích nghi

Lo sợ, hoang mang là tâm lý chung của nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ sắp trở lại trường học trực tiếp trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, cha mẹ không nên thường xuyên thể hiện những cảm xúc tiêu cực đó trước mặt trẻ, cũng không nên để trẻ tiếp xúc với quá nhiều thông tin tiêu cực về dịch bệnh, những điều này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của trẻ.

Việc để trẻ tìm hiểu các kiến thức về dịch bệnh rất quan trọng, nhưng trẻ cần được trải nghiệm qua các bài học phù hợp với lứa tuổi. Thay vì nói với trẻ những nội dung gây tâm lý hoảng sợ, theo cô Kristin, cha mẹ có thể cùng trẻ duy trì những thói quen tốt cho sức khỏe như: ăn uống điều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng; ngủ đủ giấc; tham gia các chuyến dã ngoại ngoài trời ở khu vực an toàn; đặc biệt nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. “Hoạt động thể chất là một trong những nội dung học tập quan trọng của học sinh ISSP. Khi học sinh trở lại trường học trực tiếp, ngoài những biện pháp phòng dịch khoa học của nhà trường, đẩy mạnh rèn luyện thể chất theo tôi cũng là cách giúp các em giảm bớt nguy cơ nhiễm bệnh trong môi trường tập thể”, cô Kristin giải thích.

Hoạt động thể chất giúp các em giảm bớt nguy cơ nhiễm bệnh trong môi trường tập thể

Thực tế, nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng, rèn luyện thể dục thể thao không chỉ tốt cho tinh thần, thể chất mà còn giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, phòng tránh được nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.